Sáng 21/8, tại TP.HCM, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH.
Một số nội dung quang trọng được đưa ra lấy ý kiến như sau: trình độ phổ thông, chương trình SGK, chính sách giáo viên, người học và học phí.
Theo bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban trên, đây là dịp để các đại biểu bày tỏ quan điểm về kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp THPT với bằng tốt nghiệp trung cấp nghề để làm sao công tác phân luồng được thực hiện hiệu quả.
Đại biểu Phan Thị Thu Hà, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến đồng tình về đề xuất các trường nghỉ dạy và học ngày thứ bảy. Để thực hiện điều này, bà Hà nói rằng cần có sự đồng bộ từ Bộ GD-ĐT nơi quy định về nội dung, chương trình để giúp các trường mạnh dạn thực hiện.
Đề cập đến quan điểm của mình về kỳ thi THPT quốc gia, đại biểu Phan Thị Thu Hà thẳng thắn chỉ rõ kỳ thi vừa qua có những việc đáng tiếc, không mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, không vì bị dư luận xã hội phản ứng mà nói bỏ hay không bỏ. Theo bà, điều cần thiết là chúng ta phải đánh giá một cách nghiêm túc. Và bà khẳng định nên giữ kỳ thi này nhưng cần quản lý chặt chẽ và xử lý một cách quyết liệt đối với những sai phạm.
Còn PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, đặt giả thuyết nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia, trả việc tổ chức thi tuyển sinh cho các trường ĐH, chưa hẳn tình hình khá hơn.
Riêng về học phí, TS Bùi Xuân Hải cho rằng không nên quy định mức trần trong khung học phí vì các trường có sự cạnh tranh với nhau nhưng phải quy định nguyên tắc tăng học phí để phụ huynh yên tâm cho con em theo học.