Bài văn 21 trang giấy gây tranh cãi trái chiều, bị tiến sĩ kiêm giảng viên ĐH cho là "bốc phét"
Tại kỳ tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, em Nguyễn Trần Ban Mai (học sinh lớp 9A, Trường THCS Phan Huy Chú, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) xuất sắc trở thành tân thủ khoa đầu vào môn Văn trường THPT Chuyên Hà Tĩnh với số điểm là 53,5 (trong đó, Toán đạt 8,5 điểm; Văn 9,75 điểm; tiếng Anh 8,25 điểm và điểm môn chuyên là 9).
Đáng chú ý, Ban Mai tỏ ra rất hào hứng khi nhắc về môn Văn. Theo đó, nữ sinh này cho hay: "Đề Văn năm nay khá mới, em rất thích 2 câu nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Thời gian 150 phút, em đã viết hết 21 trang giấy, cảm thấy khá hài lòng về bài thi của mình. Trong thời gian làm bài, em đã dùng hết các kiến thức đã ôn luyện".
Ngay sau khi chia sẻ của Ban Mai được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhiều ý kiến đã nổ ra xoay quanh câu chuyện nữ sinh viết 21 trang giấy chỉ trong 150 phút.
Theo đó, có nhiều người tán dương tài năng cũng như tốc độ viết tay của nữ sinh này. Để hoàn thành bài thi dài 21 trang giấy, chắc chắn, nữ sinh đã nỗ lực và cố gắng rất nhiều trong việc ôn luyện, củng cố kiến thức; chưa kể, nữ sinh hẳn phải là người có tư duy và cảm xúc tốt mới có thể viết ra ngần đó trang giấy.
Tuy nhiên, trái ngược với những lời ngợi khen, không ít ý kiến lại tỏ ra ngờ vực, cho rằng nữ sinh "bốc phét"; đồng thời quy cho nữ sinh cố tình viết dài, viết bôi làm barem cho "đẳng cấp" văn chương của mình".
Đặc biệt, giữa lúc dư luận đang xôn xao bàn tán, một bài viết của một vị tiến sĩ lớn tuổi là giảng viên đại học về bài thi 21 trang nhắm vào nữ sinh đậu thủ khoa tiếp tục làm dấy lên làn sóng bức xúc.
Vị tiến sĩ này nhận định bài văn 21 trang được viết "nhanh như một cái máy chạy chữ tự động"; tiếp đó, bà còn dùng nhiều ngôn từ, suy đoán xúc phạm nữ sinh này như "không có não", "cái tay nhanh hơn cái não", "ra đời bốc phét"... đăng kèm hình ảnh cô bé. Đáng chú ý, ngay sau khi bài viết của vị tiến sĩ xuất hiện trên mạng xã hội, nữ sinh vốn không có tội tình gì một lần nữa bị cư dân mạng ùa vào chê bai, bình phẩm với những lời lẽ vô cùng tổn thương.
Nhiều giáo viên, nhà giáo dục đồng loạt lên tiếng bảo vệ nữ sinh
Trước sự tấn công không có căn cứ của cư dân mạng, nhiều giáo viên, nhà giáo dục, giới văn nghệ sĩ... đã đồng loạt lên tiếng bảo vệ em nữ sinh.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Đinh Hồng Nhung, giáo viên Văn ở Than Uyên, Lai Châu cho hay: "Tôi đã chấm thi Văn nhiều năm, nhiều lần hạ bút cho những bài văn 9,5 điểm vì bài làm đảm bảo các ý cơ bản nhất, hành văn súc tích, có cảm xúc. Chỉ vì thiếu chút điểm đọc hiểu và sáng tạo, nếu đủ cả thì tôi cũng cho trọn vẹn 10 điểm.
Tôi không lạ những bài văn trên 9, học sinh viết say sưa và đầy cảm xúc. Tôi cảm thấy trân trọng nỗ lực và cảm hứng mà trẻ nhận được từ đề bài. Có người cho rằng các em học vẹt, chép mẫu nhưng nếu chép sách thì không bao giờ chép được nhanh thế. Chỉ có tự viết bằng cảm xúc và tư duy cực nhanh ý, nhiều khi viết không kịp dòng tư duy thôi thúc mới được như vậy. Bản thân tôi từng ôn học sinh giỏi Văn, dạy học sinh giỏi Văn và cả viết Văn nên không lạ việc khi có cảm xúc với một đề bài thì viết nhanh cỡ nào.
Văn dài chưa chắc đã điểm cao, nếu viết lan man không trọng tâm, không rõ ý nhưng văn dài mà điểm cao, chắc chắn văn hay, mạch lạc. Xin dừng ghen tị với đứa trẻ và nên chúc mừng cô bé có điểm 9,75 môn Văn và chúc mừng THPT chuyên Hà Tĩnh đã tìm được một học trò yêu Văn và tư duy nhanh, kỹ năng viết tốt".
Trước ý kiến cho rằng giáo viên và dư luận đang làm hỏng giáo dục vì không ai lại tính độ dài của một bài Văn để ca tụng, cô Nhung cũng khẳng định: "Những người chê là họ không bao giờ xem đáp án, hướng dẫn chấm của một bài Văn; bởi vì ngoài điểm nội dung còn có điểm yêu cầu về mặt hình thức, vấn đề nghị luận, sự sáng tạo... Không học sinh nào viết linh tinh lại được điểm cao và nói như vậy thì hóa ra Hội đồng tuyển sinh làm việc tắc trách, cho "lọt lưới" những bài không hay mà vẫn điểm cao? Một bài thi dọc phách, chấm 2 vòng, lệch giữa 2 vòng chấm chỉ 0,5 điểm là phải đối thoại tranh luận để xem lấy điểm nào vào bài, chứ không phải chấm 1 lần lấy điểm luôn".
Theo tờ Dân Trí, chụp lại bài viết của vị tiến sĩ tấn công nữ sinh nói trên, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, nguyên hiệu trưởng một trường học ở Cà Mau cho hay, bà đắn đo có nên chụp nguyên xi bài viết, trong đó có hình ảnh cháu bé hay không? Mục đích chụp để thấy sự hèn của những người lớn khi tấn công một đứa trẻ. Nhưng cuối cùng, bà vẫn quyết định cắt hình ảnh cô bé đi.
Bởi theo bà, mớ ngôn ngữ mỉa mai, đay nghiến, bỉ bôi vị tiến sĩ đã tuôn ra không thể một lần nữa đi kèm với cháu bé.
Bà Hà khẳng định: "Tôi mà là mẹ của cháu, tôi sẽ kiện người này ra tòa vì hành vi xúc phạm, sỉ nhục nhân phẩm người khác".
Nữ nhà văn phân tích, thông tin cháu bé viết văn 21 trang và 21 trang đó hay dở như thế nào. Nhưng điều rõ ràng là kết quả đánh giá bài viết 9,75 điểm không phải do cháu chọn. Bất cứ ai cũng không đủ tư cách mạt sát cháu bé hay đưa cháu ra làm "mồi nhậu" trên mạng.
Bà Hà cho biết đã muốn trực tiếp điều đó dưới bài viết tấn công cháu bé nhưng lại bị tác giả khóa comment (bình luận).
"Cần thêm một tiếng nói, thêm một sự phản đối để Ban Mai được bảo vệ trước lời lẽ kỳ thị của một người lớn làm giáo dục có 3.700 người tương tác trên trang cá nhân, hơn 100 comment bình phẩm, sỉ nhục cháu", nữ nhà văn bức xúc.
Thầy Nguyễn Ngọc Toàn, giáo viên dạy văn ở TPHCM cho hay, không có quy định nào cấm học sinh đi thi viết bài văn 1 trang hay 50 trang, đề thi cũng không giới hạn vấn đề này. Bởi vậy, điều tối thiểu chúng ta có thể làm là tôn trọng các em.
Khi điều tối thiểu này những người lớn không làm được thì thứ cần xem lại không phải là bài văn hay em học sinh đó mà chính là những người lớn nhỏ nhen, méo mó.