Hồi ở Anh, tôi đi chơi với cậu bạn thân. Không rõ hôm đó cả hai nói chuyện gì nhưng tôi nói về một ai đó và bảo: “Anh ta tốt nghiệp trường Cambridge đấy.” Bạn mình bèn nói: “Thì sao, nếu tớ sinh ra ở đây thì tớ cũng học Cambridge được.” Tôi tin lời cậu ấy vì tôi công nhận bạn đủ thông minh. Tôi không phản đối gì nữa.
Đôi khi người ta không biết mình may mắn đến thế nào vì đã được cho nhiều cơ hội hơn người khác. Vì cơ hội đẻ ra cơ hội. Thế nên người giàu càng trở nên giàu hơn. Người có bố mẹ thành đạt cũng dễ trở nên thành đạt. Tôi biết điều đó lâu rồi nhưng gần đây ngày càng thấm thía.
Cơ hội chính là thứ khiến người ta khác nhau
Hai người thông minh như nhau, nhưng một người may mắn hơn - được bố mẹ thuê gia sư đến hướng dẫn từ sớm, được cho đi học trường tốt, thậm chí kể cả chỉ là được mua cho nhiều sách vở hay, còn một người không được chăm lo từ sớm về giáo dục và bị bỏ bê, thì kết quả thế nào ai cũng biết.
Tất nhiên, cái người thiệt thòi hơn kia cũng có thể tìm cách đuổi kịp ở một thời điểm nào đó, nhưng thường là họ sẽ phát triển MUỘN hơn.
Và tôi nói “có thể” - vì không phải ai cũng có cơ hội để thay đổi cuộc đời - như gặp một ai đó tốt và được người ấy bảo ban, giúp đỡ; đạt được những giải thưởng dù không lớn nhưng mang tính khích lệ cao khiến họ tự tin vào bản thân và tiếp tục phát huy thế mạnh; tình cờ đạt được một thành tích đẹp để cho vào CV…
Ai ai cũng cần một thứ bệ đỡ, dù nó mang tính vật chất hay tinh thần hay thậm chí là cảm xúc. Ví dụ có thời gian rảnh rỗi để chiêm nghiệm và sáng tạo mà không phải lo cơm áo cũng là một dạng may mắn.
Tôi tin vào may mắn. Cố gắng chiếm 80% đúng rồi, nhưng may mắn chiếm 20%, thậm chí trong một số chuyện là 50%. Tin tôi đi, vì tôi là một cựu binh trong chuyện… xin học bổng. Đủ các loại học bổng. Tôi hiểu về xác suất. Không có may mắn thì cố thế nào cũng thua.
Đôi khi tôi thấy buồn cười trước nhiều quyển sách self-help kiểu Mỹ - họ đưa ra một quan điểm phổ biến, mà có khi lệch lạc, đó là người ta thành công đơn thuần vì người ta quá giỏi.
OK sure, người ta giỏi nhưng điều gì giúp cho người ta giỏi được như thế, nếu không phải là nền tảng giáo dục mà người ta có (nhưng bao người không có), là bố mẹ giỏi hoặc thầy cô giáo giỏi..
Ngay cái VỐN ban đầu của người ta đã hơn người khác rồi, nên người ta mới có cơ hội để phát triển bản thân.
Trừ những thiên tài trong một số lĩnh vực như nghệ thuật vốn đã phát tiết từ sớm ra, thì ai cũng cần được trao cơ hội đã rồi mới phát triển được (mà kể cả những thiên tài kia, nếu không có cơ hội cũng chưa chắc đã thành công được đến thế).
Đôi khi sự thành công hay thất bại ở bề mặt của ai đó thường bị đánh giá sai. Ví dụ nhìn vào một người lụn bại, người ta dễ nghĩ ngay là anh ta kém cỏi, mà không nghĩ là anh ta đã không được trao đủ cơ hội để đạt được thành công.
Anh ta không có đủ VỐN để làm được điều anh ta muốn làm. Ví dụ như không gặp được người hướng dẫn giỏi từ sớm, không gặp được cộng sự tốt, không được người thân khích lệ chẳng hạn.
Tất nhiên anh ta vẫn có thể vươn tới thành công, luôn luôn có khả năng đó, nhưng anh ta sẽ phải mất rất nhiều thời gian, để trước hết vượt qua muôn vàn khó khăn cản trở anh ta đến với thành công đó đã.
Thế nên tôi ghét những kẻ kiêu ngạo và những ai cổ xúy cho đặc quyền của những kẻ kiêu ngạo. Họ không biết là họ may mắn đến thế nào nhưng lại thích phán xét những kẻ kém may mắn hơn mình.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cây bút trẻ Minh Thi, tác giả sách “Tôi bỏ quên tôi ở nước Anh”, hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Victoria University of Wellington, New Zealand)