Đây là thông tin được Bộ trưởng Nhạ đưa ra trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (12/9).
Theo đó, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) nhấn mạnh, dự thảo luật đã đưa vào các quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; sách giáo khoa điện tử, học liệu…
Dự luật cũng bổ sung quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương thức giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông (khoản 2,3 và 4 Điều 29), rà soát, bổ sung quy định vai trò, chương trình giáo dục của trường chuyên (Điều 59).
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và được dự thi nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc Sở GD-ĐT cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (khoản 3 Điều 31). Theo Bộ trưởng Nhạ, quy định này nhằm tạo điều kiện phân luồng và liên thông trong giáo dục.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng sửa đổi khoản 3, khoản 4 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp theo hướng bổ sung đối tượng người học đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Về việc thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, cơ quan thẩm tra luật cho rằng, do thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế. Một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội.
Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc áp dụng đại trà sẽ có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, trong đó làm rõ các nội dung về quy trình, mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian thực hiện thí điểm.