Bước vào năm học mới, nỗi lo của các bạn sinh viên không chỉ là chuyện học hành, nhà trọ, bạn bè… mà gánh nặng lớn nhất có lẽ là 2 chữ học phí. Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, một số trường đại học công lập bắt đầu chính sách tự chủ tài chính khiến mức học phí tăng cao khá nhiều.
Nếu trước kia người ta chỉ quen nghe thấy các trường như RMIT, FPT hay UEF (Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM)… có mức học phí cao vượt trội thì giờ đây, những trường có học phí “khủng” đang ngày càng gia tăng.
Trong khối ĐH công lập, Bách Khoa được nhiều bạn xếp đầu bảng về mức học phí đắt đỏ. Học phí đào tạo đại học đại trà nằm trong khoảng 15-20 triệu đồng/năm. Cá biệt, học phí của các Chương trình đào tạo quốc tế do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cấp bằng trong khoảng 40-50 triệu đồng/năm học 2018-2019 tùy theo chương trình.
Một số trường như Viện đại học Mở TP HCM hay Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng khiên sinh viên choáng váng khi mức học phí ở khoảng 430-560.000 đồng/tín chỉ…
Chủ đề học phí không mới nhưng mùa khai giảng đầu năm, câu chuyện này lại trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của cư dân mạng. Mới đây, từ một lời than vãn về học phí của một bạn sinh viên, nhiều người trẻ cũng thi nhau “nhảy vào” kể nỗi khổ học phí cao chót vót của trường mình.
“Đại học Kinh tế Quốc dân năm trước vốn đã có mức học phí cao năm nay lại còn tăng cao hơn 10%. Hệ đại trà nghe nói đã trong khoảng 15-18 triệu đồng/năm rồi, cứ học hành vớ vẩn, phải học đi học lại thì chắc chết mất“, bạn Khánh Phương (tân sinh viên NEU) than thở.
Bạn Lan Hương, sinh viên của IUH (Đại học Công nghiệp TP HCM) cho hay, nếu như năm trước mức học phí của trường là 470.000 đồng/tín chỉ thì năm nay tăng lên 30.000 đồng. Tuy không nhiều, nhưng nếu tính tổng tiền học sẽ mất khoảng 17,5 triệu đồng cho một năm - mức ngang ngửa với nhiều trường ĐH thuộc dạng đắt đỏ ở Hà Nội.
Một nữ sinh vừa đỗ vào ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết cô cũng rất lo lắng khi mức học phí năm nay hệ đại trà là khoảng 19 triệu đồng, chất lượng cao là 32-40 triệu đồng/ năm.
“Mình theo học hệ đại trà thôi nhưng đã thấy choáng ngợp lắm rồi. Cứ nhìn vào bẳng học phí lại thấy “đau tim” lắm“, cô bạn chia sẻ.
Theo nhiều sinh viên, nếu không học hành chăm chỉ thì theo quy định sẽ phải học lại với số tiền tăng theo cấp số nhân so với tiền học chính thức. Có lẽ những ai mắc bệnh sâu lười sau khi nghiên cứu và tìm hiểu về học phí học lại sẽ phải nghiêm túc hơn để sớm được ra trường, tránh lãng phí tiền của một cách không đáng!