Ở làng quê Việt Nam có nhiều cây dại tưởng không ăn được đã trở thành đặc sản nổi tiếng mang hương vị riêng. Trong đó, chúng ta phải kể đến lá vông vang.
Loại cây này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như vung vang, bụp vang, bông vàng, hoàng quỳ. Chúng thường phổ biến dọc theo các bờ rào và mọc hoang ở ven triền đồi, bụi rậm. Chúng mọc nhiều nhất ở các tỉnh Tây Bắc của nước ta.
Cây vông vang thuộc nhóm cây thân thảo, bụi nhỏ có tuổi thọ lâu năm, thường chỉ cao khoảng 1 mét hoặc thấp hơn. Thân cây có màu nâu đỏ ở phần giữa đến gốc cây, trong khi nửa phần còn lại của thân có thể màu xanh hoặc nâu đỏ. Bề ngoài của thân có những sợi lông nhỏ, mảnh.
Lá cây được chia thành ba thùy và có những răng cưa. Cuống lá dài, phát triển từ thân chính và các nhánh. Khi cây bắt đầu đua nhau nở hoa, những bông hoa màu vàng nổi bật với kích thước lớn, có thể đạt đến 6cm đôi khi, tạo nên một cảnh quan đẹp mắt. Quả của cây có hình bầu dục, đỉnh quả nhọn hơn, và bên trong chứa nhiều hạt màu đen giống như hạt đậu.
"Chắc chắn nghe tên lá vông vang, nhiều người thấy lạ và tò mò. Nhưng với những ai đã từng được thưởng thức canh chua lá vông vang, lá vông vang kho cá... thì đều mê mẩn cái hương vị của loại lá dại này", chị Minh Châu (29 tuổi, Lào Cai) cho biết.
Cũng theo người phụ nữ, lá vông vang trước đây rất nhiều, mọc bờ bụi, leo hàng rào. Thân và lá có gai nhỏ, nếu không cẩn thận sẽ bị đâm vào tay. Hiện chỉ còn một số nơi có lá vông vang do cây đã bị chặt bỏ, thay thế bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.
"Giờ đây loại lá này trở thành đặc sản nhưng muốn mua không có dễ. Một số người dân ở thành phố từng nhờ tôi mua giúp lá về ăn. Tôi cũng nói thẳng phải đợi bởi không phải có ngay gửi xuống đó. Họ đồng ý tôi mới dám đi thu gom, giá cũng chẳng đắt đỏ gì, 50.000 đồng/kg", chị Châu nói.
Bề mặt trên của lá vông vang có hàng lông tơ màu trắng bạc, sờ vào thấy nham nhám. Do đó trước khi nấu, người ta phải vò sơ để lớp lông trên mặt lá mềm nhão và rụng bớt, khi ăn sẽ không bị rát lưỡi. Vị lá vông vang khi nhai thật chậm sẽ thấy thoảng nhẹ mùi chua của giấm gạo nên chúng có thể dùng để nấu can chua.
Không chỉ là một món ăn ngon, về mặt dược liệu, cả lá, rễ, và hạt của cây vông vang đều được sử dụng với các tác dụng khác nhau. Lá vông vang có thể thu hái quanh năm, sử dụng tươi hoặc phơi khô. Vị của lá nhạt, có độ nhớt, và mang tính mát. Lá này được biết đến với khả năng nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng, và hoạt thai.