Mâu thuẫn, sai phạm đã diễn ra từ nhiều năm trước
Trước đó, như báo Tiền Phong đã đưa tin, sau khi kiểm tra tại trường Đại học Luật TPHCM từ ngày 26/3 đến ngày 8/4/2018, Kiểm toán Nhà nước có thông báo số 556/TB-KTNN chỉ ra những sai sót, bất cập, hạn chế về tài chính, liên kết đào tạo cũng như thu chi học phí của nhà trường.
Cụ thể, Trường Đại học Luật TPHCM không thực hiện chi toàn bộ học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên bằng nguồn thu học phí và chi từ nguồn ngân sách số tiền 1,5 tỷ đồng; Chưa thực hiện đấu thầu theo Luật đấu thầu về hợp đồng liên kết đào tạo với Công ty Anh văn Việt Mỹ (VASS) để tổ chức đào tạo Anh ngữ theo chương trình TOEIC quốc tế (3 tỷ đồng) và hợp đồng với Công ty cổ phần giáo dục và đào tạo GHI quốc tế tổ chức đào tạo kỹ năng cứng, kỹ năng mềm theo yêu cầu chuẩn đầu ra (653 triệu đồng).
Ngoài ra nhà trường còn chi thù lao giảng dạy cho 55 giáo viên dạy vượt giờ trái với quy định của pháp luật. Một số vấn đề về chi trả thu nhập cho người lao động, chi thanh toán tiền học lại, thi lại cho cán bộ, học viên,… cũng vướng phải những sai phạm nghiêm trọng. Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ, năm học 2016-2017 và 2017-2018 nhà trường thu học phí vượt mức quy định 6,87 tỷ đồng. Thu vượt học phí học lại, đồng thời chưa công khai mức thu trên trang mạng của trường số tiền 205,9 triệu đồng. Thu vượt lệ phí tuyển sinh theo quy định 84 triệu đồng.
Trước những sai sót đó, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu lãnh đạo nhà trường tiến hành rà soát, xử lý, báo cáo lại tài chính cũng như điều chỉnh lại những sai phạm được nêu trong văn bản.
Ngày 7/6, trao đổi với báo Tiền Phong, bà Võ Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Luật TPHCM cho biết, những vấn đề trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước là đúng, nhà trường cũng đã xử lý các cá nhân liên quan và xử lý khắc phục. “Sự việc đã được xử lý xong xuôi nhưng đến nay lại lôi ra lại gây hiểu lầm và bất ổn nhà trường. Tập thể nhà trường rất buồn trước sự việc này”, bà Oanh nói.
Lại tiếp tục “sóng gió”…
Mới đây, theo điều tra của phóng viên báo Pháp luật TPHCM thì trường đại học này một lần nữa lại vướng phải những sai phạm liên quan đến tài chính. Đó là những sai phạm liên quan đến số tín chỉ và số tiền thu được ở hệ vừa học vừa làm trong các năm học từ 2013 đến 2017, những con số này chênh lệch rất lớn so với những báo cáo tài chính của nhà trường.
Trong đó, bằng cách thu thập những cơ sở dữ liệu từ công ty PSC, đơn vị quản lý các phần mềm học viên, sinh viên của trường Đại học Luật TPHCM thì nhóm phóng viên của báo Pháp luật TPHCM đã nêu ra được các con số chênh lệch cụ thể qua từng học kỳ.
Cụ thể số tiền chênh lệch trong từng học kỳ như sau: Học kỳ 2 năm học 2013-2014 chênh lệch hơn 1 tỉ đồng; Học kỳ 1 năm học 2014-2015 chênh lệch hơn 3,3 tỉ đồng; Học kỳ 2 năm học 2014-2015 chênh lệch hơn 2,7 tỉ đồng; Học kỳ 1 năm học 2015-2016 chênh lệch hơn 2,7 tỉ đồng; Học kỳ 2 năm học 2015-2016 chênh lệch hơn 2,1 tỉ đồng; Học kỳ 1 năm học 2016-2017 chênh lệch hơn 2,7 tỉ đồng. Tổng số tín chỉ chênh lệch so với báo cáo từ nhà trường là hơn 60.000 tín chỉ, số tiền chênh lệch lên đến hơn 14 tỉ đồng. Một số biên lai thu tiền học lại, tín chỉ phải học cũng khác xa so với dữ liệu ghi nhận trên hệ thống PSC.
Ngoài ra bên cạnh đó cũng có một số trường hợp học viên đăng ký học lại nhưng lại không có tên trong báo cáo của trường. Theo đó học viên T.V.Ch đã học lại 44 tín chỉ, tuy nhiên qua xác minh thì học viên này lại không có tên trong danh sách thống kê. Một số trường hợp học viên khác cũng bị sai lệch tương tự.