Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Bầu Đức bỏ bóng đá, bầu Tú có sướng?

Ông bầu CLB HAGL tuyên bố sẽ bỏ bóng đá nếu không dẹp được chuyện bầu Tú đang cố gắng thao túng quyền lực từ VPF đến VFF.

Không dẹp được Mafia thao túng, tôi thề bỏ bóng đá ngay. Bầu Đức tuyên bố với Saostar khi nói về chuyện ông Trần Anh Tú một mình ngồi 3 ghế bự nhất VPF và đang chuẩn bị ngồi ghế phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF nhiệm kỳ VIII.

Bầu Đức chưa bao giờ tuyên bố vui. Ông Đức nói nghỉ chức phó Chủ tịch VFF nếu U22 Việt Nam không vô địch SEA Games 29. Sau đó, ông bầu phố Núi nộp đơn lên VFF và theo quy trình thì không được nghỉ dang dở, nên ông Đức phải ngồi đến bây giờ để chờ hết nhiệm kỳ.

Bầu Đức là người nói được làm được.

Đó là ví dụ để thấy rằng bầu Đức nói được làm được. Đồng nghĩa nếu bóng đá Việt Nam đi theo con đường quyền lực tập trung hết về tay bầu Tú thì bầu Đức chắc chắn nghỉ bóng đá, giải tán CLB HAGL trong tương lai.

Bầu Đức nghỉ bóng đá được bản thân ông lý giải rất cụ thể. HAGL là một phần của VPF và ông Đức không bao giờ bỏ tiền để cho một người ngoại đạo, không có đội bóng ở V.League trở thành “đại ca cầm đầu”, với quyền lực tuyệt đối là kiêm nhiệm chức Chủ tịch, Tổng giám đốc và Trưởng giải của VPF. Hơn hết, điều ấy làm hại cho bóng đá Việt Nam, vì một người không thể ngồi 7 cái ghế mà làm tốt hết công việc.

Theo ông Đức, VPF hay bất kỳ tổ chức nào cũng cần có người phản biện làm đúng hay làm sai. Thế nhưng, bầu Tú nắm tất cả quyền lực thì làm sai, ai dám đứng ra phản biện? Do vậy, ông Đức gọi công ty cổ phần bóng đá VPF bây giờ trở thành công ty trách nhiệm 1 thành viên do bầu Tú lãnh đạo. Điều ấy là nghịch lý khi các đội bóng V.League và hạng Nhất đang bỏ tiền làm bóng đá nhưng một người “lạ” cầm trịch.

Bầu Tú (bên phải) đang nắm 3 chức bự ở VPF và có tổng cộng đến 7 cái ghế.

Hơn hết, ông Tú không chỉ nắm quyền VPF mà muốn làm chức phó Chủ tịch tài chính VFF - một vị trí hết sức quan trọng trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam. Ngoài ra, ông Tú đang là Chủ tịch liên đoàn bóng đá TP.HCM và “bá chủ” ở môn Futsal, ông bầu CLB bóng rổ…

Cần phải nhắc, bầu Đức huỵch toẹt và đả kích bầu Tú ngay ở cuộc họp Ban chấp hành VFF vào ngày 16/3. Bầu Đức nói thẳng ông Tú tham quyền, tham chức và nắm nhiều ghế như thế là làm hại cho bóng đá Việt Nam, vì một người ôm nhiều ghế sao có thể làm tốt, trong khi nhiều người khác có năng lực nhưng không có việc làm.

Ông bầu CLB HAGL kế rằng, ban đầu muốn ở Ban chấp hành để có thể phản biện, đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, những lời nói của ông gần như theo kiểu “nước đổ lá khoai”, khi tất cả im lặng theo kiểu “tôi chẳng nghe, chẳng thấy, chẳng biết”, còn bầu Tú ngồi im nhưng vẫn không rút khỏi danh sách ứng cử.

Quá nản, bầu Đức quyết định chia tay luôn VFF và để vị trí ủy viên Ban chấp hành VFF cho ông Nguyễn Tấn Anh làm. Ông Đức cũng tuyên bố “không dẹp được Mafia thao túng, tôi thề bỏ bóng đá ngay”.

Hãy thử nghĩ một viển cảnh là bầu Tú không lùi bước, những người làm bóng đá Việt Nam vẫn bỏ phiếu tín nhiệm theo kiểu bất chấp để ông Tú làm phó Chủ tịch VFF. Bầu Đức lúc đó bỏ bóng đá thật. Vậy ông Tú có sướng?

Bầu Đức thề dẹp Mafia thao túng bóng đá Việt Nam.

V.League từng rơi ở cảnh chạm đáy niềm tin, khán giả chửi trọng tài, chửi cầu thủ bán độ. Có người còn tuyên bố thà ở nhà coi ti vi còn hơn lên sân xem “Võ League”, xem những trận cầu thật giả lẫn lộn… Lúc đó, lứa Công Phượng trở thành chiếc phao cứu rỗi, đưa khán giả trở lại sân. Bản thân bầu Đức cũng góp một phần không nhỏ để ủng hộ VPF ra đời, cống hiến rất nhiều cho bóng đá Việt Nam trong gần 20 năm.

Vậy nên, bầu Đức quá nản mà bỏ thật thì người hâm mộ không khéo sẽ “tẩy chay” V.League. Bởi một ông bầu tâm huyết phải nghỉ vì chuyện tham quyền, tham ghế của bóng đá Việt Nam, đúng hơn như bầu Đức nói “không khéo thì Mafia sẽ thao túng bóng đá nếu để chuyện này xảy ra”, thử hỏi có ai muốn coi V.League?

V.League trở lại cảnh chợ chiều thì rõ ràng bầu Tú chẳng thể sướng, vì ông đang giữ 3 chức bự nhất VPF là Chủ tịch, Tổng giám đốc và Trưởng giải!

Những chiếc ghế của bầu Tú:

1/ Chủ tịch HĐQT VPF

2/ Tổng giám đốc VPF

3/ Trưởng ban điều hành giải V.League

4/ Uỷ viên thường trực VFF

5/ Trưởng ban Futsal

6/ Chủ tịch liên đoàn bóng đá TP.HCM

7/ Chủ tịch CLB Thái Sơn Nam

8/Chủ tịch CLB Bóng rổ Hochiminh City Wings

Sắp tới, bầu Tú có cơ hội lớn để nắm chiếc ghế thứ 9 là phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF nhiệm kỳ III.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất