1. Thảm họa Estadio Nacional
Ngày 24-5-1964, 2 đội tuyển bóng đá Peru và Argentina gặp nhau trong trận vòng loại cuối cùng để tranh vé đi dự Thế vận hội Olympic Tokyo, Nhật Bản. Trận đấu được tổ chức ở sân vận động quốc gia Estadio Nacional, Lima, Peru, thu hút 53.000 khán giả (5% dân số thủ đô Lima ở thời điểm đó).
Cuộc tranh tài diễn ra rất sôi nổi với nhiều kịch tính. Khi chỉ còn 2 phút nữa là kết thúc, lúc này Argentina đã dẫn trước 1-0 thì bất ngờ Peru ghi được một bàn thắng, gỡ hòa. Tuy nhiên, trọng tài người Urugoay là ông Angel Eduardo Pazos đã không công nhận bàn thắng ấy nên chỉ khoảng 10 giây, ước chừng 30.000 khán giả Peru đi từ niềm vui sướng bất ngờ đến sự giận dữ cùng cực vì họ cho rằng Angel Eduardo Pazos thiên vị.
Thảm họa bắt đầu khi một người hâm mộ tên là Bomba lao ra sân, đấm thẳng vào mặt trọng tài, rồi một người hâm mộ khác cũng… ăn theo! Ngay lập tức, cả hai kẻ quá khích bị cảnh sát đánh tới tấp bằng dùi cui.
Vụ việc được đẩy lên đến cực điểm khi cảnh sát xua chó nghiệp vụ vào, cắn xé cả hai. Jose Salas, một khán giả có mặt tại trận đấu nói với Đài Phát thanh Quốc gia Peru rằng: “Đó chính là chất xúc tác của thảm họa. Cảnh sát đánh anh ta như thể là kẻ thù và điều này đã khiến mọi người nổi cơn giận dữ. Cả tôi cũng vậy”.
Lập tức, đám đông trên các khán đài tràn xuống sân. Họ dùng nhiều loại đồ vật như chai nước, cán dù, mũ cứng…, tấn công cảnh sát cùng các quan chức trong Liên đoàn Bóng đá Argentina.
Phản ứng lại, cảnh sát bắn hơi cay vào những chỗ tập trung người quá khích, kể cả bắn lên khán đài nhằm ngăn chặn họ tràn xuống khiến hàng chục nghìn khán giả chen lấn, giẫm đạp lên nhau, chạy khỏi sân vận động qua 4 đường hầm dẫn đến cổng ra vào. Nhưng khi tới nơi, mới hay nó đã bị khóa chặt.
Khi trật tự lập lại, có 328 người chết vì ngạt thở và vì xuất huyết nội tạng do bị giẫm đạp. Tuy nhiên, theo nhiều nhân chứng, con số tử vong còn cao hơn nữa bởi lẽ cảnh sát đã cố tình che giấu cái chết của những người bị giết bằng súng.
2. Thảm họa Accra
37 năm sau, ngày 9-5-2001, một biến cố gần giống như ở Peru lại xảy ra. Hai đội bóng hàng đầu của Ghana, châu Phi, là Accra Hearts và Asante Kotoko thi đấu tại sân vận động Accra Sports.
Biết trước tính chất cuồng nhiệt của các cổ động viên hai đội, an ninh đã được thắt chặt và mọi sự cố cũng đã được dự đoán. Thế nhưng lúc trận đấu kết thúc với chiến thắng 2-1 nghiêng về đội Accra Hearts, những người hâm mộ đội Kotoko đã hết sức giận dữ bẻ gãy những chiếc ghế nhựa ra khỏi khung sắt rồi ném vào sân. Một số khác ủng hộ bằng cách đồng thanh la ó, đốt pháo sáng khiến không khí hết sức hỗn loạn.
Giống như ở Peru, phản ứng của cảnh sát là bắn đạn hơi cay và đạn cao su vào đám đông - nhưng không chỉ bắn những kẻ quá khích mà bắn vào tất cả mọi người trên khán đài.
Ngay lập tức, 40.000 khán giả ào ào chạy ra khỏi sân vận động. Họ chen lấn, giẫm đạp lên nhau trong các hành lang dẫn đến cửa ra vào.
Đến khi trật tự được lập lại, đội thu dọn hiện trường đếm được 127 tử thi, trong đó có Abdul Mohammed! Và cũng như ở Peru, họ chết vì ngạt thở, vì chảy máu nội tạng.
3. Thảm họa Hillsborough
Ngày 15-4-1989 sẽ mãi mãi được những người hâm mộ Anh Quốc nhớ đến, vì đó là ngày chết người nhiều nhất trong lịch sử bóng đá châu Âu.
Hôm ấy, trận bán kết tranh cúp Liên đoàn bóng đá Anh diễn ra giữa đội Liverpool và đội Nottingham Forest, thu hút gần 60.000 khán giả. Do nhận thức được tính “holigan” của một số người hâm mộ nên một sân vận động trung lập là sân Hillsborough được chọn làm nơi thi đấu.
Tại sân này, cổ động viên của hai đội bị tách riêng ra, trong đó số cổ động viên của đội Liverpool nhiều hơn cổ động viên đội Nottingham Forest nên đã dẫn đến tình trạng quá tải ở lối vào vì chỉ có 7 cửa quay (là loại cửa đi vào thì được nhưng không ra được vì nó mở một chiều).
Kết quả là sau khi trận đấu kết thúc, các CĐV 2 đội đã có sự xích mích và dẫn đến ẩu đả, sự việc khiến đám đông hỗn loạn, dẫm đạp lên nhau để tìm cách thoát ra khỏi sân vận động, Khi trật tự đã vãn hồi, 96 người chết vì ngạt thở, 766 người khác bị thương trong đó hơn 1/3 bị thương rất nặng. Thiếu cáng, cảnh sát và các cổ động viên phải tháo những tấm biển quảng cáo để khiêng nạn nhân ra ngoài.