Hiện nay, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố thông đề án, phương án tuyển sinh năm 2020, trong đó hầu hết đều mở thêm ngành học mới, bổ sung thêm phương thức xét tuyển mới.
Ngoài xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia, nhiều trường đại học còn tổ chức thêm kỳ thi riêng để xét tuyển.
Kỳ thi THPT Quốc gia vẫn là cơ sở đáng tin cậy
Theo đại diện lãnh đạo nhiều trường đại học, hiện nay kỳ thi THPT Quốc gia vẫn là cơ sở đáng tin cậy để các trường tuyển sinh, nên chỉ tiêu xét tuyển sinh theo kết quả của kỳ thi này vẫn chiếm tỷ lệ lớn, từ 40% đến 85% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Trong đó, hàng loạt trường ở khu vực miền Bắc vẫn dựa vào kỳ thi này để xét tuyển như: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, các trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội…
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay việc tuyển sinh của trường vẫn dự dựa vào kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và kỳ thi THPT Quốc gia. Bởi các hình thức này hiện vẫn được đánh giá ổn và chính xác.
Ngoài xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia, năm nay Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào các trường thành viên.
Với các trường thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tùy theo ngành, nhóm ngành, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực nằm trong khoảng 30% đến 50% tổng chỉ tiêu, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.
Hiện có gần 50 đơn vị, trường đại học, cao đẳng công bố sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để xét tuyển.
Cùng với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường tại thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ tổ chức thêm kỳ thi hoặc bài kiểm tra năng lực để xét tuyển như trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng…
Thi tuyển riêng từng trường còn gặp nhiều khó khăn
Theo các chuyên gia, việc đa dạng các phương thức xét tuyển giúp các trường khai thác tối đa nguồn tuyển. Tuy nhiên, để tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển thì không phải trường nào cũng có thể làm được.
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ, hiện trường chưa đặt vấn đề tổ chức một kỳ thi riêng. Bởi, việc tổ chức kỳ thi riêng phải có đủ năng lực, đảm bảo chất lượng và nguồn lực mạnh.
Bên cạnh đó, bộ đề phải đảm bảo chọn lọc được, việc tổ chức phải công bằng, minh bạch, sai sót thấp nhất và có tính phổ quát mạnh nhất.
Từ năm 2021, khi Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực, kỳ thi THPT quốc gia sẽ có nhiều thay đổi, và sẽ tác động tới việc tuyển sinh của các trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng phương án đổi mới thi sau 2020./.