Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Tâm sự của du học sinh Việt: 'Tết âm lịch nơi đất khách là kí ức đáng sợ nhất trong cuộc đời'

Theo Báo Đất Việt Theo dõi Saostar trên google news

Ở nước ngoài, bánh chưng có, cành đào có… nhưng vẫn không thể giống vị Tết nơi quê nhà.

Đó là cảm xúc chung của mỗi người con Việt Nam đang sinh sống và học tập xa quê hương khi nghĩ đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Điều mà bất cứ ai trong chúng ta đều háo hức, mong mỏi chờ đợi nhất ngày Tết chính là được sum vầy bên gia đình, cùng nhau ăn bữa cơm tất niên, cùng nhau đón thời khắc Giao thừa và bước sang năm mới với thật nhiều niềm vui.

Thế nhưng, một điều tưởng chừng như đơn giản đến vậy lại là thứ xa vời với rất nhiều bạn trẻ đang sinh sống, học tập xa Việt Nam. Phải trải qua cảm giác cách xa gia đình hàng vạn cây số, sống ở một nơi cái gì cũng có nhưng không phải là quê hương mình thì mới hiểu, mới thấm được giá trị của sự sum họp, nhất là trong dịp quan trọng như Tết Nguyên đán.

Nước mắt chỉ dám rơi sau khi cúp cuộc gọi về gia đình

Nguyễn Minh Tú (hiện là du học sinh trường Đại học Kangwon, Hàn Quốc) đã trải qua 2 năm đón Tết Nguyên đán ở xứ người với những trải nghiệm khó quên. Nhớ lại lần đầu tiên đón Tết xa quê, Tú vẫn còn ám ảnh như in cảm giác cô đơn và nhớ nhà quay quắt của mình.

'Hàn Quốc tuy là một nước đón Tết âm lịch như Việt Nam nhưng không khí đón Tết ở đây không được nhộn nhịp như mình nghĩ. Ngày nghỉ Tết bên này chỉ có 5 ngày và nó như kỳ nghỉ lễ bình thường vậy. Thế nên, cảm giác lần đầu tiên đón Tết xa nhà vô cùng hụt hẫng, tủi thân', Tú tâm sự.

Nguyễn Minh Tú - du học sinh tại Hàn Quốc

Vào thời điểm đó, Tú chỉ mới sang Hàn được hơn 1 tháng, cậu bạn đã có một quyết định 'táo bạo' là đi làm thêm. Kỷ niệm ấy cho đến bây giờ đã là cậu sinh viên năm 3, nhớ lại vẫn khiến Tú nghẹn ngào: 'Vì là ngày lễ nên khách rất đông, công việc cứ phải chạy chỗ này chạy chỗ khác rất mệt. Lúc đó tiếng Hàn cũng chưa biết nhiều, vài chữ bập bẹ, cứ sợ người ta nói rồi mình không hiểu nên cũng có một chút sợ sệt trong lòng.

Việc làm liên tục trong mấy ngày nên cảm giác cả cơ thể như đứt ra từng khúc, đêm Giao thừa vì quá đau nên không ngủ được suốt đêm, không gọi về được cho gia đình. Lúc đó mình đã nghĩ đây là lần đón Tết âm lịch đáng sợ nhất trong cuộc đời đấy.

Tuy là một kỷ niệm gian khổ nhưng đến giờ khi nhớ lại thì nó lại là một trải nghiệm không thể nào quên được trong đời học sinh - trải nghiệm quý báu về lần đầu tiên tự tay kiếm đồng tiền đầu tiên trong cuộc đời mình'.

Cùng chung cảm xúc của những người con không được đón Tết với gia đình, bạn Vũ Hồng Hạnh (du học sinh tại Nga) chia sẻ: 'Cứ mỗi khi Tết đến là mình lại được hỏi rất nhiều lần câu: 'Có về ăn Tết không?'. Lúc đó cảm giác thực sự rất khó tả.

Mình chỉ có thể tranh thủ những lúc được nghỉ để gọi điện về nhà, hỏi han bố mẹ chuẩn bị đồ Tết ra sao rồi, trong nhà có gì mới không. Giao thừa thì phải xem bắn pháo hoa qua mạng xã hội, chỉ được nhìn bố mẹ, anh chị em quây quần từ nơi xa, mình nghẹn ngào muốn khóc nhưng không dám khóc vì sợ mẹ lo. Có những khi vừa cúp máy, nước mắt đã rơi lã chã'.

Cô nàng Hồng Hạnh đang du học ở Nga

Tết xa nhà 'đầy đủ' đến đâu vẫn 'thiếu'…

Thấy các bạn ở quê nhà chia sẻ những hình ảnh thành quả dọn dẹp nhà cửa hoặc 'khoe' thành tích gói bánh chưng, những bạn trẻ xa quê càng thấy nao lòng. Để vơi đi nỗi nhớ nhà trong Tết đoàn viên này, cộng đồng du học sinh tại nước ngoài càng gắn chặt với nhau hơn bao giờ hết.

Hoàng Hải Huy (du học sinh Úc) chia sẻ: 'Ở những đất nước có nhiều người Việt sinh sống thì không khó để có thể mua được những món ăn truyền thống của Việt Nam tại các chợ Việt. Thế nhưng cái không khí rộn ràng, sự đầm ấm, sum họp hay những sắc hồng của cành đào phai mỗi dịp Tết đến thì không thể nào mua được.

Cơ bản là không khí tụi mình tự tạo ra cho nhau, còn ngoài đường mọi thứ vẫn tĩnh mịch và không có gì khác ngày bình thường. Vui chơi tưng bừng cùng nhau tối Giao thừa là thế nhưng sáng hôm sau lại chuẩn bị bài vở đi học như bình thường nên cảm giác Tết bị thiếu hụt nhiều lắm'.

Hải Huy thừa nhận những lần đón Tết xa nhà khiến anh chàng trân trọng hơn những lúc được bên cạnh gia đình

'Đón Tết xa nhà buồn thật, nhưng ở đây du học sinh chúng mình cũng có những người bạn đồng hương, họ như là gia đình thứ hai vậy. Như những năm trước thì hội du học sinh Việt Nam ở vùng mình học sẽ tập trung lại, nấu bữa Tất niên cùng nhau.

Bọn mình vẫn gói bánh chưng, nấu mấy món Việt truyền thống như nem, chả, phở,… nhưng thú thật là hương vị không bao giờ tuyệt vời như ở nhà. Một phần là vì nguyên liệu bên này khó mua, lại đắt đỏ, hơn nữa là vì thiếu đi không khí rộn ràng, tất bật ngày cuối năm từ trong nhà ra ngoài phố nên mọi thứ không thể trọn vẹn. Ở đây không có nhiều người Việt như ở Nga hay một số nước nên muốn tìm nguyên liệu làm món Việt bọn mình phải tìm kiếm chỗ mua từ trước và đi quãng đường khá xa.

Thực ra cũng chỉ khó khăn ở công cuộc đi mua nguyên liệu thôi, còn bắt tay vào làm thì cũng đơn giản mà. Chúng mình chia nhóm nấu ăn và nhóm dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Có lúc bạn mình còn kiếm đâu được cành cây rồi về dán hoa giấy vào, nhìn xa trông cứ như đào thật. Ăn uống xong mấy đứa lại chơi trò chơi, hát karaoke,…', Minh Thu (du học sinh Hà Lan) trải lòng.

Năm nay Minh Thu tiếp tục đón Tết ở Hà Lan

Cậu bạn Minh Tú ở Hàn Quốc cũng chia sẻ điều tương tự: 'Nếu như ở Việt Nam, cả gia đình đón Tết với những bữa ăn đầy đủ các món trong không khí đầm ấm thì ở bên Hàn Quốc, Tết thường luôn vào đúng dịp những đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ luôn luôn ở độ âm. Giữa cái Tết lạnh căm căm, ở một nơi đất khách quê người, tìm mua được một cái bánh chưng là điều quý giá vô cùng.

Vậy nên, mình và một vài người bạn đã tự tạo không khí Tết bằng cách riêng với một thứ đặc biệt hơn, một thứ cực phổ biến và dễ kiếm được ở đây là gà rán và bia tươi! Hàn Quốc là thiên đường của mọi loại gà rán mà, đêm Giao thừa chỉ có mấy đứa bạn ngồi lại với nhau, một con gà, một cốc bia, hàn huyên tâm sự đủ mọi thứ chuyện trên đời và rồi năm mới cũng đến. Tết du học sinh của chúng mình đã trôi qua như vậy đấy, nhẹ nhàng, tự an ủi vỗ về nhau, chúc nhau năm mới lại học tập tốt hơn, sống vui vẻ hơn'.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Báo Đất Việt

Được quan tâm

Tin mới nhất