Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Có trường Đại học lấy điểm chuẩn đến 30; 30,5 là điều không bình thường

Điểm chuẩn đại học tăng cao, một số trường lấy điểm tuyệt đối, thậm chí cao hơn 30 điểm, điều đó cho thấy tính phân loại của kỳ thi chưa tốt.

Vừa qua, các trường đại học trên cả nước đồng loạt công bố điểm trúng tuyển đại học chính quy theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 đợt 1. Theo đó, điểm chuẩn của các trường đều tăng mạnh ở hầu hết các nhóm ngành, bên cạnh đó, xuất hiện một số ngành học với điểm chuẩn cao bất ngờ.

Cụ thể, Trường Đại học Luật Hà Nội, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Luật Kinh tế với 29,25 điểm. Ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục đạt ngưỡng điểm tối đa 30/30 đối với tổ hợp C00. Mức điểm đầu vào cao nhất cả nước thuộc về ngành đào tạo trình độ đại học sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) với 30,5 điểm (cộng cả điểm ưu tiên),….

Năm nay, thủ khoa khối C00 cả nước đạt 29,25 điểm, điều này có nghĩa là, nếu không có điểm ưu tiên, thủ khoa vẫn có thể trượt đại học. Thậm chí thí sinh đạt điểm tuyệt đối cũng không có cơ hội trúng tuyển vào ngành học mà điểm chuẩn là 30,5 điểm.

Điểm chuẩn tăng cao, xuất hiện những ngành học có điểm trúng tuyển cao hơn mức điểm tuyệt đối, điều này đặt ra cho dư luận về những bất thường trong tuyển sinh năm nay.

Đề thi chưa có tính phân hóa cao

Có trường Đại học lấy điểm chuẩn đến 30; 30,5 là điều không bình thường Ảnh 1
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: XT)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay chưa làm tốt nhiệm vụ sàng lọc thí sinh cho tuyển sinh đại học.

“Nếu đề thi đã chuẩn hóa và nhiều học sinh đạt điểm số cao thì sẽ là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng đề thi chưa chuẩn hóa thì lại là một vấn đề đáng lo ngại.

Năm nay, đề thi nhẹ nhàng hơn, khả năng phân hóa không cao, do đó, hầu hết thí sinh đều đạt điểm rất cao. Xuất hiện ‘cơn mưa’ điểm 9, điểm 10 cho thấy khâu ra đề thi có vấn đề, điểm chuẩn cũng vì vậy mà được đẩy lên cao bất thường.

Đề thi không phân hóa còn dễ khiến người học bị ảo tưởng về thành tích học tập của mình”, Tiến sĩ Vinh nhận định.

Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, đề thi đại học phải có tính phân hóa cao, đảm bảo các mức độ khó khác nhau để sàng lọc thí sinh từ ngưỡng điểm tốt nghiệp đến ngưỡng điểm xét tuyển đại học.

Bên cạnh đó, việc đa dạng phương thức xét tuyển cũng khiến điểm chuẩn tăng cao. Các hình thức xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng thông qua các chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng quốc tế và quốc gia,… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Cộng với việc điểm thi của thí sinh cao buộc các trường phải nâng điểm chuẩn lên cao.

Ngoài ra, việc để thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng cũng là một lý do khiến điểm chuẩn của các trường đều tăng lên.

“Những vấn đề của tuyển sinh đại học năm nay đã cho thấy, việc chuyên nghiệp hóa công tác ra đề thi và tổ chức thi là vấn đề hết sức quan trọng mà chúng ta cần phải làm”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh khẳng định.

Điểm chuẩn cao hơn 30 là không bình thường

Bàn về vấn đề tuyển sinh đại học năm nay, Giáo sư Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, tính phân loại của kỳ thi chưa tốt khi có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao.

Có trường Đại học lấy điểm chuẩn đến 30; 30,5 là điều không bình thường Ảnh 2
Giáo sư Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NVCC)

Nhìn vào kỳ thi năm nay, điểm 9, điểm 10 chiếm một tỷ lệ rất lớn, điều đó khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Chẳng lẽ tất cả học sinh của chúng ta đều giỏi như vậy?

“Rõ ràng là do đề thi phân loại chưa cao, một kỳ thi phân loại không rõ mà được dùng làm cơ sở để tuyển sinh là không phù hợp.

Có những trường lấy điểm chuẩn mức 30, trên 30 là điều không bình thường.

Sẽ thật bất cập nếu như học sinh giỏi với số điểm tuyệt đối nhưng vẫn không trúng tuyển đại học, trong khi đó, trường phải lựa chọn những thí sinh có điểm ưu tiên. Như vậy là thiếu công bằng với người học”, Giáo sư Cường khẳng định.

Giáo sư Hoàng Văn Cường cho rằng có hai vấn đề đặt ra từ câu chuyện tuyển sinh năm nay. Thứ nhất là cần phải có một kỳ thi đảm bảo tính phân loại rõ hơn, tránh tình trạng để phổ điểm tập trung vào điểm 9, điểm 10 dẫn tới công tác tuyển sinh xảy ra những vấn đề bất thường.

Thứ hai là các trường đại học cần phải có sự thay đổi về phương thức tuyển sinh, việc đánh trượt những học sinh có số điểm gần như tuyệt đối là chưa đạt được mục tiêu lựa chọn những thí sinh có năng lực.

Giáo sư Cường cũng cho rằng việc đa dạng các phương thức tuyển sinh cũng là một trong những nhân tố khiến điểm chuẩn tăng cao. Tuy nhiên, việc các cơ sở giáo dục đại học áp dụng đa dạng phương thức tuyển sinh là điều phù hợp, thuộc về quyền tự chủ của trường và giúp họ tuyển được sinh viên theo đúng mục tiêu đào tạo của trường.

“Điều quan trọng là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải phân loại được thí sinh. Chúng ta cũng cần phải có phương thức tuyển sinh tốt hơn. Nếu một kỳ thi không có tính phân loại cao thì khi đó, chúng ta phải xác định rõ có nên dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh đại học nữa hay không”, Giáo sư Cường nhận định.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết giaoduc.net.vn

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất