Có lẽ, chưa năm nào kì thi THPT quốc gia lại khiến dư luận xôn xao như năm nay. Từ chuyện đề thi khiến nhiều GS, TS hay các giáo viên giỏi phải bật khóc vì không thể giải kịp trong thời gian hạn định đến câu hỏi về đề sai và đặc biệt là chuyện gian lận kết quả ở Hà Giang mới được Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố gần đây.
Sau khi sai phạm ở Hà Giang được làm rõ, nhiều địa phương khác cũng nằm trong diện nghi vấn có điểm thi bất thường. Trước vấn đề này, tại Lai Châu và Sơn La và Lạng Sơn đã thành lập tổ công tác kiểm tra và rà soát kết quả của kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.
Dưới đây là thông tin từ các địa phương trả lời báo chí xung quanh nghi vấn điểm thi THPT quốc gia có dấu hiệu bất thường.
Điện Biên: Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh: “Tôi tôn trọng kết quả này vì khách quan”
Phân tích toàn bộ dữ liệu thi THPT 2018 (khoảng gần 1 triệu thí sinh với hơn 5 triệu bài thi), TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT định dạng hiện tượng một số nơi có dấu hiệu bất thường, trong đó có Điện Biên.
Trả lời Vietnamnet, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sáng 20/7 mới nhận được thông tin phản ánh của báo chí. Tuy nhiên, vị này chỉ trả lời ngắn gọn: “Tất cả mọi việc của kỳ thi tôi đã làm đúng quy trình”.
Theo ông Kiên, dù Điện Biên là địa phương xếp thứ 39 về trung bình điểm thi THPT quốc gia 2018, có điểm thi khối A và B nổi bật nhưng kết quả thi này là thực chất. Ông khẳng định, dù dư luận nghi như vậy nhưng địa phương sẽ không kiểm trả lại và bảo lưu kết quả này.
“Chúng tôi đã thực hiện đúng quy trình rồi. Tất cả các đĩa kết quả, văn bản khi chấm xong chúng tôi đã báo cáo đầy đủ cho Bộ GD-ĐT và Ban chỉ đạo thi quốc gia. Tôi cho rằng câu chuyện này khách quan vì thực tế tất cả việc từ coi thi đến chấm thi đều đúng quy trình. Chúng tôi làm đúng theo quy chế, cho nên sẽ không có động thái gì cả” - trích theo báo Vietnamnet.
“Chúng tôi không kiểm tra vì thực tế đã rà theo quy trình nhưng quy trình chắc là đúng rồi thì thôi nên không thể khác được.Tôi tôn trọng kết quả này vì khách quan”, Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên khẳng định lần nữa.
Sơn La: Việc thẩm định kết quả điểm thi được tổ chức nghiêm túc, theo đúng quy chế
Sau Hà Giang, Sơn La cũng bị phản ánh có nhiều nghi vấn về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018. Bộ GD&ĐT đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La.
Trả lời Vietnamnet sáng 20/7, ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2018 của tỉnh cho biết: “Chiều 19/7, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã đến làm việc tại Sở. Tại đây, việc thẩm định kết quả điểm thi được tổ chức nghiêm túc, theo đúng quy chế. Sau khi có kết luận sẽ thông tin đến báo chí”.
Trước đó, liên quan đến kết quả điểm thi THPT quốc gia tại tỉnh Sơn La cao bất thường, chiều 19/7, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD ĐT tỉnh Sơn La khẳng định: Toàn bộ quy trình tổ chức kì thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt. Những em có điểm cao trong đợt thi vừa rồi đều có học lực khá.
Sau đêm thứ 2 kiểm tra nghi vấn điểm thi bất thường ở Sơn La, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&Đ), thông tin trên Trí thức trẻ, trong đêm 20/7, Tổ công tác tiếp tục kiểm tra, xác minh bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La.
Theo ông Trinh, ngay sau khi hoàn tất công việc, sẽ cung cấp thông tin cho cho báo chí. “Tổ công tác đang cố gắng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao cùng sự quyết liệt, nghiêm minh“, ông Trinh nói.
Lạng Sơn: “Các chiến sĩ ôn thi đến… tóp má”
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền danh sách kết quả điểm thi của 35 thí sinh tự do ở Lạng Sơn được cho là điểm cao bất thường, không có thí sinh nào dưới điểm 24.
Theo báo cáo nhanh từ Sở GD-ĐT Lạng Sơn, đó là điểm của nhóm chiến sĩ công an nghĩa vụ nằm trong số 104 thí sinh tự do của lực lượng công an, quân đội thi tại điểm thi Trường THPT Chuyên Chu Văn An.
Đại úy Đỗ Đình Viên, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 (thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động - K20) xác nhận 35 thí sinh bị nghi ngờ về điểm số đều là chiến sĩ nghĩa vụ của đơn vị mình.
Ông Viên cho rằng nếu nói 35 chiến sĩ đó có học lực trung bình là không đúng. Ông cũng khẳng định thêm, không có chuyện các thí sinh này là con em lãnh đạo hoặc cán bộ cấp cao.
Nhận xét về bảng điểm được cho là cao bất thường, ông Viên nói, số điểm đấy hơi tiếc vì môn Toán thấp ảnh hưởng đến môn Sử, còn riêng môn Văn lẽ ra phải điểm cao hơn nữa vì các chiến sĩ được ôn luyện rất nhiều.
“Năm nay, đơn vị có 112 chiến sĩ tham dự kì thi THPT Quốc gia. Điểm thi như vậy không có gì là cao. Điểm các bạn nhìn trong danh sách là đã cộng điểm ưu tiên, còn cột điểm thực thì không đến thế (cao nhất chỉ đạt hơn 25 điểm). 112 chiến sĩ mới có một người như thế, các chiến sĩ phía sau danh sách 35 người đang được lan truyền có điểm thấp hơn khá nhiều” - trích theo báo Dân trí.
“Đơn vị huấn luyện cho anh em đủ thời gian, để đảm bảo thời gian ôn luyện buổi chiều tối thì chúng tôi báo thức sớm nhằm đẩy lịch học sớm hơn. Các chiến sĩ học ôn thi THPT Quốc gia trong hai ca 17-19h, 19h30-21h30 liên tục trong 1 năm, trừ mỗi đợt nghỉ tết. Và quan trọng, điểm thi khá tốt là một cái kết quả cho các chiến sĩ xứng đáng. Bởi vì có những chiến sĩ học đến mức má tóp đi, mắt trố ra. Ban ngày rèn luyện đến chiều lại học, đêm lại “cày” ôn luyện. Ngoài ra, anh em còn học online“, ông Viên nói.
Ông cũng cho hay, đơn vị chỉ gửi thí sinh vào đó thi. Còn đề thi, giám sát, quy chế thế nào là do của Bộ, chiến sĩ phải tuân thủ.
Bạc Liêu: Yêu cầu báo cáo về điểm thi THPT quốc gia 2018
Theo thống kê điểm trung bình thi THPT quốc gia 2018 các địa phương trên cả nước, Bạc Liêu đứng 6 trên 63 tỉnh thành khiến nhiều người nghi ngờ về điểm thi của Bạc Liêu.
Phân tích dữ liệu điểm thi của tỉnh Bạc Liêu, GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia), cho biết khi so sánh phân bố điểm thi của cả nước và tỉnh Bạc Liêu thì không có sự khác biệt đáng kể. Tỷ trọng thí sinh có điểm cao ở các môn Toán, Lý và Hóa của tỉnh Bạc Liêu thấp hơn so với tỉ trọng của cả nước.
Chiều 19/7, ông Nguyễn Tấn Khương, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu, đã yêu cầu Sở GD&ĐT báo cáo cụ thể về kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.
Trao đổi với Zing.vn tối 19/7, ông Dương Hồng Tân, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, cho biết ông Nguyễn Tấn Khương mới chỉ trả lời báo chí nhưng UBND tỉnh vẫn chưa có chỉ đạo cụ thể bằng văn bản nên Sở GD&ĐT chưa rõ yêu cầu và thời gian báo cáo.
Thông tin mới nhất, chiều 20/7, UBND tỉnh Bạc Liêu chính thức có văn bản gửi Sở GD&ĐT tỉnh này để yêu cầu rà soát, báo cáo (chậm nhất đến 25/7) về việc tỷ lệ tốt nghiệp cao so với năm trước.
Trao đổi với Zing.vn, ông Vương Phương Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nói rằng tỉnh này không phải có điểm thi cao mà chính xác là có tỷ lệ tốt nghiệp cao.
Theo ông Nam, so sánh với các năm trước cũng không chênh lệch nhiều vì năm 2017, tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT của Bạc Liêu đứng thứ 10/63. Năm nay, Bạc Liêu tăng 3 bậc là điều bình thường (tỷ lệ tốt nghiệp xếp thứ 7).
Dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018 cho thấy tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh Bạc Liêu là 98,31% (năm 2017 là 97,78%). 10 trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp 100% (năm 2017 là 13 trường); 3 điểm 10 (năm 2017 là 16 điểm 10). Còn theo phân tích từ dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018 do Bộ GD&ĐT cung cấp, Bạc Liêu xếp thứ 6 trong số 10 tỉnh thành có điểm thi cao nhất nước.
Kon Tum: “Đây là kết quả thực”
Theo kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng của Sở GD&ĐT Kon Tum thì khối A có 20/1637 thí sinh đạt điểm từ 24 trở lên (đạt tỉ lệ 1,22%); khối A1 có 9/1642 thí sinh đạt tổng điểm từ 24 trở lên (đạt tỉ lệ 0,55%); khối B có 15/1603 thí sinh có tổng điểm từ 24 điểm trở lên (đạt tỉ lệ 0,94%); khối C có 15/2625 thí sinh có tổng điểm từ 24 điểm trở lên (đạt tỉ lệ 0,57%); khối D có 14/4197 thí sinh có tổng điểm từ 24 trở lên (đạt tỉ lệ 0,33 %). Theo danh sách 15 thí sinh có điểm khối B cao của Sở GD&ĐT Kon Tum cung cấp thì có 14 thí sinh học trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, chỉ có 1 thí sinh học trường THPT Kon Tum.
Còn kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT đạt 95,87% (4161 thí sinh dự thi, 3989 thí sinh đậu).
Theo đó, dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi như điểm những năm trước của Kon Tum có cao như đợt thi THPT quốc gia 2018 không?; vì sao điểm khối B lại cao “bất thường” so với cả nước?…
Theo phân tích của TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH FPT, dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018 của 63 tỉnh thành với hơn 5 triệu bài thi thì Bộ GD&ĐT nên nghiêm túc xem xét nghi vấn các tỉnh Kon Tum và một số tỉnh khác.
Chiều 20/7, ông Nguyễn Hóa - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum đại diện thông tin đến báo chí về đợt thi THPT quốc gia 2018 có điểm thi khối B của 15 thí sinh cao vượt hẳn so với cả nước.
Tiền phong dẫn lời người đại diện Sở GD&ĐT Kon Tum khẳng định: “Tỉnh Kon Tum đã tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 nghiêm túc, khách quan, trung thực, đúng qui chế. Đây là kết quả thực, thể hiện sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò tỉnh Kon Tum”; xây dựng kế hoạch, tổ chức ôn tập; công tác in sao và vận chuyển đề thi; công tác coi thi; công tác làm phách bài tự luận; công tác chấm thi,…”.
Hòa Bình: “Chưa có vấn đề gì”
Chiều 16/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chủ trì cuộc họp gồm Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách kỳ thi, Giám đốc Sở GD&ĐT, Giám đốc Công an tỉnh, Chánh văn phòng về nội dung có thông tin điểm thi bất thường.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng có văn bản giao Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Trọng Đắc phụ trách công việc này.
Nghi vấn điểm thi bất thường ở địa phương này được đặt ra khi số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên là 27 em, chiếm 4,7% cả nước. Trong khi với đề thi Toán năm 2017 được đánh giá dễ hơn rất nhiều, cả tỉnh chỉ có 100 em đạt 9 điểm trở lên, chiếm 0,46% cả nước.
Nếu xét điểm thi theo khối chính (A00, A01, B00, C00, C03, D01), trong 324 thí sinh cả nước được tổng điểm 27, Hà Giang có 67, Sơn La 26, Hòa Bình 22 em. Ở tổ hợp C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử), cả nước có 10 thí sinh được 27 điểm trở lên, Hòa Bình có 2 thí sinh.
Trả lời Zing tối 20/7, ông Bùi Trọng Đắc - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình - cho hay sở này vẫn chưa rà soát điểm thi được cho là bất thường của thí sinh, bởi theo quy định, quá trình rà soát chỉ diễn ra sau khi có chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, về cơ bản, sau khi kiểm tra lại điểm thi của thí sinh, Sở GD&ĐT thấy “chưa có vấn đề gì” về coi và chấm thi, tất cả đều đúng quy chế.
Trước đó, tổ thanh tra của Bộ GD&ĐT đã rà soát điểm thi tại Hà Giang sau khi nhận được những phản ánh nghi vấn tiêu cực từ dư luận. Quá trình rà soát đã phát hiện 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi trắc nghiệm có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có thí sinh tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm/3 môn so với điểm chấm thẩm định.
Sau Hà Giang, các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Bạc Liêu,… cũng bị phản ánh có nhiều nghi vấn về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018. Bộ GD&ĐT đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn và Sơn La. Hiện tại, tổ công tác đang làm việc với sở GD&ĐT của hai tỉnh này.