Sau vụ việc, cái chết thương tâm và nguyên do tự vẫn của thầy giáo trẻ đã nhanh chóng trở thành đề tài được tranh cãi sôi nổi khắp các mạng xã hội nước này.
Sự việc này càng khiến dư luận quan tâm hơn nữa khi bố mẹ của thầy Tào đã lên tiếng tố cáo trên các phương tiện truyền thông, khẳng định nguyên nhân ngọn ngành khiến anh tự vẫn là vì một cái tát của cấp trên.
Cụ thể, người thân kể thầy đã bị đối xử bất công, bị chèn ép và bắt nạt ngay từ khi mới vào trường công tác. Sự kiện đỉnh điểm là vào tháng 6/2021, thầy giáo bị chủ nhiệm văn phòng tát công khai trước mặt nhiều đồng nghiệp khác. Kể từ đó, thầy Tào trở nên đa sầu đa cảm, tính cách thay đổi, ngày càng mắc chứng trầm cảm nặng và cuối cùng là đi đến quyết định tiêu cực nhất.
Trước đó, một vụ việc tương tự ở Trung Quốc cũng từng xảy ra, chỉ khác là, thầy giáo trẻ này gặp phải áp lực tâm lý từ phía học sinh.
Theo đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin vào ngày 27/12/2021 vừa qua, một thầy giáo họ Lâm ở thành phố Tú Thiên, Giang Tô đã nhảy xuống sông tự vẫn trong sự bàng hoàng của người nhà và bạn bè.
Nguyên nhân cho hành động tiêu cực của anh được cho là do chất lượng học sinh. Theo một đồng nghiệp kể lại, thầy Lâm vốn là một người vui vẻ, hòa đồng, tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần ham học hỏi.
Gần đây nhà trường đã tổ chức kỳ kiểm tra hàng tháng như thường lệ. Kết quả của các học sinh do thầy Lâm phụ trách kém nhất khối nên lãnh đạo nhà trường đã phê bình, kiểm điểm thầy. Anh cũng bị xếp chót trong bảng xếp hạng thành tích giáo viên toàn trường.
Chuyện này khiến nam giáo viên rất suy sụp và căng thẳng kéo dài. Sau cùng, có lẽ do không chịu nổi cú đả kích này mà thầy Lâm đã chọn cách tự tử để giải thoát.
Qua hai câu chuyện trên có thể thấy, vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm lý của các giáo viên cần được quan tâm hơn nữa. Nhiều người cứ nghĩ rằng, chỉ có học sinh mới phải chịu áp lực tâm lý nhưng trên thực tế, các giáo viên cũng phải chịu nhiều gánh nặng, áp lực khác nhau.