Đây là một ít kinh nghiệm của “Sinh Viên Plus” đã đúc kết trong những ngày tháng còn là sinh viên của mình, muốn chia sẻ lại cho các bạn để tránh những hình thức lừa đảo tinh vi và thủ đoạn của những kẻ lừa tiền và mồ hôi nước mắt của sinh viên chúng mình và mong rằng không còn bạn nào bị lừa và luôn cảnh giác với bất kỳ công việc nào có dấu hiệu lừa đảo.
1. Bán hàng đa cấp
Đa số các sinh viên đều sẽ ít nhất một lần va chạm với hình thức kinh doanh đa cấp này. Những người đa cấp thường mặc vest chỉn chu, đầu tóc bóng bẩy với những lời mời chào trên mây và những lời hứa viễn vong về nhà lầu xe hơi, thu nhập hàng nghìn USD/ tháng. Đây có thể coi là chiêu trò lừa đảo khiến sinh viên nào cũng phải hãi hùng. Đặc biệt các tân sinh viên nhẹ dạ cả tin, rất dễ bị lừa với châm ngôn “làm giàu không khó”.
Nếu như có ai lạ mặt lân la rủ rê đi hội thảo, gặp gỡ doanh nhân này kia hoặc tự dưng có người inbox tư vấn về một hình thức kinh doanh nào đó thì đích thị là chiêu dụ của những người bán hàng đa cấp.
2. Mời mua đồ nhân đạo
Nhắc đến “mua đồ nhân đạo gây quỹ tình thương” không ít sinh viên kỳ cựu cũng phải lắc đầu ngao ngán bởi đây là hình thức lừa đảo đánh vào lòng thương người. Một số đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bạn sinh viên, đóng giả tật nguyền hoặc người nghèo khổ rồi mời mua ủng hộ các đồ dùng nhân đạo như tăm, bút bi, bông ngoáy tai với giá gấp 2 gấp 3 giá thị trường.
Tốt nhất trong trường hợp này, bạn nên đi thẳng luôn và không cầm bất cứ đồ gì từ người lạ dúi vào mình không nghe chuyện, từ chối thẳng thừng kiên quyết.
3. "Cò" nhà trọ giá rẻ
Những tờ giấy nhà trọ mới xây, giá rẻ được dán đầy ở các cột đèn, cột điện thì 90% là lừa đảo. Họ không ghi địa chỉ nhà cụ thể mà chỉ ghi số điện thoại để mình liên hệ. Những bạn tân sinh viên khi mới chân ướt chân ráo lên thành phố để tìm nhà trọ, rất nhiều bạn dễ bị mắc lừa với chiêu trò lừa đảo này.
Những người này sẽ dẫn bạn đi vòng vòng các hang cùng ngỏ hẹp rồi dẫn bạn tới một địa chỉ bất kỳ, nếu bạn không ưng ý địa chỉ này thì vẫn phải trả cho họ từ 100.000 – 200.000 tiền phí nếu bạn phản kháng lại hoặc có ý kiến sẽ lập tức bị đe dọa có thể bị hành hung.
Lời khuyên cho bạn là nên tìm nhà qua những trang uy tín hoặc thông qua người quen hoặc các trang thông tin trường để biết được chủ nhà, mức giá cụ thể như thế nào.
4. Xin tiền đi xe do mất tiền
Tại các bến xe bus, xe khách xuất hiện nhiều đối tượng ăn xin lừa đảo cao cấp với những hình thức lừa đảo tinh vi. Những kẻ này xuất hiện dưới vỏ bọc sạch sẽ, lịch sự với hoàn cảnh bị mất tiền, bị rơi đồ, bị giựt đồ để dễ lấy lòng người cộng với việc tạo ra cho bản thân độ tin tưởng bằng phong thái, cách ăn mặc, giao tiếp, chúng đã lấy được lòng tin tưởng và thương cảm của nhiều người.
Đối với những trường hợp này, bạn có thể cho hoặc không cho. Vì biết đâu có những người rơi tiền thật, nhưng hãy chú ý đến thái độ và biểu hiện của những người đó để phán đoán nhé.
5. Rút thăm trúng thưởng
Sau khi rút thăm, nhân viên thông báo bạn đã nhận được quà siêu khủng tiền chục triệu, trăm triệu, có khi trúng cả xe máy, điện thoại thông minh và cần đặt cọc một số tiền nhất định để nhận quà. Để không phải tiền mất tật mang, các bạn tuyệt đối không được tin những lời mời chào này bởi khi bạn đưa tiền cho chúng cũng là lúc số tiền một đi không trở lại.
6. Dàn cảnh gặp nạn rồi bầy trò chiếm đoạt tài sản
Hiện tượng cướp dàn cảnh không còn xa lạ với những người sống trên thành phố lớn. Mục đích của chúng là cướp của và thường giả vờ là người thân, người quen trong gia đình của bạn hoặc giả vở va chạm giao thông.
Chuyện này thường hay xảy ra trên phố hay xe bus. Để giải quyết tình huống này, bạn nên bình tĩnh, hạn chế để lộ thông tin cá nhân để chúng biết được, hỏi chúng thông tin cá nhân rồi hô hoán lên nhờ mọi người xung quanh giúp đỡ.
Trên đây là những trường hợp mà chính mình đã gặp phải và mong các bạn sẽ rút kinh nghiệm và cẩn thận với những chiêu trò lừa đảo tinh vi như thế này. Chúc bạn sẽ có một quãng đời sinh viên thật đẹp và vui vẻ.