Tìm hiểu về du học rất muộn, thời gian chuẩn bị gấp gáp, kinh tế eo hẹp kèm theo đó là áp lực phải chu toàn các cuộc thi trong nước, Trần Thanh Trúc (hiện là sinh viên khoa Dược - Đại học Y Dược TP.HCM) đã phải nỗ lực gấp nhiều lần để chinh phục trường đại học em mơ ước ở xứ sở chuột túi. Cuối tháng 12/2018, Trúc nhận tin vui báo đỗ từ 12 đại học Úc kèm học bổng giá trị.
Khắc phục điểm yếu, vượt qua mặc cảm
Tự nhận mình là người học kém ngoại ngữ, điểm các bài thi chuẩn hóa chưa bao giờ là niềm tự hào của Thanh Trúc mà ngược lại, là nỗi mặc cảm so với bạn bè xung quanh.
“Em từng có khoảng thời gian thất vọng vì bạn bè mình ai cũng được điểm IELTS, TOEFL, SAT cao, còn em chỉ đạt tầm mức trung bình, mức mà ai cũng đạt được dù em cũng đầu tư rất nhiều thời gian và công sức…”, Trúc kể.
Trúc tâm sự, em cũng từng tự ti khi xung quanh bạn bè ai cũng tham gia hoạt động ngoại khóa của các tổ chức lớn có uy tín, gắn bó dài lâu hoặc là người sáng lập một tổ chức nào đó còn bản thân chỉ tham gia vụn vặt các tổ chức nhỏ; điều này gây áp lực không nhỏ đến Thanh Trúc khi nghĩ về ước mơ du học trước mắt.
Biết được những điểm bất lợi đó, Thanh Trúc luôn cố gắng nỗ lực học tập với hi vọng bù lại những điểm yếu đó. Em duy trì mức điểm trung bình trên lớp suốt 3 năm liền là 9.2 điểm.
Bên cạnh đó, theo Trúc, bài luận là một khía cạnh thể hiện đam mê bản thân mà có thể ban tuyển sinh sẽ xem xét rất kỹ, vì thế không nên bỏ qua.
“Em từng đọc rất nhiều bài luận ấn tượng của du học sinh Mỹ, Canada hay các anh chị xuất sắc đạt học bổng toàn phần nhưng sau cùng, em nghĩ điều nhà trường muốn là biết về đam mê của em chứ không phải họ.
Em không thể có sự tinh tế quan sát để liên tưởng về ước mơ như họ, cũng không có hoàn cảnh gia đình là người di cư hay từng thất bại kinh doanh như họ để từ đó có động lực vươn lên, em chỉ đơn giản là em và em muốn họ nhận ra sự đam mê thực sự của em chứ không phải là của ai khác”, Trúc chia sẻ.
Nữ sinh 10X cho hay, bài luận khi nộp đơn du học Úc thông thường không đóng vai trò quan trọng như khi đi Mỹ hay Canada. Minh chứng là khi xin ý kiến từ các anh chị đi Úc trước đó, điều Thanh Trúc nhận được là sự ngỡ ngàng.
Hầu như các anh chị du học Úc không viết bài luận và mọi người ai cũng ngạc nhiên khi Trúc lại chọn bài luận để gỡ gạc lại điểm thi tiếng Anh hoặc các hoạt động ngoại khóa.
Thanh Trúc tâm sự: “Nhiều đêm em phải thức đến 2-3h sáng chỉ để viết nháp 1 bài luận dài 600 chữ để rồi tối mai lại xóa vì thấy ý tưởng không hay”.
Chọn lựa giữa đam mê bản thân và mong muốn của gia đình
“Điều khiến em cảm thấy áp lực nhất của năm 12 đó là việc làm sao cân bằng được yêu cầu gia đình đặt ra và sự “đua đòi” của bản thân.
Gia đình em kinh tế không khá, vì vậy nếu em muốn đi du học để mở mang kiến thức, bắt buộc em phải có học bổng 50% của Úc - điều mà em nghĩ là khó hơn so với các nước khác.
Dù vậy, em không thể đầu tư 100% thời gian và công sức của mình để nộp đơn được vì xác suất thất bại là rất cao. Ba mẹ em cũng sẽ rất thất vọng nếu em trượt Đại học”, Trúc cho biết.
Trúc đã phải cân nhắc rất nhiều và hầu như ai nhìn em cũng ngao ngán vì cả đôi việc đều không được đầu tư hoàn toàn. Thêm vào đó là áp lực khi cầm bảng điểm đến gặp các trung tâm tư vấn du học, hầu hết trung tâm nào cũng không dám đảm bảo cho em bất kỳ điều gì.
Họ nói sự cạnh tranh du học Úc rất cao và các điểm chuẩn hóa của Trúc chỉ xứng đáng được 25% học bổng các trường em mong muốn. Vì vậy em không thể lơ là kỳ thi Đại học.
Ngày Thanh Trúc nhận kết quả đỗ Đại học Y Dược TP.HCM, em rất vui, phần vì cảm thấy mình quá đỗi may mắn, phần vì thấy bố mẹ mừng vui hạnh phúc.
Trúc cho biết, bên cạnh Y Dược, em còn đỗ vào các đại học hàng đầu trong nước như: Đại học Ngoại thương TP.HCM, Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM, Đại học Kinh tế, Đại học Khoa học xã hội & nhân văn,… Tháng 9/2018, em nhập học ĐH Y Dược TP.HCM và theo học tới nay.
Và niềm vui lớn hơn tiếp tục đến, cuối năm 2018, Thanh Trúc đã giành được suất học bổng 50% của trường đại học University of South Australia, mức học bổng tối đa mà trường cấp cho sinh viên quốc tế, trị giá 46.500 AUD (tương đương khoảng 770 triệu đồng). Ngôi trường trẻ tuổi nằm trong top 8 của Úc ngành Kinh doanh sẽ theo học, theo Times Higher Education 2019.
Ngoài ra, cô gái Việt được 11 trường đại học Úc khác cấp học bổng từ 20-50% học phí, giao động từ 10.000 - 60.096 AUD cho cả 3 năm. Trong đó, Thanh Trúc xuất sắc giành nhiều học bổng tối đa mà trường có thể cấp, cụ thể: University of Queensland - 60.096 AUD, , University of Tasmania - 44.963 AUD, University of Wollongong - 44.424 AUD, Griffith University - 40.500 AUD; cùng nhiều suất học bổng khác như: Queensland University of Technology - 31.300 AUD, University of Melbourne - 25.748 AUD, James Cook University - 23.800 AUD, Deakin University - 19.560 AUD, University of Technology Sydney - 10.000 AUD và Western Sydney University - 5000 AUD…
Không giấu nổi niềm vui mừng, Thanh Trúc nói: “Em nghĩ việc du học sẽ giúp em trưởng thành hơn, sống độc lập hơn và bước hẳn ra ngoài vùng an toàn của bản thân. Thanh Trúc nhập học ngành Kinh doanh tại University of South Australia vào tháng 2/2019 này”.
“Cuộc đời vốn ý nghĩa là do sự trải nghiệm. Với quyết định này, em tin rằng em sẽ có rất nhiều trải nghiệm mới kèm theo đó là một bài kiểm tra với chính trách nhiệm của em. Em nghĩ mỗi lần thất bại em sẽ nhủ rằng “do mày ngày xưa chọn vậy mà!, từ đó tự ép bản thân đứng lên và đi tiếp”, nữ sinh viên hào hứng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chinh phục học bổng của đại học Úc, Thanh Trúc cho rằng, dù cho điểm bài chuẩn hóa có tệ hay điểm số GPA không bằng ai và mặc cho các trung tâm có nói vào nói ra, bạn vẫn nên mạnh dạn nộp đơn vào ngôi trường mình mong muốn.
“Đó là ước mơ của bạn, là cơ hội của bạn chứ không phải họ. Nếu bạn cố gắng hết mình mà vẫn không thành công, ít ra bạn sẽ có nhiều bài học và kinh nghiệm cho bản thân còn hơn là bạn vì lý do khách quan mà không dám thử, lúc đó sẽ chẳng có gì ngoài hối hận cả!”, Trúc nhấn mạnh.