Theo phóng sự “Thủ đoạn lừa tiền của trung tâm gia sư giả” của Trung tâm tin tức VTV24, một trung tâm gia sư trên phố Cầu Giấy chẳng cần quan tâm đến kỹ năng, trình độ hay kinh nghiệm của sinh viên. Nhung bất kì ai đến đây tìm việc đều phải nộp từ 200.000 đến 500.000 đồng với lời hứa sẽ trả lại một nửa số tiền đặt cọc nếu không tìm được lớp phù hợp.
“Nếu sau 1, 2 buổi dạy thử, gia đình không nhận với bất cứ lý do gì thì trung tâm sẽ cắt nửa phí và chuyển nửa phí còn lại cho em.”, lời hứa hẹn của trung tâm gia sư.
Bất cứ sinh viên trường nào khi đến đây cũng được dạy những kỹ năng nói dối để hóa thân thành các sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, thậm chí còn được trang bị cả thẻ sinh viên giả. “Tôi K64, Đại học Sư phạm, lớp A, thầy Minh hiệu trưởng, địa chỉ của trường là 136, Xuân Thủy, em học khoa Giáo dục tiểu học, được chưa?”, đây lời hướng dẫn nói dối của trung tâm cho sinh viên.
Khi được thắc mắc “Thường thì thẻ sinh viên làm giả, nó sẽ không có dấu?”, thì các bạn sinh viên nhận được câu trả lời rằng “Y như thẻ chính luôn e ạ”.
Cùng với những tấm thẻ sinh viên giả, Công ty Tư vấn gia sư Hà Nội tạo niềm tin cho các bạn sinh viên rằng sẽ có một công việc phù hợp với mức thu nhập cao. Thế nhưng thực chất địa chỉ lớp dạy được ghi trên hợp đồng là những địa địa chỉ ma, số điện thoại phụ huynh cũng là số điện thoại ảo. Sau nhiều lần liên lạc không được, sinh viên sẽ tự chán mà bỏ số tiền đặt cọc.
“Số điện thoại giả và địa chỉ em còn không có để mà đi dạy”, sinh viên Vũ Hương Giang, đại học Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ.
Dù công ty đã bị thu hồi giấy phép từ cuối năm 2017 do hàng loạt sai phạm. Thế nhưng, giám đốc công ty này vẫn ngang nhiên hoạt động, vẽ ra những hợp đồng ma để lừa đảo các bạn sinh viên. Thậm chí, giám đốc công ty vẫn tự tin khẳng định tất cả đều là người thật, việc thật. “Tụi em làm người thật, việc thật, địa chỉ chính xác cho phụ huynh, chứ không phải là lừa đảo. Vẫn đăng ký kinh doanh đầy đủ, bên các anh phường đã xác nhận rồi”, ông Vũ Nguyên Trường, Giám đốc Trung tâm Gia sư Hà Nội giải trình với cơ quan công an.
Với lí lẽ này nên bất cứ bạn sinh viên nào muốn lấy lại tiền đều bị trung tâm này gây khó dễ, thậm chí hành hung là biện pháp mà giám đốc trung tâm thường xuyên sử dụng.
Đã từng bị khóa trái cửa nhốt trong trung tâm, bị đe dọa cho xã hội đen đến tận nhà, một nữ sinh viên vẫn chưa hết cảm giác lo sợ khi đến đây đòi lại tiền. Cô kể: “Chưa bao giờ em có cảm giác bị xúc phạm và đe dọa đến mức độ như thế. Cảm giác em sợ nhất lúc đấy là lời đe dọa của chị vợ và anh chồng rằng là: Đã biết địa chỉ và nơi em học tập thì sau này anh chị ấy có thể nhờ người đánh hay là gì đó với bọn em”.
Trước tình trạng các trung tâm lừa đảo ngang nhiên lộng hành, lãnh đạo công an phường Quan Hoa cũng đề nghị các bạn sinh viên phải hết sức cảnh giác. “Việc có nhu cầu cần gia sư là có thật, tuy nhiên, đối với các bạn sinh viên khi đến với các trung tâm gia sư thì cũng phải lên trên mạng và xem đánh giá là trung tâm này tốt hay không. Thứ hai là trong hợp đồng cũng cần ghi rõ là như thế nào nếu chúng ta được việc, như thế nào nếu không được việc, để tránh việc hợp đồng không rõ ràng sẽ dẫn đến bị mất tiền thiệt”.
Tại quận Cầu Giấy hiện có hàng chục các trung tâm gia sư khác nhau. Theo quy định ngoài việc phải đăng ký kinh doanh, những trung tâm này bắt buộc phải có kế hoạch, địa điểm giảng dạy cụ thể cùng với giấy tờ xác nhận trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của giảng viên. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn các trung tâm đều hoạt động chui với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau để giăng bẫy các bạn sinh viên muốn tìm cơ hội việc làm.
Theo clip: VTV24