Nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Mỹ quyết định quay trở về Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có mối lo ngại thực sự về khả năng Mỹ có thể mất khả năng kiểm soát dịch COVID-19 và rơi vào tình cảnh như Italy.
Mỹ hiện đã trở thành “điểm nóng dịch” đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm trên khắp 50 bang, thủ đô Washington và các vùng lãnh thổ Mỹ. Chính vì vậy, trở về quê hương để tránh dịch là phương án được cho là tối ưu mà nhiều học sinh và sinh viên Việt Nam tại Mỹ lựa chọn, bất chấp những rủi ro và nguy cơ lây nhiễm cao trên đường trở về khi phải quá cảnh tại sân bay các nước đang chịu ảnh hưởng của dịch, hay bị lây nhiễm chéo trên máy bay hoặc tại các khu cách ly.
Trên thực tế, việc các trường đại học Mỹ đóng cửa và cho học sinh học online đã làm đảo lộn cuộc sống của hầu hết các sinh viên quốc tế, đặc biệt những sinh viên ở trong ký túc xá của trường. Đối với một số trường đại học đưa ra quyết định nghỉ học sớm hay buộc sinh viên quốc tế phải ra thuê nhà bên ngoài trong khi thực hiện việc học online, thì việc các sinh viên nhanh chóng về nước sẽ là quyết định hợp lý. Ở trường hợp sinh viên Việt Nam, ngoài yếu tố khi trở về là được gần người thân, các em cũng tin tưởng vào công tác phòng chống dịch và chữa trị của y tế Việt Nam.
Thế nhưng, không ít du học sinh Việt Nam ở Mỹ cũng như ở khắp các nước Pháp, Đức, Australia… vẫn mạnh mẽ tiếp tục sinh sống và học tập tại nước sở tại. Cũng có có nhiều lý do để quyết định ở lại, và một trong những “kim chỉ nam” cho lựa chọn này là một loạt khẩu hiệu mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đưa ra nhằm phát động người dân chung tay ngăn chặn dịch bệnh: “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”, “Tôi đi làm vì các bạn, các bạn hãy ở nhà vì tôi”, “Tránh tiếp xúc để bảo vệ mình”.
Như Đào Phương Liên chia sẻ, nhiều sinh viên đã phải cân nhắc và suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra quyết định. Ban đầu, với những kiến thức chuyên ngành số liệu thống kê được học tại Đại học Texas, Liên hoàn toàn hiểu được diễn biến dịch bệnh phức tạp và khó lường tại Mỹ, vì vậy em cũng lo lắng. Để chuẩn bị sẵn sàng nđối phó với dịch bệnh, Liên một mặt mua đủ các đồ dùng phòng dịch như khẩu trang y tế, nước rửa tay, găng tay, cũng như mua dự trữ đủ đồ ăn khi cần, mặt khác em cũng mua vé máy bay để về nước.
Tuy nhiên, khi chứng kiến một số lượng lớn sinh viên cũng như người Việt ở khắp các nước đổ về Việt Nam dẫn đến “tình trạng quá tải” tại các sân bay trong nước, cùng với sự động viên và phân tích của gia đình, Liên đã quyết định hủy vé máy bay vì không muốn mạo hiểm sức khỏe của mình để đến những nơi công cộng như sân bay đông đúc có nhiều người có nguy cơ mắc bệnh cao, và cũng là để giảm tải gánh nặng về chỗ ở, chi phí cách ly của đất nước. Theo Liên, đó cũng là cách em suy nghĩ để đóng góp cho đất nước trong thời điểm hiện nay.
Nguyễn Anh Đức, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Kenyon, bang Ohio cũng quyết định không về Việt Nam mà ở lại Mỹ tiếp tục học tập. Đức cho rằng, chính những thông tin nhiễu loạn và phản ánh “quá mức” hoặc theo hướng “tiêu cực” khiến cho nhiều phụ huynh ở Việt Nam có con đi du học nước ngoài lo lắng và hối thúc để con về nhà.
Tuy nhiên, Đức chia sẻ rằng bản thân em lo ngại nguy cơ mắc bệnh trên đường về Việt Nam, đồng thời cũng không muốn việc học tập của mình bị ảnh hưởng do trái múi giờ và những bất cập khác nếu về Việt Nam học online. Theo Đức, Đại học Kenyon hiện vẫn đang tạo điều kiện tối đa cho các sinh viên quốc tế ở lại trường, chính quyền bang Ohio cũng đang kiểm soát dịch bệnh khá tốt. Đức nói: “Quyết định tiếp tục ở lại trường của em được cả bố và mẹ ủng hộ bởi trong tình hình hiện nay, việc tốt nhất nên làm chính là ở đâu ở yên đó, điều đó sẽ giúp cả hai chính phủ, Việt Nam và Mỹ”.
Đào Thị Vân Hà, sinh viên năm thứ 2 trường Montgomery College, bang Maryland thì suy nghĩ sâu xa hơn. Hà cho rằng không nên lo lắng thái quá bởi cuộc sống ở Mỹ hay ở Việt Nam trong hoàn cảnh này cũng sẽ đều giống nhau khi cùng phải đối phó với dịch bệnh. Thậm chí, nguy cơ nhiễm bệnh còn cao hơn rất nhiều trong chặng đường di chuyển dài từ Mỹ về Việt Nam, chính vì vậy, Hà không muốn mình lại là người có khả năng mang nguồn bệnh về trong nước, trở thành gánh nặng cho mọi người.
Theo Hà, lúc này cần nhất là sự bình tĩnh, chuẩn bị kỹ các phương án cho những khả năng xảy ra và đặc biệt là phải có ý thức tự giác tuân theo các hướng dẫn phòng chống dịch của cơ quan y tế nước sở, như hạn chế đi ra ngoài, dù đây đang là mùa đẹp nhất ở Mỹ khi hoa Anh đào đang nở rộ trên những tuyến phố và khu vực quay hồ Tidal. Đặc biệt, Hà đã nhanh chóng tìm hiểu gói y tế các sinh viên phải mua khi học tại các trường đại học có chi trả cho việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hay không cũng như các thông tin cần thiết về chính sách và biện pháp y tế mà chính quyền Mỹ đưa ra.
Bên cạnh đó, Hà khẳng định em cũng như các sinh viên ở đây cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều khi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ thông tin từ Hội Sinh viên Việt Nam tại Mỹ. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ những sinh viên ở lại Mỹ thích nghi với những thay đổi do dịch bệnh gây ra cũng như phòng tránh dịch, cập nhật những thông tin quan trọng từ Đại sứ quán Việt Nam, cung cấp đường dây nóng để giải đáp thắc mắc hoặc yêu cầu trợ giúp của bất kỳ sinh viên nào tại Mỹ khi cần.
Đối với Liên, Đức, Hà và rất nhiều sinh viên Việt Nam hiện vẫn đang tiếp tục ở lại Mỹ đối phó với đại dịch, điều quan trọng nhất lúc này là luôn bình tĩnh, tự giác và nâng cao ý thức phòng chống dịch. Đó là bí quyết để các em mạnh mẽ vượt qua dịch COVID-19, dù ở bất cứ đâu.