Ngã bệnh vì nắng nóng
2 giờ chiều, bạn Trọng Đại (sinh viên năm 2 trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) mệt mỏi và uể oải ngồi cạnh cửa để mong tìm được chút gió thoáng. Cái nắng gay gắt, oi ả đầu tháng 6 đã khiến bầu không khí tại xóm trọ của Đại (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) trở nên ngột ngạt đến khó chịu. Giữa trưa, cả xóm trọ vắng tanh. Đi ngoài đường đã nóng, bước vào phòng còn đáng sợ hơn.
Căn phòng 15m2 trên tầng 2 lợp mái tôn, tường mỏng với nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, cộng với thời tiết nắng nóng làm cho nhiệt độ phòng tăng lên, tạo ra bầu không khí bí bách, tù túng khiến Đại không chịu nổi.
Mồ hôi tứa ra ướt đẫm lưng, mặt đỏ gay vì nóng, Đại chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng quá, ngồi trong phòng chắc ngộp thở. Phòng mình có 4 người, 2 người kia phải xuống tầng 1 ngủ nhờ để tránh nóng rồi. Chỉ còn mình và một bạn nữa ở phòng. Nhưng nóng quá, phải ra ngồi ngoài này cho thoáng”.
Đại cho biết, vào ban đêm, căn phòng 4 người chật chội cũng nóng không kém. Khi đó, nhiệt độ từ mái tôn phả xuống khiến giường nóng, chiếu nóng, phòng oi bức. “Chỉ cần nghĩ đến việc đặt lưng xuống mình đã thấy sợ bởi nóng rát, mồ hôi nhớp nháp. Đêm muộn, mấy đứa vẫn phải ra hóng mát ngoài ban công, khi nào buồn ngủ quá thì vào giường nhưng cũng trằn trọc”, Đại tâm sự.
Cùng chung cảnh ngộ với Trọng Đại, bạn Nhung (sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân). Nhung kể: “Phòng trọ của mình thấp, diện tích nhỏ nên nắng lên tới đâu là thấm ngay cái nóng tới đó. Những ngày này, phòng trọ không khác gì cái lò nướng. Tường bỏng rát, hơi nóng hầm hập phả vào người. Dù có ngồi trước quạt nhưng mồ hôi vẫn ra như tắm. Bọn mình còn không dám nấu ăn thì sợ mùi, hơi nóng từ bếp ga làm cho phòng nóng thêm”.
Tháng 6 cũng là lúc mùa thi của sinh viên bắt đầu. Vất vả học tập lại thêm trời nắng nóng khiến nhiều bạn sinh viên ngã bệnh, thậm chí còn bị say nóng. Thêm vào đó, trong những ngày hè, nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên, khiến cho một số khu trọ thường xuyên mất nước, mất điện.
Bạn Phương (sinh viên trường Đại học Thương Mại) cho biết: “Bây giờ đang là mùa thi cao điểm, bọn mình phải tập trung ôn thi. Nhưng thời tiết nóng bức thế này thì ôn thi vất vả lắm. Có những hôm mình thức đến 3 giờ sáng mà không ngủ được, hôm sau lại phải dậy sớm ôn thi. TVì mệt quá nên có hôm đang ngồi học mà mình cứ thấy nôn nao, đau đầu… phải đi xuống nhà bác chủ nằm nhờ mới đỡ”.
Theo nhiều bạn sinh viên, “hãi hùng” nhất vẫn là những sinh viên sống trong ký túc xá. Bạn Trung (sinh viên năm 3 trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, phòng ký túc xá của trường diện tích nhỏ, mỗi phòng gồm có 10 sinh viên ở chung với nhau. Trung và các bạn phải ôn bài bằng cách ngồi xuống đất để tập trung quạt cho mát, cả phòng hạn chế việc bật đèn bởi khí nóng tỏa ra. Trong ký túc không được sử dụng nước thoải mái, việc tắm gội bị hạn chế khiến các bạn rất bức bách, ảnh hưởng nhiều đến học tập.
Chống nóng theo kiểu “made in sinh viên”
Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt kéo dài khiến các bạn sinh viên phải tìm “trăm phương nhìn kế” để chống trả, mong sao “sống sót” qua mùa thi. Tất nhiên mùa nóng này thì giải pháp giảm nhiệt hiệu quả nhất vẫn là mắc điều hòa. Tuy nhiên, các bạn sinh viên thường không có tiền nên phương án này lại hóa thành xa xỉ.
Theo họ, điều hòa không những đắt tiền mà còn ngốn điện. Sinh viên thuê trọ thường bị tính giá điện kinh doanh 3.5-4.5K/ số điện. Nếu dùng điều hòa, số tiền điện phải chịu có khi còn đắt hơn tiền ăn uống hàng tháng. Hơn nữa phòng trọ sinh viên tuềnh toàng, không phù hợp để lắp điều hòa nên hầu hết, các bạn phải tìm 1.001 kế sách khác.
Tại xóm trọ của Trọng (sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp), giữa buổi trưa 37 độ C, mọi người thường để một chậu nước đá phía trước quạt xem như là giải pháp hữu hiệu để “cứu nóng”. Theo Trọng, hơi lạnh của đá với gió quạt thổi sẽ giúp tản nhiệt làm không khí đỡ oi bức hơn. Cùng với đó, toàn bộ chăn màn, chiếu thảm, phông bạt được Trọng huy động tối đa nhằm che đậy các cửa sổ, hạn chế hơi nóng hấp vào phòng trong những ngày nắng như đổ lửa này.
Bạn Nhung (sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân) lại nghĩ ra cách khác, đó là lấy khăn ướt đắp lên chân, tay hoặc ngâm chân vào chậu nước ngồi trước quạt để giảm nhiệt. Bên cạnh đó, Nhung cũng cho biết, mỗi ngày bạn lau nhà, lau giường 3 - 4 lần để giảm nóng.
Những ngày này, ai may mắn có người thân ở Hà Nội hay bạn bè ở trọ tại những nơi “khá khẩm” hơn thì giải pháp tối ưu là xách hành lý đến tá túc nhờ. Ngoài ra, không ít bạn sinh viên tìm đến những nơi có không gian thoáng đãng như công viên, vườn hoa, quán trà đá hoặc đến các trung tâm thương mại để tranh thủ khoảng không gian mát mẻ hiếm hoi.
Cũng có những bạn chọn giải pháp “đóng đinh” ở thư viện, nơi đây vừa có điều hòa mát, vừa có thể học bài, lại tiết kiệm được một khoản tiền điện, nước “kha khá”.
Bạn Trang (trường Đại học Luật Hà Nội) cho biết: “Mình hay lên thư viện để ôn thi cho mát, có hôm tối mịt mới về phòng. Tuy nhiên, ngày nóng thư viện cũng rất đông người, nên mình phải đến sớm để có chỗ ngồi”.
Một cách khác để sinh viên chống nóng vào ban đêm đó là góp tiền thuê nhà nghỉ để ngủ. Giá nhà nghỉ trung bình khoảng 200.000 - 250.000/đêm, mỗi phòng khoảng 4 - 6 người. Như vậy, tính ra mỗi bạn chỉ tốn khoảng 40.000 - 50.000/đêm.
Anh Tuấn, một chủ nhà nghỉ tại Cầu Giấy cho biết: “Năm nào vào mùa cao điểm nắng nóng nhà nghỉ của anh cũng trong tình trạng hết phòng buổi tối, vì người lao động và người dân xung quanh thuê phòng để ngủ. Họ thường đi thành từng nhóm 5 - 6 người”.
Cũng có những bạn sinh viên chống nóng bằng cách độc đáo hơn, đó là phun nước lên mái nhà, tự chế quạt hơi nước hay đi xe buýt…