Hai quyết định đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam
Năm 2007, có thể gọi là lịch sử của bóng đá Việt Nam khi bầu Đức khánh thành Học viện bóng đá HAGL vào tháng 10. Một bước đi táo bạo vấp phải nhiều ý kiến ngờ vực nhưng kết quả cuối cùng đã góp phần thay đổi bộ mặt bóng đá Việt Nam.
Sở dĩ gọi là quyết định lịch sử của bầu Đức vì bóng đá Việt Nam thời điểm bấy giờ chỉ quen bỏ tiền mua sao, chính HAGL cũng làm theo cách tương tự. Bầu Đức chỉ được mở rộng tầm mắt khi thọ giáo HLV Wenger - thuyền thoại của CLB Arsenal. Ông thầy người Pháp khuyên bầu Đức về làm bóng đá trẻ với lời nhắn nhủ: Muốn làm bóng đá chuyên nghiệp phải làm đào tạo trẻ bài bản.
10 năm sau chuyện cho ra đời Học viện, bầu Đức tiếp tục góp công lớn khi mời HLV Park Hang Seo về dẫn dắt ĐTQG. Thêm một quyết định lịch sử khi ông Park đã trở thành nhà cầm quân được yêu mến nhất và hai lần liên tiếp đưa U23 Việt Nam tạo nên địa chấn ở sân chơi châu lục.
Sự thành công của một nền bóng đá hay ĐTQG không thể nói riêng là công lao của một mình cá nhân nào đó. Đó là công sức và sự nỗ lực cũng như đóng góp của rất nhiều người. Tuy nhiên, bầu Đức xứng đáng có được một vị thế riêng trong thành công mang tên U23 Việt Nam. Đây không phải là quan điểm cá nhân của chính người viết mà đa số người hâm mộ đều cảm nhận được.
Nợ, bầu Đức lời cám ơn
Nếu bầu Đức có 1 vị thế riêng trong thành công của U23 Việt Nam thì rõ ràng, ông bầu phố Núi xứng đáng được ghi nhận, ít nhất là một lời cảm ơn để cho thấy sự trân trọng đóng góp của những người luôn vì cái chung của bóng đá nước nhà. Họ được vinh danh, ngợi khen cũng là động lực cho nhiều người có cùng tư tưởng vào đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
Sòng phẳng, bầu Đức sau gần 20 năm bỏ hơn cả nghìn tỷ để làm bóng đá, trong đó có những đóng góp riêng bóng đá nước nhà ở cấp độ ĐTQG. Tuy nhiên, bóng đá cũng mang lại cho bầu Đức rất nhiều thứ. Đó là thương hiệu CLB HAGL, là thương hiệu bầu Đức - ông bầu nổi tiếng nhất bóng đá Việt Nam…. Khía cạnh kinh tế, có lẽ bầu Đức cảm nhận được hơn ai hết khi bóng đá vẫn luôn là món hơi theo nhiều nghĩa khác nhau với các ông bầu, chỉ là nỗi khổ nếu làm ăn thất bại.
Tuy nhiên, bầu Đức là một người yêu bóng đá chân chính. Bầu Đức từng tâm sự với tôi là những năm bóng đá Việt Nam bắt đầu hội nhập lại sân chơi khu vực thì ông đã đi cổ vũ cho ĐTVN ở nước ngoài. Thậm chí, nhiều cầu thủ thế hệ Nguyễn Hữu Thắng, Huỳnh Đức… vẫn không quên được hình ảnh người đàn ông mặc áo da bò lặng lẽ đến tặng cho toàn đội những xấp tiền đô trong tư thế người hâm mộ yêu bóng đá.
Từ hình ảnh khán giả thì bầu Đức đã yêu bóng đá nên khi bắt tay làm bóng đá chuyên nghiệp luôn mang trong mình những khát vọng tột cùng. Bầu Đức ao ước Việt Nam phải giành HCV SEA Games, một giấc mơ sân chơi khu vực nhưng chúng ta vẫn nhiều lần ngã trước ngưỡng cửa thiên đường. Bầu Đức muốn thấy bóng đá Việt Nam vượt Thái Lan, vươn tầm biển lớn. Đó là những suy nghĩ từ tận đáy lòng của một người yêu bóng đá bình dị.
Thử hỏi bóng đá Việt Nam có những ai dám mang đến những quyết định lịch sử như bầu Đức cho bóng đá Việt Nam? Đó là sự khác biệt của bầu Đức so với phần còn lại nếu xét ở khía cạnh những người làm bóng đá chứ không phải vai trò khán giả.
Một nền bóng đá muốn phát triển thì cần những con người dám làm những điều khác biệt, dám nói dám làm. Bóng đá Việt Nam có được những kỳ tích trong năm 2018 đã mang đậm dấu ấn từ suy nghĩ đến cách làm riêng biệt của bầu Đức. Đáng nói là ông Đức không đứng lên nhận công, không đi dự những lễ mừng công của U23 Việt Nam. Ông bầu phố Núi chỉ ao ước bóng đá nước nhà gặt hái thêm nhiều vinh quang, các cầu thủ HAGL trưởng thành và đóng góp cho ĐTQG.
Với một người có tính cách như bầu Đức, đôi khi lời cảm ơn cũng đủ cho ông vui thay vì được vinh danh. Tôi vẫn nhớ ông Đức nói rằng: “Anh không thích đến những chổ náo nhiệt, chổ đó không phải dành cho anh”. Bầu Đức cần là thực tế, là sự khẳng định của U23 Việt Nam ở sân chơi châu lục, bởi cái danh thì ông đã quá đủ khi người hâm mộ Việt Nam đều biết đến bầu Đức!