Đợt dịch Covid- 19 thứ 4 này được đánh giá là đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay với tốc độ lây lan nhanh hơn, phạm vi lây lan rộng hơn, biến chủng vi rút nguy hiểm hơn, nhiều bệnh viện tuyến cuối bị tấn công hơn.
Đợt dịch này bắt đầu từ ngày 27/4, khi phát hiện một bệnh nhân là nhân viên khách sạn tại Yên Bái - nơi cách ly các chuyên gia Ấn Độ. Kể từ đó đến nay, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đã làm việc không ngơi tay.
Cũng như nhiều ngành nghề khác, ngành giáo dục Việt Nam trong thời gian qua kể từ khi đợt dịch đầu tiên bùng phát đã trải qua rất nhiều khó khăn và thay đổi. Có thể nói, năm học 2020 -2021 khép lại cũng đồng nghĩa với việc ngành giáo dục Việt Nam đã có 2 năm "chiến đấu" với đại dịch Covid- 19.
Hãy cùng nhìn lại những sự kiện đặc biệt của ngành giáo dục Việt Nam năm thứ 2 "sống chung" với Covid- 19:
Lần đầu tiên triển khai dạy học trực tuyến trên phạm vi toàn quốc
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, ngày 30-31/1, học sinh Hà Nội và nhiều tỉnh thành trở lại trường với chiếc khẩu trang. Các trường nhanh chóng tăng cường biện pháp phòng dịch COVID-19 như sát trùng phòng học, đo thân nhiệt thường xuyên cho học sinh.
Chiều 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch ở Việt Nam. 23 địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học tránh dịch. Với bậc đại học, hơn 70 trường lùi ngày trở lại trường của sinh viên từ ngày 3/2 lên 17/2.
Đến ngày 3/2, toàn bộ 63 tỉnh, thành và hơn 200 trường đại học đóng cửa vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Cứ như vậy, các hoạt động dạy và học tại trường phổ thông và đại học bị gián đoạn hơn 3 tháng. Điều này khiến các địa phương và các trường triển khai mạnh mẽ phương án dạy học qua Internet và truyền hình.
Kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá tích cực.
“Việc học trực tuyến để phòng-chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”, báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29/9/2020 nhận xét.
Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Thay kỳ thi THPT quốc gia như các năm bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT
Dịch COVID-19 khiến học sinh cả nước không thể đến trường, do đó, kỳ thi THPT cũng có sự thay đổi so với các năm trước. Ngày 14/4, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia.
Phương án 1: Nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15-6, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào ngày 8 đến 11/8.
Phương án 2: Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, Bộ tính không tổ chức kỳ thi mà giao về cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT.
Ngày 22/4, Bộ GD&ĐT cho biết do dịch nên kế hoạch năm học 2019-2020 phải điều chỉnh. Kỳ thi THPT muộn hơn mọi năm, dự kiến vào cuối tháng 8. Vì luật giáo dục đã có hiệu lực. Do vậy sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp Khoa học Tự nhiên và bài thi Khoa học Xã hội. Mỗi bài thi tổng hợp được chấm một đầu điểm thay vì ba đầu điểm môn thành phần như kỳ thi THPT quốc gia.
Ngày 27/4, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ quyết định kỳ thi năm nay giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp. Nội dung thi nằm trong chương trình học. Các trường Đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đã được diễn ra. Với những địa phương bị cách ly xã hội do ảnh hưởng của dịch nên kỳ thi được chia làm 2 đợt. Đợt đầu diễn ra từ ngày 8 đến 10/8. Đợt 2 của kỳ thi diễn ra vào ngày 3 và 4/9. Đợt thi thứ hai tổ chức cho 26014 thí sinh của 27 tỉnh/thành chưa thể dự thi đợt 1 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Các trường Đại học liên tục thay đổi phương án tuyển sinh
Do ảnh hưởng của dịch Covdi- 19, rất nhiều trường Đại học cũng thay đổi phương án tuyển sinh liên tục, ban đầu nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng.
Tuy nhiên, hình thức này không khả thi giữa tình hình dịch Covid- 19 nên các trường đều hoãn việc tổ chức kỳ thi. Các Đại học lúc này chủ yếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp để tuyển sinh.
Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 được thay đổi
Cũng giống như kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng bị ảnh hưởng do tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp.
Mặc dù nhiều trường học đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi nhưng trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh Covid- 19 nhiều tỉnh, thành đã điều chỉnh từ phương thức thi tuyển sang xét tuyển. Các trường THPT căn cứ vào nguyện vọng thí sinh đã đăng ký, thực hiện xét tuyển bằng kết quả rèn luyện và học tập các lớp 6, 7, 8, 9 ở cấp THCS của học sinh.
Một số tỉnh, thành thực hiện phương thức tuyển sinh này có thể kể đến như Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Bình, Hà Giang, Gia Lai, một số huyện của Ninh Thuận…
Trong khi đó, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, tỉnh Sóc Trăng, Long An cũng tạm dừng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Một số tỉnh diễn ra kỳ thi như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bình Dương, Trà Vinh… nhưng siết chặt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất tuyển thẳng thí sinh diện F0,1 vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022.Trên cơ sở đề xuất của Sở GD&ĐT, chiều 2/6, UBND TP Hà Nội đồng ý điều chỉnh lịch thi, thời gian làm bài và phương án tuyển sinh theo từng nhóm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021- 2022.
Về phương án tuyển sinh, chia thành 3 nhóm thí sinh:
Nhóm 1: thí sinh F0, F1.
Nhóm 2: thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly theo quy định, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường do ảnh hưởng dịch Covid- 19.
Nhóm 3: các đối tượng thí sinh còn lại, được phép đến phòng thi.
Đối với lớp 10 chuyên và hệ song bằng tú tài, thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2 đã đăng ký dự thi vào hệ này, nếu có nguyện vọng sẽ được phép đăng ký dự thi kỳ thi tuyển bổ sung.
Hàng trăm sinh viên phải đón Tết trong khu cách ly
Những ngày đầu tháng 2/2021, gần 300 sinh viên, giảng viên thuộc một trường đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) được xác định có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.
Bệnh nhân này được xác định là nữ sinh N.T.M.A (SN 2002, sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một).
Qua truy xét, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bình Dương xác định có khoảng 300 sinh viên, giảng viên có tiếp xúc gần với N.T.M.A.
Đến 17h chiều 1/2/2021, nhiều chuyến xe chở hàng trăm sinh viên đến khu cách ly tập tại Trường Quân sự tỉnh Bình Dương (đường Phú Lợi, phường Phú Hòa) và phường Tân An. Với thời giancách ly 21 ngày theo quy định mới, hàng trăm sinh viên sẽ phải đón Tết trong khu cách ly.
Tương tự, một số sinh viên Trường Đại học FPT Hà Nội, thuộc diện F1 cũng không thể sum họp với gia đình như mọi năm trong dịp Tết Nguyên đán. Các sinh viên này học cùng lớp lại cùng nhóm làm bài tập thuyết trình với nam sinh 21 tuổi, dương tính với Covid-19 tại Trường ĐH FPT,
Có lẽ, với những cô cậu sinh viên này, Tết 2021 là kỷ niệm đáng nhớ khi lần đầu xa nhà, đón Tết trong hoàn cảnh khá đặc biệt.
Hàng ngàn sinh viên trường Y trên cả nước lên đường chống dịch
Trong những ngày cả nước gồng mình “chống giặc COVID-19”, thật xúc động khi hàng ngàn sinh viên ngành Y tại các trường đại học (ĐH) đã xung phong về vùng“tâm dịch” làm việc không quản ngày đêm, tất cả vì sức khỏe cộng đồng.
Sự tình nguyện tham gia của các bạn sinh viên là bằng chứng về tinh thần xung kích của tuổi trẻ. Bên cạnh đó, đây cũng chính là cơ hội để các sinh viên được trải nghiệm, được tiếp xúc với công việc phòng chống dịch bệnh.
Ngày 20/5, gần 50 cán bộ, sinh viên trường Đại học Y Hà Nội đã lên đường đến điểm nóng huyện Yên Phong, Bắc Ninh – nơi có ca mắc COVID-19 và cần truy vết, lấy hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm.
Ngay sau khi nhận được thông tin TP.HCM huy động sinh viên tham gia chống dịch COVID-19, hàng trăm sinh viên của hai trường y lớn nhất TP.HCM đã nhiệt tình hưởng ứng, đăng ký tham gia.
Tối 31/5, gần 50 sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tiếp tục được tăng cường tham gia hỗ trợ phòng chống COVID-19 tại quận Gò Vấp, lấy mẫu xét nghiệm tại khu dân cư. Nhóm này được bổ sung cho hơn 120 sinh viên đã ra quân hai ngày trước, làm việc tại các điểm nóng dịch bệnh ở các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú (TP.HCM).
Trong sáng 1/6, Trường ĐH Y Hà Nội tiếp tục tăng cường chi viện "đoàn quân" gồm 50 cán bộ, sinh viên về Bắc Ninh, hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Những ngày đầu tiên khi dịch Covid- 19 bùng phát tại tâm dịch Bắc Giang, đoàn sinh viên gồm 3 thầy cô và 212 sinh viên thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã gấp rút lên đường, chi viện cho Bắc Giang.
Các thầy cô và sinh đã làm việc cật lực, không quản khó khăn với tinh thần tăng tốc xét nghiệm để phát hiện các ca nhiễm mới, giúp truy vết, khoanh vùng, cách ly và ngăn chặn triệt để dịch bệnh COVID-19.
Nắng nóng trên 35 độ, mặc bộ đồ bảo hộ kín, làm việc với tinh thần tập trung cao độ, liên tục trong nhiều giờ khiến thầy cô và một số bạn sinh viên ngất xỉu ngay tại điểm lấy mẫu vì kiệt sức.
Tương tự trong ngày đầu đến tâm dịch Bắc Giang, 36 cán bộ, sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam khẩn trương bắt tay vào việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, Họ làm việc liên tục gần 15 tiếng đồng hồ cho hơn 2.900 trường hợp người dân quanh khu công nghiệp.
Sau nhiều giờ làm việc liên tục, nhiều sinh viên rơi vào trạng thái kiệt sức, các bạn thay phiên nhau chợp mắt ngay tại khu lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Có lẽ, công cuộc "chống dịch Covid- 19" vẫn chưa biết ngày nào sẽ kết thúc thực sự. Không chỉ riêng ngành Giáo dục Việt Nam mà tất cả các ngành nghề khác đều bị ảnh hưởng. Đợt dịch Covid- 19 thứ 4 này bùng phát được đánh giá là nguy hiểm và phức tạp hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước, tuy nhiên, nhìn vào những gì thời gian qua chúng ta đã đạt được, bất kỳ ai cũng có thể tin tưởng rằng, một ngày không xa, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch.