Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Nửa tháng bê bối điểm thi THPT quốc gia 2018

Từ phản ánh về điểm giỏi cao bất thường ở Hà Giang, Sơn La, Bộ Giáo dục lập tổ công tác xác minh, kết luận hàng trăm thí sinh được nâng điểm.

Ngày 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia. Từ phân tích phổ điểm các tỉnh thành trên báo chí, dư luận dấy lên hoài nghi. Tỷ lệ thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc cao đột biến, trong khi đây là vùng trũng giáo dục.

Xét theo khối A1 (Toán, Vật lý, Ngoại ngữ), Hà Giang có 36 thí sinh được trên 29 điểm, chiếm gần một nửa sĩ tử cả nước đạt mức này (76). Khối A (Toán, Vật lý, Hóa học), cả nước có 82 thí sinh được trên 27 điểm thì Hà Giang chiếm gần 1/3.

Tỉnh miền núi Sơn La có tỷ lệ thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên môn Vật lý cao gấp 12 lần TP HCM. Với 30 em được 9 điểm trở lên môn Toán, tỷ lệ thí sinh đạt mức điểm này của Sơn La là 0,3%, vượt xa những địa phương có thành tích học tập tốt như TP HCM, Hà Nội, Nam Định (lần lượt là 0,04; 0,1 và 0,06).

Nắm rõ thực lực của bạn học cùng lớp, nhiều thí sinh cảm thấy sốc. “Lớp có 35 bạn, ai học thế nào, những người khác đều biết. Học lực của bạn ấy không xứng đáng với mức điểm cao như vậy. Quá trình học, bạn cũng không cố gắng”, một học sinh trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang bức xúc nói với báo chí về điểm số cao đột biến của người bạn cùng lớp.

Một phụ huynh ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) sau buổi chiều mưa lớn không thể lên thành phố gặp phóng viên để phản ánh bất thường trong điểm thi, cả đêm ông không ngủ được và sáng sớm đã có mặt ở trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

“Con tôi rất tức giận khi biết kết quả thi THPT quốc gia của một vài bạn học kém, nhưng lại được trên 27 điểm. Những bạn giỏi nhất cùng lớp chuyên Toán - lớp có điểm đầu vào cao nhất trường THPT chuyên Hà Giang, mới được 24-25 điểm”, người bố nói.

Đồng hành và sát sao với việc học của con từ bé, người bố này khẳng định ai trong lớp học giỏi, học kém ông đều biết. “Chắc chắn có gian lận điểm thi”, người bố gằn giọng nói, khẳng định sẽ góp sức cùng cơ quan chức năng đưa sự thật ra ánh sáng, trả lại công bằng cho thí sinh.

10 ngày 'ăn tranh thủ, ngủ chập chờn' để làm rõ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La

Ngày 14/7, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, đoàn công tác gồm cán bộ Cục Quản lý chất lượng, Thanh tra Bộ Giáo dục và A83 Bộ công an, lên Hà Giang làm rõ bất thường trong điểm thi.

Từ chiều thứ bảy đó đến ngày 17/7, đoàn công tác làm việc xuyên đêm, có hôm tới 4h sáng. Toàn bộ bài thi trắc nghiệm của 5.400 thí sinh Hà Giang được chấm thẩm định.

Buổi trưa, tối, đồ ăn sẵn được chuyển tới trụ sở Sở Giáo dục Hà Giang để đoàn cán bộ ăn chớp nhoáng rồi lại làm việc tiếp trên dãy phòng tầng 2 có cửa cầu thang khóa kín, công an bảo vệ trong - ngoài.

Cục trưởng Mai Văn Trinh báo cáo sai phạm của Hội đồng thi tỉnh Hà Giang. Video: Dương Tâm.

“114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh hơn 1 điểm so với chấm thẩm định. Cá biệt có em tổng điểm các môn được làm tăng lên đến 29,95”, Cục trưởng Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh - Trưởng đoàn công tác của Bộ Giáo dục thông báo kết quả xác minh điểm cao bất thường ở Hà Giang ngày 17/7.

Nhiều thí sinh, phụ huynh ở Hà Giang rơi nước mắt, sốc khi đọc báo cáo sai phạm. Lúc tố giác bất thường điểm thi của một số thí sinh, họ chỉ nghĩ nhiều nhất 10 em được nâng điểm, số điểm tăng thêm tối đa là 9-10.

“Em không tin nổi vào mắt mình khi đọc kết quả báo cáo sai phạm ở Hà Giang. Điểm thi THPT quốc gia là kết quả bao nỗ lực của chúng em. Nó quyết định tương lai học tập, công việc của mỗi người. Vậy mà có bạn không làm được gì lại được nâng điểm lên thành thủ khoa cả nước”, một nam sinh lớp chuyên Anh (THPT chuyên tỉnh Hà Giang) nói.

Tại Sơn La, sau 5 ngày làm việc đến 2-4h sáng hôm sau, tổ công tác của Bộ Giáo dục phát hiện bất thường trong kết quả môn Ngữ văn của một số thí sinh, phiếu trả lời trắc nghiệm có dấu vết chỉnh sửa. Hội đồng chấm thẩm định quyết định chấm lại 110 bài Ngữ văn có nghi vấn. Kết quả, 42 bài điểm thấp hơn lần chấm đầu, 12 bài trong đó điểm thấp hơn 1-4,5.

Với môn trắc nghiệm, tổ công tác chưa thể chấm thẩm định do phiếu trả lời trắc nghiệm gốc đã bị sửa trước quét gửi về Bộ Giáo dục.

Cục trưởng Mai Văn Trinh chia sẻ lý do chưa thể chấm thẩm định bài trắc nghiệm ở Sơn La. Video: Dương Tâm.

5 đêm không ngủ, 2 đêm chập chờn trong những ngày làm rõ bất thường điểm thi ở tỉnh miền núi này, Cục trưởng Mai Văn Trinh nghẹn lời khi nói về gian lận thi cử.

Thủ đoạn gian lận điểm thi tinh vi và có tổ chức

Ở Hà Giang, người trực tiếp sửa bài thi, điểm số của 114 thí sinh là Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở Giáo dục Hà Giang) Vũ Trọng Lương.

Ông Vũ Trọng Lương, 40 tuổi.

Theo ông Nguyễn Cao Khương, Phó phòng 4, A83 Bộ Công An, thành viên tổ công tác, ông Lương nhận được nhiều tin nhắn đề nghị nâng điểm, có lưu số báo danh của thí sinh. Nhiều năm được giao quản lý và chủ động sử dụng máy tính quét phiếu trả lời trắc nghiệm thi THPT quốc gia cho công việc cơ quan, cá nhân, ông Lương đã tải đáp án đề thi Bộ Giáo dục công bố, xử lý sang file excel, lưu vào máy. Ông này sau đó copy file đáp án của Bộ và dán đè lên file bài làm của thí sinh.

Sau khi điều chỉnh kết quả bài làm trên máy tính, Vũ Trọng Lương tiếp tục sửa đáp án trong phiếu trả lời trắc nghiệm gốc của thí sinh. “Trong hơn 2 tiếng, từ 12h đến 14h38 ngày 7/7, ông Lương mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở các túi, tẩy xóa và sửa theo đáp án chuẩn bị trước. Khi thực hiện lại các hành vi gian lận, ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa kết quả cho một bài thi”, đại diện A83 thông tin.

Đại diện Bộ Công an - Nguyễn Cao Khương nói về thủ đoạn gian lận điểm thi ở Hà Giang. Video: Dương Tâm.

Ngày 20/7, Vũ Trọng Lương bị bắt, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015. Ba ngày sau, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Nguyễn Thanh Hoài - người đưa chìa khóa nơi giữ bài thi cho ông Lương, cũng bị bắt điều tra với tội như trên.

Việc sửa chữa bài thi, điểm thi của thí sinh Hà Giang được thực hiện sau khi quét phiếu trả lời trắc nghiệm gốc nên căn cứ vào dữ liệu lưu trong đĩa CD1, tổ công tác của Bộ Giáo dục dễ dàng trả lại điểm thực cho thí sinh.

Hành vi gian lận ở Sơn La lại được thực hiện tinh vi hơn là sửa ngay trên phiếu trả lời gốc trước khi quét dữ liệu gửi về Bộ Giáo dục. Vì vậy dù phát hiện dấu vết chỉnh sửa, tổ công tác của Bộ chưa thể chấm thẩm định các môn trắc nghiệm.

“Tính chất sai phạm ở Sơn La khác Hà Giang… Nếu xác định đúng, nó có thể rất nghiêm trọng”, Cục trưởng Mai Văn Trinh nói. Những dấu hiệu vi phạm ở Sơn La vượt quá khả năng, nhiệm vụ của tổ công tác, do đó Bộ Công an, Công an tỉnh đã chủ trì việc tiếp tục điều tra.

Bước đầu, công an xác định 5 người tham gia sửa điểm thi ở Sơn La, gồm một Phó Giám đốc Sở Giáo dục, 3 phó phòng, chuyên viên của Sở và một Hiệu phó trường THPT.

Cục trưởng Mai Văn Trinh công bố 6 sai phạm của Hội đồng thi tỉnh Hà Giang. Video: Dương Tâm.

Đến chiều 26/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụtheo điều 356 Bộ Luật hình sự 2015. Nhà chức trách đang hoàn tất thủ tục khởi tố bị can đối với những người liên quan.

Cả hai vụ việc ở Hà Giang và Sơn La, đại diện Bộ Giáo dục, lãnh đạo địa phương đều hứa hẹn tiếp tục làm rõ và xử lý tập thể, cá nhân sai phạm theo quan điểm “không bao che, không có vùng cấm”.

Những kẻ hở dẫn đến sai phạm 

Lỗ hổng lớn nhất tạo cơ hội cho gian lận, theo nhiều nhà giáo dục, là việc giao địa phương chủ trì toàn bộ khâu tổ chức, chấm thi. Hai năm đầu tiên thi THPT quốc gia (2015, 2016), Sở Giáo dục chỉ phụ trách hội đồng thi của thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh thi để xét tuyển vào đại học sẽ được đưa vào các hội đồng do đại học chủ trì tổ chức, chấm thi.

Năm 2017, Bộ Giáo dục quyết định mỗi địa phương chỉ còn một cụm thi do Sở Giáo dục chủ trì, trường đại học chỉ phối hợp tổ chức. Đại diện các trường đại học, chuyên gia giáo dục khi đó đã lo ngại gian lận có thể xảy ra. Sự việc ở Hà Giang, Sơn La là minh chứng cho nghi ngờ ấy là có cơ sở.

Thực tế khi giao địa phương chủ trì tổ chức, dù là kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT như trước đây, gian lận vẫn xảy ra, một phần do tính cục bộ, bệnh thành tích đã ăn sâu, cố hữu. Sự kiện “Đồi Ngô” - giám thị ném phao cho thí sinh chép bài 5 môn thi tốt nghiệp tại điểm trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012 là ví dụ. Trước đó, nhiều nghi vấn gian lận thi cử được đặt ra khi một số địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng đột biến từ dưới 20% lên 98%, cao hơn cả Hà Nội, TP HCM.

Một kẽ hở khác đến từ chính Quy chế thi. Khoản 2, điều 9 của quy chế quy định: “Thí sinh tự do được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số Điểm thi do Giám đốc Sở Giáo dục quyết định”. Thực tế, địa điểm thi của thí sinh tự do các tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, đã được học sinh dự thi phản ánh có tình trạng giám thị coi lỏng, nhắc bài cho thí sinh.

Việc 35 thí sinh tự do là cảnh sát cơ động ở Lạng Sơn có điểm cao bất thường (tổng điểm ba môn tổ hợp C03 Ngữ văn, Toán, Lịch sử và điểm ưu tiên không dưới 24), được tổ công tác của Bộ Giáo dục kết luận là “chưa phát hiện sai phạm”. Tuy vậy, dư luận vẫn hoài nghi gian lận xảy ra ở khâu coi thi chứ không phải chấm nên tổ công tác khó xác minh.

Đoàn công tác của Bộ Giáo dục công bố kết luận rà soát điểm thi bất thường tại Lạng Sơn. Video: Huy Mạnh.

Quy định thời gian địa phương phải gửi về Bộ Giáo dục đĩa CD1 chứa file quét phiếu trả lời gốc của thí sinh “chậm nhất ngày 4/7” (Hướng dẫn thực hiện quy chế thi THPT quốc gia 2018), tức 7 ngày sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, theo một số chuyên gia là quá dài, tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng để sai phạm. Yếu tố kỹ thuật là chuyển dữ liệu trắc nghiệm sang file text chứ không phải dạng ảnh cũng là kẽ hở của kỳ thi.

“Quy trình giám sát của công an và thanh tra Bộ, Sở chưa chặt chẽ nên để ông Lương xử lý tất cả mà thành viên ban giám sát đều ngồi đó. Những người giám sát chấm thi về cơ bản không nắm được đầy đủ quy trình, thao tác khiến ông Lương qua mặt”, đại diện Bộ Công an Nguyễn Cao Khương chỉ ra lỗ hổng trong khâu giám sát, thanh tra chấm thi.

Việc công bố đáp án trước khi chấm thi cũng được cho là “lỗi sơ đẳng khiến kẻ gian lợi dụng”. “Nếu đáp án không được công bố, ông Lương có thể phải nhờ một vài đối tác. Với 24 mã đề thi và 8 môn thi trắc nghiệm, việc tìm hết đáp án không đơn giản. Một số môn khó như Toán, việc tìm ra đáp án nhanh cũng là vấn đề”, thầy giáo Trần Phương phân tích.

Trong các kỳ thi chuẩn hóa của thế giới, đề thi và đáp án là bí mật. Ví dụ, đề thi SAT ở Mỹ, với mục đích chính là sát hạch ứng viên vào đại học, cao đẳng sẽ không được công bố sau kỳ thi ít nhất 2 tháng.

Giải pháp hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia
Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến kéo dài đến ít nhất năm 2020 để ổn định việc thi cử cho học sinh. Khi chưa thể thay đổi hoàn toàn kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích, vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, các nhà giáo dục đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế gian lận.

“Phải trả về cho các đại học chủ trì hoặc thành lập trung tâm khảo thí để tổ chức, giám sát và chấm thi”, lãnh đạo một trường đại học lớn tại Hà Nội nói. Sau sự việc ở Hà Giang và Sơn La, nhà quản lý này mất hoàn toàn niềm tin vào công tác tổ chức thi ở địa phương.

Từ thực tế sai phạm diễn ra ở khâu chấm thi trắc nghiệm, nguyên Thứ trưởng Giáo dục Bùi Văn Ga đề xuất dùng máy scan chụp lại bài thi trắc nghiệm của thí sinh ngay khi giám thị nộp bài tại điểm thi.

“Quy chế thi sẽ bổ sung quy định bảo mật file dữ liệu gốc sau khi quét tại các điểm thi. Khi đã lưu bản gốc này rồi thì việc phát hiện tiêu cực trong quá trình chấm thi sẽ rất dễ dàng. Hơn nữa, khi đã lưu bản gốc bài làm thí sinh tại chỗ như vậy, những ai có ý định tiêu cực sửa bài làm, nâng điểm thí sinh sẽ không dám và không thể thực hiện được”, ông Ga phân tích.

Song song với các đề xuất trên, việc củng cố, tập huấn kỹ lưỡng công tác thanh tra, giám sát chấm thi, lắp camera ở khu vực chấm thi, cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia nêu ra để hạn chế gian lận.

Bộ Giáo dục quyết trả lại công bằng cho thí sinh

Trong 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La là bê bối thi cử đầu tiên và lớn nhất. Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ ngày 21/7 đã gửi công văn yêu cầu 63 tỉnh thành “nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi”.

Quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, địa phương cần nhanh chóng báo cáo về Bộ Giáo dục; căn cứ tình hình cụ thể, có thể đề nghị công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Chỉ thị của Bộ trưởng Nhạ khiến nhiều người thất vọng bởi nghi ngờ tính trung thực trong báo cáo của địa phương.

Ngày 24/7, lần đầu tiên chính thức lên tiếng trước công luận sau gian lận thi cử, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định “trả lại công bằng cho học sinh, niềm tin cho xã hội” là việc Bộ Giáo dục phải làm và thực tế đã làm trong những ngày qua.

“Qua từng năm, quy chế cũng như quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện, nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là khi sai phạm mang tính có chủ đích”, Bộ trưởng Giáo dục lý giải nguyên nhân gian lận thi cử.

Khẳng định việc tổ chức thi ở địa phương là chủ trương đúng, tạo thuận lợi cho thí sinh, giảm tốn kém cho xã hội, ông Nhạ cho hay, sẽ rà soát kỹ lưỡng toàn bộ quy trình tổ chức thi, nhất là khâu chấm thi, khắc phục những bất cập để hạn chế tới mức thấp nhất hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong các kỳ thi tiếp theo.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual