Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Phó thủ tướng lắng nghe phản biện về kỳ thi THPT quốc gia

26 đại biểu đã trình bày những đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia 2018, đề xuất các giải pháp.

Ngày 30/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc trao đổi với 26 chuyên gia để góp ý một số vấn đề giáo dục, trọng tâm là kỳ thi THPT quốc gia. Sau những bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, dư luận bức xúc và hoài nghi về độ chính xác, sự cần thiết của kỳ thi “2 trong 1” này.

“Cuộc họp đáng lý chỉ diễn ra buổi sáng, nhưng Phó thủ tướng nói sẽ lắng nghe tất cả ý kiến nên đã kéo dài đến hết buổi chiều”, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nói và cho biết cuộc họp diễn ra cởi mở.

Xác định rõ mục đích kỳ thi để tránh hiểu nhầm 

Đánh giá kỳ thi THPT quốc gia phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bà An nhận thấy kỳ thi đã đạt được mục tiêu giảm áp lực, tốn kém cho xã hội khi phụ huynh, học sinh không phải vất vả di chuyển về thủ đô ở trọ nhiều ngày để tham gia các cuộc thi. Những vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông trong mùa thi cũng được giải quyết.

Mục tiêu “đánh giá đúng năng lực học sinh làm căn cứ để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng”, đại biểu Quốc hội này cho rằng nếu địa phương làm nghiêm túc thì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay sẽ đảm bảo được. Tuy nhiên, sự gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La khiến việc đánh giá một số học sinh không đúng thực chất.

“Cái sai ở đây nằm ở khâu kỹ thuật còn chủ trương đổi mới thi cử là đúng và cần thiết. Sai về mặt kỹ thuật thì có thể sửa nhưng không thể vì cái sai đó mà chùn bước đổi mới. Kỳ thi THPT quốc gia cần được tiếp tục tổ chức và cải thiện trong những năm tới cho tới khi có phương án tối ưu hơn”, bà An nói.


TS Lương Hoài Nam cho rằng một trong những nguyên nhân chính của sự cố gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, là nhận thức lệch nhau về mục đích của kỳ thi quốc gia. Trong khi Bộ Giáo dục xác định mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT thì phụ huynh, học sinh lại coi đây là thi đại học và học sinh phải cạnh tranh để vào được trường tốt.

Do nhận thức như thế, một số người đã gian lận nâng điểm thi cho hàng trăm thí sinh để có cơ hội vào trường tốt, về bản chất là nhằm tước đoạt cơ hội đại học của các học sinh xứng đáng hơn. “Nếu người dân hiểu mục đích kỳ thi là xét tốt nghiệp thì đâu phải chạy, gian dối sửa điểm, đến mức phải khởi tố hình sự”, ông Nam chia sẻ lại phát biểu trong cuộc họp.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình rằng nên xác định rõ kỳ thi THPT quốc gia là để xét tốt nghiệp THPT. Trong 1-2 năm tới, kỳ thi vẫn tiến hành nhưng phải có giải pháp như: làm phách bài trắc nghiệm, lắp camera trong phòng thi, nơi chấm thi… đảm bảo tính chính xác.

Sau những trao đổi, cuộc họp với Phó thủ tướng đi đến nhận thức chung về bản chất kỳ thi THPT quốc gia và các giải pháp hoàn thiện cho kỳ thi trong thời gian tới, lộ trình cải cách thi, tuyển sinh những năm tiếp theo.

Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục tiến hành trong hai năm 2019, 2020, bản chất là xét tốt nghiệp THPT. Đề thi sẽ được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu này. Đề của năm 2018 vừa qua được đánh giá là quá khó, chưa phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp khi có hơn một nửa số học sinh cả nước sẽ bị trượt nếu chỉ dựa vào điểm thi.

Về công tác chấm thi, các đại biểu đồng thuận “không thể giao cho địa phương”. Bộ Giáo dục có thể chịu trách nhiệm về việc này, hoặc chấm tập trung, theo cụm hoặc Bộ giao cho trường đại học nào đó phối hợp thực hiện.

Bộ đồng thời sẽ có những cải tiến về quy trình, kỹ thuật trong khâu tổ chức, phần mềm… để kết quả thi được chính xác, tránh gian lận.

Từ năm 2021 sẽ thay đổi căn bản việc thi, tuyển sinh đại học

“Về cơ bản cuộc họp thống nhất là từ năm 2021 việc thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ thay đổi căn bản, theo hướng tiệm cận cách làm ở các nền giáo dục tiên tiến. Bộ Giáo dục sẽ sớm công bố phương án và lộ trình cải cách chi tiết”, TS Lương Hoài Nam nói.

Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2018 tại điểm thi THPT Kim Liên (Hà Nội). Ảnh: Giang Huy.

Ông cho biết, các đại biểu đồng thuận rằng sự thay đổi toàn diện việc thi, tuyển sinh không thể làm ngay năm sau vì cần quá trình chuẩn bị để khi thực hiện đạt chất lượng tốt. Tương lai Việt Nam sẽ có những trung tâm khảo thí độc lập theo mô hình SAT, ACT của Mỹ để giúp trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.

Từ nay đến khi có các trung tâm, việc tuyển sinh vẫn là quyền và trách nhiệm của trường đại học, Luật Giáo dục đại học đã quy định như vậy. Các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc có những cuộc sát hạch khác, thi riêng hoặc theo cụm, để tuyển được sinh viên phù hợp.

Về việc trong tương lai có bỏ thi tốt nghiệp THPT và giao cho trường xét, cấp chứng nhận hoàn thành chương giáo dục phổ thông hay không, tỷ trọng giữa điểm thi và kết quả học bạ như thế nào để xét tốt nghiệp, cuộc họp chưa có điều kiện bàn sâu và chưa thống nhất ý kiến.

“Về lâu dài, chúng ta cần xem xét việc có cần thiết tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa không khi tới đây chương trình mới sẽ dạy, học thực hành nhiều. Tuy nhiên, nếu giao các trường xét và cấp bằng tốt nghiệp, ta cũng cần suy xét việc bằng đó có được quốc tế công nhận không”, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Ngày 25-27/6/2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ngày 11/7, Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi điểm trung bình các môn của thí sinh hai tỉnh thuộc diện thấp nhất cả nước. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm khá giỏi.

Bộ Giáo dục sau đó thành lập 3 tổ công tới 3 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi. Kết quả Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng tổng điểm từ 1 lên 29,95. Ông Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng và Phó phòng Khảo thí của Sở Giáo dục bị bắt vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tại Sơn La, tổ công tác phát hiện 5 cán bộ Sở Giáo dục sửa điểm cả bài tự luận và trắc nghiệm. Tuy nhiên, hiện chưa xác định có bao nhiêu bài thi trắc nghiệm được sửa, cách thức sửa thế nào. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án.

Tại Lạng Sơn, tổ công tác của Bộ Giáo dục chưa thấy có dấu hiệu bất thường, dù 8 bài thi Ngữ văn tự luận đã bị hạ điểm;

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố