Đó chắc chắn là một quyết định gây ra sự bất ngờ quá lớn cho nhiều người hâm mộ, kể cả giới chuyên môn, trừ HLV Park Hang Seo và dàn trợ lý ở tuyển Việt Nam.
Lý do là Anh Đức "thất nghiệp" từ cuối năm 2019. Anh Đức không còn được CLB Bình Dương trọng dụng vì Tiến Linh trở thành ngôi sao sáng nhất của đội bóng đá Thủ.
Hơn hết, Anh Đức bây giờ đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp (sinh năm 1985). Cựu tiền đạo Bình Dương khó có thể chơi đủ 90 phút, có lẽ chỉ dùng trong một thời điểm thích hợp ở cuối trận đấu.
Một lý do khác là Anh Đức đã giã từ tuyển Việt Nam sau trận đấu với Thái Lan. Anh Đức còn mang đến câu chuyện hài hước là đăng facebook cá nhân chia tay ĐTQG ngay trước giờ bóng lăn. Một hành động khó hiểu và lạ lùng, ít nhất là thời điểm đăng tải thông tin và cách truyền tải quyết định lại trên mạng xã hội.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên câu chuyện Anh Đức với niềm vinh dự khoác áo ĐTQG trở thành chủ đề cho dư luận. Trước khi có quyết định giã từ vào cuối năm 2019, Anh Đức cũng có 2 lần tan hợp với tuyển Việt Nam, thậm chí từ chối lên tuyển dưới thời HLV Hữu Thắng.
Và cũng từ nghịch lý của Anh Đức khiến cho nhiều người phải đặt vấn đề ở HLV Park Hang Seo: Tại sao ông thầy người Hàn Quốc gọi trở lại một cầu thủ lớn tuổi, thất nghiệp nhiều tháng, cũng từng chính thức nói lời giã từ ĐTQG?
Đáp án nằm ở câu chuyện chuyên môn. Bóng đá Việt Nam bây giờ không có một trung phong cắm đích thực, một mẫu tiền đạo săn bàn đẳng cấp như Lê Công Vinh, Lê Huỳnh Đức. Những cầu thủ được chờ đợi như Tiến Linh, Hà Đức Chinh gần như chỉ ồn ào bên lề nhiều hơn là sự trưởng thành về chuyên môn. Do đó, ông Park phải chấp nhận gọi trở lại Anh Đức - một cầu thủ hết thời và từng cạn động lực thi đấu cho ĐTQG (giã từ).
Nghịch lý mang tên Nguyễn Anh Đức và nỗi khổ của HLV Park Hang Seo, đó cũng chính là sự báo động cho tuyển Việt Nam trong việc tìm kiếm những tiền đạo giỏi trong tương lai, vì ai cũng hiểu Anh Đức chỉ là phương án nhất thời chứ không thể đặt kỳ vọng lâu dài vào một cầu thủ sinh năm 1985.