Băn khoăn về hình thức dạy học trực tuyến
Để ứng phó với dịch bệnh do Covid -19, học sinh, sinh viên các bậc học trên cả nước được nghỉ học tập trung, thay vào đó là hình thức học tập trực tuyến. Đây được xem là phương pháp hiệu quả nhất thời điểm này nhằm giúp học sinh ôn tập và học bài mới đảm bảo đúng tiến độ của khung chương trình năm học không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, qua một thời gian dạy học online, hình thức này vẫn tồn tại những bất cập nhất định khiến các giáo viên không khỏi băn khoăn, trăn trở.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hồng Minh, giáo viên phụ trách môn Hóa học, trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: "Việc dạy học online trong thời điểm này là vô cùng an toàn, tuy nhiên, hình thức này còn rất nhiều vấn đề chưa thể giải quyết triệt để. Trong đó, một số các học sinh ở miền quê, gia đình còn khó khăn nên không đủ điều kiện để các em học online. Bên cạnh đó, giáo viên khó kiểm soát và tương tác hiệu quả với học sinh khi chỉ qua 1 màn hình máy tính".
Tương tự, cô Tạ Thị Hà Vy, giáo viên phụ trách môn Lịch sử tại Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cũng có nhiều băn khoăn khi tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp. Theo cô Hà Vy, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến công tác dạy và học, kiểm tra thi cử và đánh giá năng lực của các trường. Các công việc, các kế hoạch đều bị chậm trễ và buộc ngành giáo dục, nhà trường, giáo viên và cả học sinh phải chủ động có những kế hoạch, biện pháp giải quyết nhằm đảm bảo tốt kết quả giáo dục, vừa phòng chống có hiệu quả dịch bệnh.
Dưới góc độ của mình, cô Hà Vy nhận thấy phương pháp dạy học trực tuyến chỉ mang tính hiệu quả thời điểm, về lâu dài hình thức này không thiết thực.
"Mấu chốt của vấn đề là bản thân học sinh phải tự ý thức được việc học của mình, bởi lẽ tự học chính là quan trọng nhất, là phương pháp học tập có hiệu quả nhất. Mỗi lần nhà trường và giáo viên tổ chức dạy và học online, chắc chắn sẽ chỉ có một bộ phận học sinh nghiêm túc thức hiện, còn lại sẽ học theo kiểu đối phó, nghe bài giảng cho có lệ hoặc vô điểm danh…
Ngoài ra công tác tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả trên hình thức online sẽ rất khó khăn, bất cập và không thể nào phản ánh đầy đủ thực lực của học sinh", cô Hà Vy chia sẻ.
Cũng theo cô Hà Vy, để khắc phục tình trạng bất cập nói trên, tạo sự mới mẻ và hứng thú cho học sinh với hình thức học tập trực tuyến, người giáo viên phải không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để có những tiết học online thật sự hiệu quả, hấp dẫn. Bên cạnh đó, bản thân các em học sinh phải tự chủ động, tự giác học tập để tiếp thu kiến thức, không cảm thấy nhàm chán trong thời gian ở nhà, góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch.
Ảnh hưởng thu nhập vì Covid- 19
Cô Nguyễn Thị Hồng Minh ( THCS Huỳnh Thúc Kháng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi)cho hay, dịch Covid- 19 bùng phát khiến đời sống kinh tế của ai cũng khó khăn và eo hẹp hơn, các giáo viên cũng không ngoại lệ. Rất nhiều giáo viên phải bán đồ ăn online, bán thực phẩm rau sạch,… để kiếm thêm trong mùa dịch này, bản thân cô Hồng Minh cũng vậy.
"Không đến trường giảng dạy, tôi bán thêm những mặt hàng online tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Tôi may mắn hơn những người lao động tự do ngoài kia là được hưởng lương Nhà nước hàng tháng nên phần nào đỡ khó khăn. Để ủng hộ quỹ vaccine ngừa Covid- 19, mỗi giáo viên ở trường Huỳnh Thúc Kháng đã chung tay góp 1 ngày lương, với lòng tin Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch.
Là một người giáo viên và hơn hết là 1 công dân, tôi mong sao dịch bệnh được đẩy lùi nhanh chóng để đất nước sớm yên bình, cuộc sống người dân không còn những lo toan bộn bề", cô Hồng Minh chia sẻ.
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên phụ trách môn Hóa tại một trường THPT ở Nghệ An, thu nhập của giáo viên biên chế sẽ không bị ảnh hưởng, vẫn được nhận lương hằng tháng. Tuy nhiên, đối với đội ngũ giáo viên dạy hợp đồng, nếu không được hỗ trợ thì nguồn thu nhập sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Là một giáo viên dạy hợp đồng, cô Hà Vy (Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh Quảng Ngãi) có khá nhiều trăn trở khi tình hình dịch Covid- 19 đang tiếp tục kéo dài.
"Tiết nào không đứng lớp thì tôi sẽ không có thu nhập tiết đó. Bản thân tôi là một giáo viên trẻ mới ra trường, thu nhập tích luỹ không nhiều, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, thời gian ở nhà lâu thì cuộc sống kinh tế sẽ gặp khá nhiều khó khăn", cô Hà Vy nói.
Cũng theo cô Hà Vy, trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh hiện nay, tâm lý hoang mang, lo lắng là đều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mỗi giáo viên cần phải giữ vững tâm lý để phối hợp tốt với nhà trường, phụ huynh và các em học sinh để đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và việc học tập của các em học sinh.
"Tôi tin rằng những đều tốt đẹp nhất sẽ xảy đến với tất cả chúng ta, mỗi người hãy nâng cao ý thức phòng dịch, cùng chung tay góp sức với nước nhà thì nhất định dịch bệnh nguy hiểm này sẽ sớm được đẩy lùi", cô Hà Vy nói.