Thực hiện đề tài của Tiến sĩ Glenn Wyatt, giảng viên ngành Thiết kế đồ họa - trường ĐH FPT TP.HCM, các bạn sinh viên K15 đã cho ra đời những tác phẩm về các nhân vật hiệp sĩ đầy mới mẻ lấy cảm hứng từ những nét văn hóa lâu đời của dân tộc.
Với tác phẩm siêu anh hùng Blue Lotus, bạn Hồ Thị Thanh Thảo cho biết, đây là tác phẩm lấy cảm hứng từ những người hùng với khiên giáp chống lại những dịch bệnh hiểm nguy cho con người. Nhân vật được thiết kế từ sự kết hợp của áo dài, khăn đóng, được “cơ khí hóa” cùng với kỹ thuật vẽ digital bằng phần mềm FireAlpaca.
“Mật danh của siêu anh hùng này là Thanh Liên, một sinh viên y khoa được chọn để mặc bộ giáp chiến đấu để chiến đấu với quái vật bệnh dịch hiểm nghèo. Con quái vật trong bài vẽ có thể hiểu là con muỗi, một biểu tượng của nguồn gốc lan truyền dịch bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết”, Thảo chia sẻ thêm.
Trong khi đó, bạn Nguyễn Đăng Dũng có một ý tưởng khá độc đáo. Dũng lấy cảm hứng từ văn hóa ca tuồng - nét văn hóa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc Việt để thực hiện tác phẩm.
“Mình chọn nhân vật này vì thấy rằng tuồng cổ là một chủ đề được ít người trẻ như bọn mình khai thác. Vậy nên mình muốn làm mới chủ đề từ ý tưởng này”, Dũng nói.
Tôn vinh các nhân vật tuồng cổ là siêu anh hùng, Dũng cho biết, mặc dù thời hiện đại, nhiều nét văn hóa cũ của đất nước bị lãng quên nhưng vẫn có người bỏ cả cuộc đời công sức cống hiến để bảo vệ và làm nên những di sản của văn hóa Việt Nam.
Đến với cảm hứng về sự cân bằng và hài hòa của ẩm thực Việt Nam, bạn Đào Lê Nhật Tân đã thiết kế nên nhân vật “siêu anh hùng” với “bí danh” là Ngũ (ngũ trong “ngũ hành”, “ngũ vị”). Theo Tân chia sẻ, ý tưởng sức mạnh của nhân vật là điều khiển, chuyển hóa và tổng hợp năng lượng ngũ hành có trong thực phẩm, gia vị hoặc thậm chí từ trong tự nhiên thành các dạng năng lượng để tấn công.
“Sau khi nghiên cứu về văn hóa ẩm thực truyền thống của nước ta, mình thấy rất thích quan niệm ngũ hành và quy luật âm dương trong các món ăn Việt Nam. Ngũ vị cũng tương ứng với ngũ hành. Mỗi món ăn mà biểu tượng là bát phở ở giữa trong bài vẽ, chính là đại diện cho sự cân bằng giữa âm dương tức là giữa món nóng và món lạnh, cùng với sự hòa hợp của ngũ vị theo văn hóa Việt Nam”, Tân chia sẻ về ý tưởng tác phẩm.
Trò chuyện với thầy Nguyễn Viết Tân, giảng viên ngành Thiết kế Đồ họa (Digita Art & Design) - ĐH FPT, người trực tiếp lan tỏa các sản phẩm bài vẽ lần này của K15 lên mạng xã hội, chia sẻ.
“Đây là môn thực hành hiệu quả thị giác nên các bạn có thể tự do lựa chọn kỹ thuật và cả phương tiện thể hiện. Cái hay của những bài vẽ là đưa đến cho người xem một hiệu quả thị giác hoàn chỉnh (gây ấn tượng, ưa nhìn) để thuyết phục của người xem. Đây là một hình thức nghệ thuật nên không bị ràng buộc bởi các yếu tố kỹ thuật mà chủ yếu là vận dụng các nguyên lý trong bài tập”.
Theo đuổi ngành Thiết kế Đồ họa tại ĐH FPT, sinh viên sẽ được hướng dẫn người học cách kết hợp khả năng sáng tạo, ý tưởng, yếu tố thẩm mỹ và sử dụng các công cụ thiết kế đồ họa để truyền tải những thông điệp bằng những hình ảnh đẹp, ấn tượng với người xem. Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông - quảng cáo, ngành Thiết kế đồ họa trở thành một ngành học hấp dẫn với các bạn trẻ có cá tính, đam mê thiết kế và thích làm việc trong môi trường năng động.