Hôm qua (7/4), Trưởng ban kiểm soát VPF - Lê Hồng Cường đã có phát biểu trên Saostar khiến cho nhiều người phải bất ngờ về cách hoạt động của Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam.
“Thanh lý hợp đồng thì tôi cũng không biết. Ký tài trợ mới thì tôi cũng không biết. Họ chả báo gì Ban kiểm soát cả, các ông ấy tự làm thôi. Có lần tôi bảo sao giống doanh nghiệp tư nhân quá.
Tôi có trao đổi mấy lần rồi. Tôi yêu cầu Hội đồng quản trị với Ban Tổng giám đốc báo cáo tình hình thay đổi như thế nào. Thế nhưng, tôi không nhận được câu trả lời.
Chúng tôi được các cổ đông bầu lên ở Đại hội. Sau đó, chúng tôi thay mặt cổ đông để kiểm soát các hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc. Tôi nghĩ các anh ấy chưa nắm được hết nên chưa đề cao vai trò của Ban kiểm soát”, ông Lê Hồng Cường nói và cho biết hơn 4 tháng qua chưa họp lần nào.
Việc Ban kiểm soát không biết gì về chuyện VPF mua xe, ký tài trợ, thanh lý và tái ký bản quyền truyền hình với Next Media… khiến cho nhiều người bất ngờ. Thậm chí, ông Cường còn ví von một cách cay đắng: “VPF sao giống doanh nghiệp tư nhân quá“.
Trước điều này, bầu Đức với tư cách là cổ đông của VPF đã tỏ sự bức xúc lớn. Thậm chí, ông Đức muốn bầu Tú nghỉ ở VPF càng sớm càng tốt.
Ông Đức nói: “Cường lên tiếng xem như hết cỡ rồi. Cường hiền hòa, không muốn ồn ào nhưng nói ra thì chúng ta cần suy nghĩ.
Anh Cường nói ra cho thấy VPF chỉ có 1 người thao túng, trong khi đó tiền các CLB bỏ vào chứ không phải một người. Không thể chấp nhận được. Tóm lại, nghỉ càng sớm càng tốt“.
Trước chuyện VPF mua xe ô tô mới có giá 1 tỷ 180 triệu vào ngày 23/2, trong khi đang có 2 chiếc ô tô được bầu Thắng xin cho hồi năm 2012. Bầu Đức ý kiến: “VPF mua xe phải xin cả Hội đồng quản trị, kể cả Ban kiểm soát. Chẳng lẽ anh không đóng gì muốn vào làm gì làm à?
Tú đâu đóng đồng bạc nào đâu nên phải xin ý kiến các thành viên, mà cần xin ý kiến tất cả các CLB vì họ đóng góp vào đó”.
Theo bầu Đức, bầu Tú nếu tài giỏi thì hãy làm như bầu Thắng, không xài bất kỳ đồng bạc nào của VPF cho bản thân. “Có giỏi thì làm như bầu Thắng không xài đồng nào hết. Chứ xài tiền như thế thì lâu dài không ai cho đâu”, bầu Đức nói đầy bức xúc.
Ý kiến của bầu Đức xuất phát từ việc bầu Thắng chia sẻ 6 năm làm ở VPF không xài 1 đồng bạc, dùng 1 lít xăng cho việc cá nhân. Ông Thắng thấu hiểu các đội hạng Nhất, V.League đều lỗ nên không dám tùy tiện xài bạc.
Thậm chí, bầu Thắng cũng bức xúc không kém gì bầu Đức về chuyện VPF mua xe mới. Bầu Thắng cho rằng điều ấy là tầm bậy. Vì vậy, ông bầu nổi tiếng này tuyên bố: “Nếu Hội đồng quản trị xài tiền của VPF, tôi bỏ tài trợ cho CLB Long An”.
Từ bầu Đức đến bầu Thắng đều cùng nhau lên tiếng, có thể thấy các ông bầu đã “nóng mặt” khi nhìn về “đứa con cưng” VPF mà họ chung sức cho ra đời. Những ông bầu nổi tiếng này gần như xác định sẽ chiến đấu và chiến đến cùng để bóng đá Việt Nam phát triển, vì không chấp nhận chuyện 1 người ngồi nhiều ghế.
ĐIỀU 59. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BAN KIỂM SOÁT
1. Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.
2. Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.
3. Thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 06 tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp thường niên Đại hội đồng cổ đông.
4. Rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty.
5. Xem xét sổ kế toán, ghi chép kế toán và các tài liệu khác của công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết hoặc theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 24 của Điều lệ này.
6. Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 24 của Điều lệ này, Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu. Việc kiểm tra của Ban kiểm soát quy định tại khoản này không được cản trở hoạt động bình thường của Hội đồng quản trị, không gây gián đoạn điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
7. Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
8. Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc vi phạm quy định tại Điều lệ này thì phải thông báo ngay bằng văn bản với Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.
9. Có quyền tham dự và tham gia thảo luận tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và các cuộc họp khác của công ty.
10. Có quyền sử dụng tư vấn độc lập, bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty để thực hiện các nhiệm vụ được giao. 11. Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông.
12. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ công ty và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
ĐIỀU 60. QUYỀN ĐƯỢC CUNG CẤP THÔNG TIN CỦA BAN KIỂM SOÁT
1. Thông báo mời họp, phiếu lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị và các tài liệu kèm theo phải được gửi đến Ban kiểm soát cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên Hội đồng quản trị.
2. Các nghị quyết và biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị phải được gửi đến Ban kiểm soát cùng thời điểm và theo phương thức như đối với cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị.
3. Báo cáo của Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị hoặc tài liệu khác do công ty phát hành được gửi đến Ban kiểm soát cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên Hội đồng quản trị.
4. Ban kiểm soát có quyền tiếp cận các hồ sơ, tài liệu của công ty lưu giữ tại trụ sở chính, chi nhánh và địa điểm khác; có quyền đến các địa điểm làm việc của người quản lý và nhân viên của công ty trong giờ làm việc.
5. Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của Ban kiểm soát.