Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Thí sinh bị điểm liệt mới rớt tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT tự làm khó mình

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, thí sinh rớt tốt nghiệp THPT chủ yếu vì vướng điểm liệt (dưới 1 điểm). Thực tế rất hiếm em không bị điểm liệt mà có tổng điểm xét tuyển dưới 5.

Trả lời Zing.vn, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng Bộ GD&ĐT đang tự làm khó mình khi kỳ thi THPT quốc gia phải “cõng” 2 mục tiêu khác nhau để đáp ứng cho 2 đối tác khác nhau.

“Cõng” kỳ thi hai trong một, Bộ GD&ĐT đang làm khó mình

Đề thi THTP quốc gia năm nay được nhận định chung là khó hơn năm trước. Theo ông, điều này có ảnh hưởng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên cả nước hay không?

- Công thức tính điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia là điểm trung bình các bài thi (khi đăng ký để xét tốt nghiệp) cộng với điểm trung bình năm học lớp 12 chia cho 2 và cộng với điểm ưu tiên sao cho từ 5,00 trở lên.

Trong công thức này, điểm trung bình lớp 12 chiếm tỷ trọng một nửa. Thí sinh rớt tốt nghiệp THPT chủ yếu vì vướng điểm liệt (dưới 1 điểm). Thực tế rất hiếm em không bị điểm liệt mà có tổng điểm xét tuyển dưới 5,00.

Tuy nhiên nếu thay đổi công thức đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT sẽ giảm mạnh, gây sốc cho xã hội.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018

Năm 2015, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia giảm xuống còn 91,5% (năm 2014 là 99,09%). Năm 2016, tỷ lệ này là 93,4% và năm 2017 hơn 97%.

Với đề thi năm 2018, dù dư luận đánh giá chung là khó hơn, các thí sinh trung bình vẫn có khả năng làm được phân nửa số câu trắc nghiệm và đạt 5 điểm.

Điều này có ý nghĩa quan trọng vì tỷ lệ tốt nghiệp THPT vốn đang tiến đến 100% sau 3 năm tổ chức thi THPT quốc gia. Đề thi khó nhưng tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp có cơ sở dự đoán không thay đổi bất ngờ.

- Mục tiêu thứ hai là kỳ thi dùng để xét tuyển vào đại học thì sao, thưa ông?

- Theo Luật giáo dục năm 2005, Luật giáo dục sửa đổi năm 2009, dự thảo luật giáo dục 2018 vẫn có điều khoản về kỳ thi để đánh giá học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia nếu tiếp tục được duy trì như hiện nay, tôi cho rằng nó mang ý nghĩa của kỳ thi tốt nghiệp.

Việc các trường đại học sử dụng kết quả này hay không hoàn toàn là quyền quyết định của trường, miễn là thí sinh được xét trúng tuyển phải tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hiện nay, tất cả trường đại học đều dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, nhưng cũng có nhiều trường xét tuyển thêm từ học bạ THPT hoặc tự tổ chức kỳ thi riêng.

Với mục tiêu xét tuyển vào đại học và thực tế độ khó của các bài thi vừa qua, điểm trúng tuyển đại học có thể thấp hơn năm 2017.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng quy định làm tròn tổng điểm của tổ hợp 3 môn xét tuyển đến 2 chữ số thập phân sau dấu phẩy chứ không làm tròn đến các mức 0,00; 0,25; 0,50; 0,75 như những năm trước sẽ làm cho việc xét tuyển công bằng và chính xác hơn ở mức 0,01 điểm. Không còn hiện tượng có thí sinh lợi đến 0,12 điểm nhưng ngược lại cũng có thí sinh bị thiệt đến 0,12 điểm.

Tuy nhiên, quy định này cũng khiến các thí sinh dù hơn nhau 0,01 điểm sẽ kẻ đậu người rớt. Chúng ta phải chấp nhận thực trạng này.

Kỳ thi có mục đích “hai trong một” khiến ông băn khoăn điều gì?

- Rõ ràng, việc một kỳ thi phải “cõng” 2 mục tiêu khác nhau để đáp ứng cho 2 đối tác khác nhau là bài toán khó. Nói cách khác, Bộ GD&ĐT đang tự làm khó mình.

Một bên là các sở GD&ĐT và đặc biệt là gần 240.000 (chiếm 26% tổng số thí sinh năm 2018) thi chỉ để xét tốt nghiệp. Một bên là các trường đại học và gần 670.000 thí sinh thi để xét tuyển vào 450.000 chỉ tiêu.

Nhiều trường đại học lớn đòi hỏi yêu cầu về kết quả điểm phải có độ phân cách tốt để tuyển sinh. Các trường đại học chỉ quan tâm khâu xét tuyển, và hiện nay chỉ phối hợp các sở GD&ĐT trong công tác coi thi mà thôi. Còn các sở và 240.000 thí sinh kia, họ chỉ quan tâm đến nửa đầu của bài thi dùng để xét tốt nghiệp.

Vậy liệu các bên có thể “song hành” đến khi nào trong kỳ thi THPT quốc gia? Những học sinh có mục đích khác nhau có cần ngồi cùng và làm chung một bài thi? Tôi cho rằng chính các trường đại học phải trả lời câu hỏi này trước, vì về mặt pháp lý, kỳ thi THPT quốc gia trước hết dùng để xét tốt nghiệp hàng năm cho gần một triệu thí sinh.

Bộ GD&ĐT đã xác định sẽ giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia cho đến năm 2020. Sau đó, nếu kỳ thi có thay đổi như thế nào, bộ cần công bố lộ trình sớm để học sinh THPT và các trường đại học chuẩn bị. Bởi rõ ràng, kỳ thi tác động đến gần một triệu học sinh và hàng nghìn trường phổ thông, hàng trăm trường đại học.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của 4 năm gần đây. Ảnh: Nguyễn Sương.

Đề thi thiếu chuẩn hóa?
- Nếu năm 2017 đề thi THPT quốc gia được đánh giá dễ dẫn đến “mưa điểm 10” thì năm 2018 đề lại quá khó. Phải chăng khâu ra đề thi có vấn đề, thiếu tính chuẩn hóa thưa ông?

- Ở góc độ nào đó, nhận định này là đúng, bởi trước đây từ kỳ thi “3 chung” chuyển sang THPT quốc gia, đề thi có sự kế tục. Sau 14 năm “ba chung”, ngân hàng đề thi có vẻ đã cạn kiệt.

Ví dụ môn Hóa học, một năm thi sẽ mất 300 câu (cả chính thức lẫn dự bị), 14 năm hết hơn 4.000 câu hỏi. Những câu hỏi đã thi không được sử dụng lại cho năm sau.

Về mặt được, các câu trong đề thi THPT quốc gia đã yêu cầu kiểm tra đánh giá năng lực hơn kiểm tra kiến thức, chất lượng đề tốt hơn ngân hàng cũ. Nhưng trong khâu tổ chức thi với một phòng có 24 mã đề khác nhau, việc chuẩn bị ngân hàng trong 1-2 năm liệu có đảm bảo chuẩn hóa, đảm bảo độ khó tương đương giữa các mã đề?

Trước đây, mỗi phòng thi chỉ có 8 mã đề, từ một đề gốc tạo thành nhiều phiên bản, thực chất chỉ là xáo trộn thứ tự câu hỏi và đáp án. Nhưng thực tế hai năm thi THPT quốc gia vừa qua, các câu trong mã đề phần lớn khác nhau hoàn toàn.

Bộ GD&ĐT nên công bố phổ điểm cho từng mã đề để thấy độ khó - dễ của các mã đề là tương đương nhau. Bộ GD&ĐT phải có thẩm định về điều này và trả lời cho các trường, học sinh, giáo viên yên tâm.

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng Bộ GD&ĐT đang tự làm khó mình với kỳ thi “hai trong một”. Ảnh: NVCC.

- Với các môn thi thành phần trong bài tổ hợp, 40 câu hỏi làm trong 50 phút, có đủ sức nặng để các trường tuyển sinh?

- Thí sinh dự thi tổ hợp nhưng lấy điểm từng một riêng rẽ nên kết quả vẫn là thi theo môn. Giải pháp thi theo bài tổ hợp để học sinh học đều các môn nhưng hiệu quả đến đâu thì cần nghiên cứu thêm.

Chúng ta làm bài thi 120 câu trong 150 phút liên tiếp với các môn xáo trộn nhau thì việc lo sợ học sinh nhớ hay ghi đề môn này để làm tiếp môn sau trong 10 phút nghỉ giữa các môn thi sẽ không còn. Nhưng để làm việc này cần phải có lộ trình vì ảnh hưởng trực tiếp việc xét tuyển của các trường khi các trường vẫn xét tuyển theo tổ hợp môn thi truyền thống.

 Ông có đề xuất gì để kỳ thi THPT quốc gia ngày càng hoàn thiện?

- Khi kỳ thi THPT quốc gia được tiến hành sau 4 năm, Bộ GD&ĐT cần có những tổng kết nghiêm túc để rút kinh nghiệm, từ tổ chức thi, đề thi, xét tuyển.

Rất mong với sự ổn định liên tiếp hai năm 2017, 2018 vừa rồi, Bộ GD&ĐT nếu có điều chỉnh, cải tiến, bổ sung, thay đổi thì cần công bố phương án thi sớm, trước thời gian vào năm học, tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh.

“Trượt tốt nghiệp còn khó hơn cả đỗ”
Trên mạng xã hội, nhiều học sinh bàn luận vui vẻ về kỳ thi với mục đích xét tuyển “hai trong một”. Theo họ, trượt tốt nghiệp còn khó hơn cả đỗ.

Một giáo viên phổ thông cho hay với công thức này, người trượt tốt nghiệp chỉ khi bị điểm liệt. Ngoài ra, phần lớn các môn (trừ Ngữ văn) thi trắc nghiệm, nên khó có thể bị điểm liệt.

Theo giáo viên này, 4 năm qua, từ khi triển khai kỳ thi THPT quốc gia, điểm tổng kết lớp 12 của học sinh phổ thông tăng vọt so với các năm trước. Phần lớn học sinh đều được 7-8 phảy. Nếu học sinh có điểm trung bình là 8, điểm mỗi môn thi THPT quốc gia chỉ 2 điểm là đỗ. Nếu học sinh có điểm trung bình là 7, điểm môn thi THPT quốc gia chỉ 2,5 điểm là đỗ. Điều này khiến học sinh không cần quay cóp, phao thi mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên cả nước vẫn gần 100%.

Trả lời Zing.vn, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT - cho biết nghị quyết 29 ghi rất rõ đổi mới thi theo hình thức kiểm tra và đánh giá, đặc biệt đánh giá cuối kỳ theo hướng kết hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình và cuối năm học. Do đó, việc sử dụng kết quả đánh giá năm học lớp 12 vào điểm xét tuyển tốt nghiệp nằm trong nghị quyết này, phù hợp với xu hướng quốc tế.

Vấn đề có hiện tượng gian dối trong kiểm tra điểm số lớp 12 được Bộ GD&ĐT giám sát bằng biện pháp tăng cường quản lý, đưa các phần mềm kiểm tra điểm số. Thực tế, từ năm 2016 đến nay, bộ xét tuyển tốt nghiệp theo hình thức này và chưa có mâu thuẫn giữa điểm đánh giá và quá trình học tập.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?