Chẳng biết từ bao giờ, câu hỏi “Tại sao sinh viên ra trường thất nghiệp” luôn là trăn trở của không ít người. Và để đưa ra đáp án cho thắc mắc này, một sinh viên K53 đến từ trường NUCE đã chia sẻ bài viết của mình trên trang NEU Confession.
Nguyên văn confession này như sau:
“Tại sao sinh viên ra trường thất nghiệp?
Chào các bạn, mình học K53 của NUCE. Mình nói ra đây không phải để khoe khoang về thành tích. Chỉ mong các bạn sinh viên mới ra trường có thể thấy hình ảnh của mình trong đó.
Hiện giờ mình đang làm quản lý cho một phân xưởng sản xuất nội thất của công ty Hàn Quốc. Lương cơ bản 1.750 đô/tháng. Cả lương thưởng trung bình khoảng 2.000 đô/tháng.
Thời đi học mình học rất kém học lại rất nhiều và nợ môn nhiều không kể hết. Vì chán nản nên năm thứ 3 mình bắt đầu xin đi làm thêm vào công ty thiết kế học việc. Mình xuất thân nông dân không ngại khó ngại khổ nên các anh chị đi trước rất nhiệt tình chỉ bảo. Chỉ trong nửa năm, mình đã được giám đốc cân nhắc và trả 5tr/tháng. Mặc dù mình không đòi hỏi chút nào.
Thời gian học việc mình rất chịu khó ra công trường và xuống xưởng sản xuất để học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế. Thời gian rảnh mình có tự học thêm tiếng Hàn để thêm cơ hội mới. Làm được 3 năm mình có cơ hội vào công ty Hàn Quốc hiện tại.
Khi đi phỏng vấn, mình không có một bằng cấp nào ngoài tờ giấy ghi quá trình làm việc và kinh nghiệm bản thân. Đại học thì mình nợ môn quá bị buộc thôi học. Còn tiếng Hàn thì mình hoàn toàn tự học và xin đi làm việc ở nhà hàng Hàn trau dồi thêm. Giờ mình làm việc với rất nhiều các bạn sinh viên ra trường. Nhưng mình thấy thực trạng đáng buồn của sinh viên Việt Nam (mình không đánh đồng tất sinh viên đều vậy).
1. Chưa làm chưa cống hiến đã muốn có kết quả ngay. Lúc nào cũng hỏi quyền lợi khi chưa chứng minh được năng lực. Các bạn nên hiểu khi bạn quan trọng, họ sẽ trả lương bạn xứng đáng.
2. Rất mộng mơ. Có những bạn không muốn làm những việc nhỏ đơn giản. Chỉ muốn làm công việc lớn tầm ảnh hưởng lớn.
3. Không chịu khó học hỏi người xung quanh và học hỏi thực tế. Các bạn nên hiểu không phải đồng nghiệp họ giấu nghề mà các bạn không làm cho người ta thấy bạn ham học hỏi để người ta chỉ bảo.
4. Không chịu làm thêm giờ. Mình đa phần các bạn về rất đúng giờ trong khi thường xuyên đi muộn. Quan điểm của mình là hết việc đề ra đầu ngày thì về, làm bằng xong thì thôi. Với mình ở công ty làm việc đến 10-11h đêm là bình thường.
5. Không tôn trọng lời hứa. Có nhiều bạn hứa xong không thực hiện được nhưng không cố gắng hết khả năng. Theo mình khi đã hứa 1 điều gì thì phải làm bằng được. Trong trường hợp bạn không thể nhưng bạn đã cố gắng hết sức thì vẫn được ghi nhận bạn là người giữ lời hứa.
6. Học quá nhiều mà không biết áp dụng. Đa phần các bạn sinh viên mới ra trường không biết trình bày 1 bản word 1 bản excel chuẩn để in. Có những bạn mình cho chỉnh 1 bản báo giá excel để in mà từ sáng tới trưa không xong.
7. Cái tôi cá nhân quá cao. Chỉ một chút nhắc nhở bạn trong công việc mà sáng mai bạn sẵn sàng nghỉ việc gọi không nghe máy không một lý do.
Trên đây là những ý kiến cá nhân không mang tính quy chụp tất cả mọi người.
Rất mong mọi người cùng đóng góp ý kiến để làm sao sinh viên ra trường không thất nghiệp nhiều như vậy.”
Chỉ sau 5 tiếng chia sẻ, confession này đã đạt được hơn 5000 lượt yêu thích cùng gần trăm lượt chia sẻ, kèm theo đó là rất nhiều ý kiến của cộng đồng mạng.
Trong đó một số kiến bất đồng với quan điểm của cựu sinh viên NUCE này.
Đánh giá về những phân tích, nhận định của “chủ thớt”, bạn N.X.B chia sẻ thẳng thắn: “Xin lỗi nhưng con đường đi mỗi người một khác. Cảm ơn bạn đã chỉ ra sai sót của sinh viên nhưng đừng quy chụp và nghĩ mình có lương cao thì có quyền phán xét nhé”.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều ý kiến đồng tình với nhận định của chủ nhân confession này.
“Những người học cách đi lên từ con số không sẽ được học và trang bị nhiều kiến thức”. Tài khoản facebook U.A.D bày tỏ quan điểm.
Cùng với những ý kiến trên, cũng có không ít người đã chia sẻ nhiều tâm sự về con đường lập nghiệp của mình ngay dưới post này.
Chủ nhân tài khoản facebook N.D.K tâm sự: “Đường đời chẳng ai bằng phẳng hết đâu. Nó dao động, rất khó biết trước… Ai cũng phải bắt đầu từ con số 0 rồi dần dần mới lên cao được. Cứ chăm chỉ rồi sẽ thành công”.