Mới đây, vụ việc cô Nguyễn Thị Kim Tuyến - giáo viên tại một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội có nói những từ ngữ khó nghe với học viên, thậm chí chửi là “thằng mặt lợn” khiến cư dân mạng xôn xao. Nguyên nhân của vụ việc trên bắt nguồn từ việc nam học viên (sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội) không chịu nộp phạt 100 nghìn mà cô Tuyến đề ra là nguyên tắc dạy của mình.
“Mày nói ai lừa đảo? Tao nói cho mày biết, mày bước vào đây tao lừa đảo mày làm gì?”- ”Bà ảo tưởng à?”- ”Mày không đóng chứ gì? Mày nhìn cả lớp làm gì thì mày làm thế đấy, đừng để tao điên lên. Chúng tao không để 1 thằng mặt lợn như mày học ở đây mày biết chưa?”… là một vài trong số những câu chửi qua lại của giáo viên và nam sinh. Cuối cùng, nam sinh vẫn nhất quyết không đóng tiền, bỏ ra khỏi lớp trong khi hai bên lớn tiếng qua lại không ngớt.
Đoạn clip lời qua tiếng lại trên được 1 học viên khác đăng tải lên mạng xã hội thu hút nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Cô giáo đáng bị chỉ trích nhưng học viên có cần xem lại mình?
Ngay khi chia sẻ, sự việc trên đã nhận về rất nhiều phản hồi của cư dân mạng. Không ít người cho rằng, học tiếng Anh ở Trung tâm là do mình chọn chỗ, cô dở, cô thiếu tôn trọng người học thì bỏ đi, sao còn cố ngồi cố theo đuổi rồi quay video đưa lên mạng làm gì? Quyền năng trong thời đại này giờ đây đang nằm trong tay khách hàng khá nhiều rồi, vì vậy mỗi chúng ta hãy lựa chọn thay vì lên mạng than khóc?
“Học chán thì bỏ đi sao còn đâm đầu vào. Rõ ràng ngay từ khi đến đã có quy định như thế. Quan hệ ở đây là thuận mua vừa bán chứ đừng nói là các bạn sinh viên không biết quy định, không biết tính khí cô thế nào nên mới đến học nhé“, bạn M.Q bình luận.
Ngoài ra, nhiều người cũng cho rằng, ở Hà Nội có hàng trăm trung tâm tiếng Anh. Chắc chắn trong số đó có nhiều trung tâm dễ chịu hơn ở chỗ cô giáo Tuyến. Là một người khách hàng, bỏ tiền ra để mua dịch vụ đào tạo thì chúng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn những thứ tốt nhất cho mình.
“Các bạn học viên lớn rồi, trong tay có tiền, có công cụ máy tính để tra cứu, có bộ óc biết suy luận thì phải biết cái gì tốt cho mình chứ. Sinh viên là người trẻ, có học thức mà còn chọn sai chỗ như vậy thì mình cũng khó hiểu. Mình không hiểu trung tâm này có gì hay mà các bạn chọn học nhưng rõ ràng chỉ dựa vào thái độ của cô giáo đã là không chấp nhân được rồi“, bạn Q.A bày tỏ.
Bên cạnh đó, một số tài khoản cho rằng áp lực học tiếng Anh đối với sinh viên đã không còn nặng nề như thời cấp 3. Thời ĐH chúng ta có nhiều thời gian hơn và không còn bị ba mẹ quản thúc chặt chẽ như trước nữa. Vì thế, nếu đã biết cô giáo dở, cô chửi học viên thì không học nữa thì nên thẳng thắn “tẩy chay”.
Ngoài ra, nhiều bạn trẻ cũng đồng tình rằng học tiếng Anh, dù ở đâu vẫn phải lấy yếu tố tự học ra làm chủ đạo. Vì thế, trước áp lực phải đóng tiền phạt mà nam sinh cũng không chịu làm bài tập thì việc đi học liệu có còn đem lại hiệu quả?
“Đặt trường hợp bạn cố tình không làm bài tập để chống đối cô giáo thì mình thấy bạn hơi rảnh vì đã biết luật của Trung tâm nhưng vẫn vào học và tìm cách chống đối. Nếu bạn vô tình không làm bài thì mình nghĩ là bạn cũng có một phần lỗi. Vì ở Trung tâm nào cũng vậy thôi, việc tự học rất quan trọng. Giáo viên dạy mà học viên không làm bài tập thì sẽ rất khó tiến bộ“, bạn H.K bình luận.
“Tiền đã đóng làm sao nói bỏ là bỏ ngay được”
Trước nhiều ý kiến “ném đá” ngược về phía người học, trên nhiều diễn đàn mạng, không ít các bạn học viên cũng để lại bình luận, lý giải vì sao họ vẫn còn tiếp tục theo học tại đây.
“Bạn kia cũng như mình nộp cả gần chục triệu rồi chứ ít gì đâu mà nói bỏ là bỏ được. Lúc vào thì cũng biết quy định là thế nhưng không ngờ lại khắt khe và cô cư xử chán vậy“, tài khoản C.M.K nói.
“Bất luận học viên sai phạm ra sao với cương vị của một giáo viên đang đứng trên bục giảng, không bao giờ được phép mạt sát, lăng mạ, xúc phạm ví học sinh là “con lợn”, cũng như tự nhận mình là giáo viên giẻ rách nên mới dạy học sinh giẻ rách”, tài khoản L.D.L phân bua.
Dù có nhiều bạn trẻ nói là sau khi xem clip cô giáo mắng học viên, họ sẽ cạch mặt Trung tâm tiếng Anh này. Thế nhưng liệu điều đó có xảy ra. Cụ thể là trước đó, vào 30/7/2015, cô giáo Bọ Cạp Lê Na cũng từng mắng học sinh “vô học”, xưng danh “tao là cung bọ cạp” khiến dư luận dậy sóng. Thế nhưng sau khi vụ việc yên ắng, làn sóng “tẩy chay” dường như cũng dừng lại và trung tâm Lê Na vẫn có rất đông học viện theo học.
Liệu có phải đã đến lúc, chúng ta nên xem xét lại vấn đề ở phía chính những người học viên? Các bạn là khách hàng bỏ tiền ra mua dịch vụ và đang nắm trong tay quyền năng sinh tử của một nhà cung cấp dịch vụ? Làm sao để tận dụng tốt nó? Có phải chăng chúng ta nên có những hành động tẩy chay mạnh mẽ, quyết liệt hơn thay vì phản ánh, chỉ trích xong rồi lại để đó và chịu đựng tâm lý “đã đâm lao thì phải theo lao”?