Theo công bố của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định, cơ bản như năm 2019. Nhưng sau năm 2020, công tác tuyển sinh có thay đổi?
Chất lượng đào tạo không tốt, thí sinh sẽ quay lưng
Luật Giáo dục mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7, quy định học sinh học xong lớp 12 có thể tham dự thi kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp hoặc không.
Như vậy, từ năm 2021, những em học xong lớp 12 nhưng không dự thi THPT quốc gia, sẽ được hiệu trưởng các trường cấp giấy xác nhận hoàn thành chương trình THPT.
PGS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nêu câu hỏi những thí sinh không tốt nghiệp THPT quốc gia vẫn có thể tham gia xét tuyển đại học? Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn hoặc quy định ngưỡng nhất định khi các trường tuyển thí sinh không tốt nghiệp THPT?
“Rất có thể các trường sẽ tuyển những em này như lâu nay chúng ta tuyển sinh bằng phương thức xét kết quả học bạ 3 năm học phổ thông. Chúng ta coi ngưỡng (sàn) xét tuyển chỉ là hoàn thành chương trình THPT cũng có thể học đại học. Vì các trường rất thiếu nguồn tuyển, không tuyển những em này thì biết tuyển ở đâu?”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Tuy nhiên, PGS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, lại cho rằng việc không tốt nghiệp THPT có thể học đại học khó xảy ra. Bởi hiện nay, điều kiện tuyển sinh của các trường đại học là thí sinh phải tốt nghiệp THPT. Tương lai, “cánh cửa” này có được mở hay không thì khó nói trước.
Hơn nữa, theo ông Hướng, số lượng thí sinh không thi THPT để xét tốt nghiệp sẽ rất ít. Những em này đã xác định con đường riêng thay vì vào đại học, như học nghề hay xuất khẩu lao động.
“Dù sao người học cố gắng 12 năm cũng mong nhận tấm bằng tốt nghiệp. Chỉ một số trường hợp đặc biệt mới không cần bằng. Do đó, số này cũng không ảnh hưởng quá nhiều việc tuyển sinh đại học. Tôi cũng không lo thiếu những em này thì nguồn tuyển hạn hẹp hơn”, ông Hướng nói.
Trong khi đó, PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng nếu luật có cho phép thì trường của ông và một số trường đại học lớn cũng sẽ không tuyển nguồn thí sinh này. Còn các trường đại học tư thục có thể sẽ xét tuyển nhưng chưa chắc đã tuyển được.
“Thí sinh ngày nay đã thông thái hơn rất nhiều. Nếu chất lượng đào tạo của trường không tốt, các em cũng không muốn hoài phí thêm 4 năm một cách vô ích”, ông Dũng nói.
Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng đây là bài toán hai chiều, các trường đại học muốn tuyển nhưng chưa chắc thí sinh đã chọn. Và nếu tuyển được, các trường cũng chỉ duy trì phương thức này trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng có thể ảnh hưởng phương hướng tuyển sinh đại học là đề thi THPT quốc gia. Từ năm 2021, đề thi các bài thi tổ hợp có thể sẽ thay đổi. Các câu hỏi trong bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội sẽ được cấu trúc lại.
Theo đó, số câu hỏi trong từng bài thi có thể giảm, nhưng vẫn giữ được độ phân hóa để tạo thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Đánh giá năng lực sẽ là xu thế?
Năm 2019 chứng kiến sự nở rộ của các kỳ thi đánh giá năng lực. Ngoài một số kỳ thi đã quen thuộc của ĐH FPT, ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc gia TP.HCM, một số trường khác cũng tự tổ chức thi riêng.
Theo PGS Nguyễn Đức Nghĩa, số lượt thí sinh tham gia dự thi và xét tuyển ước tính 70.000, đứng thứ ba sau hai phương thức xét tuyển phổ biến nhất là dựa trên kết quả thi THPT quốc gia (650.000 thí sinh) và xét học bạ (khoảng 260.000). Nhưng đề, quá trình thi và ngưỡng điểm xét tuyển như thế nào thì mỗi trường mỗi khác, không có chuẩn chung.
Hiện nay, đối với phương thức xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia, điểm sàn xét tuyển vẫn áp dụng với khối ngành sư phạm và sức khỏe; xét tuyển bằng kết quả học bạ cũng có sàn riêng. Nhưng, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hiện chưa có mức sàn nào.
Do đó, nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nghi ngại một số trường sử dụng kết quả hoặc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhằm “lách rào” để tận dụng nguồn tuyển, nhất là đối với khối ngành sức khỏe.
Cũng theo chuyên gia này, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức khá ổn định, được nhiều trường sử dụng kết quả. Thi đánh giá năng lực sẽ là xu hướng được nhiều trường lựa chọn để tuyển sinh.
Ông Nghĩa cho hay hiện nay, có trường đưa ra rất nhiều phương thức cũng chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu. Điều này đã thể hiện ngay khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, khi chỉ có vài trăm hoặc vài chục thí sinh đăng ký.
Do đó, ông dự đoán sắp tới, trong chính sách tổng thể về giáo dục đại học, việc sáp nhập, giải thể sẽ diễn ra sẽ căn cứ trên hiệu quả tuyển sinh của các trường.