Để ngăn cấm tình yêu học đường, một trường trung học số 1 thị trấn Toại Bình thuộc thành phố Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đã áp dụng một quy tắc phân biệt học sinh nam và nữ trong nhà ăn. Theo đó, khi bước vào nhà ăn của trường, ai cũng có thể thấy sự phân biệt rõ rệt khi khu ăn dành cho nam và nữ bị tách riêng ra.
Không chỉ vậy, vào mỗi buổi sáng, học sinh còn bị kiểm tra túi xách để đảm bảo học sinh không mang các thiết bị điện tử hay bữa ăn trưa, đồ ăn vặt vào trường. Một học sinh chia sẻ: “Nhà ăn phân thành 2 khu riêng biệt dành cho nam và nữ. Nếu bạn ngồi xuống ăn cùng nhau, nhà trường sẽ nghĩ hai bạn đang yêu nhau“.
Bên cạnh đó, một hệ thống điểm cũng được thực hiện và phân loại dựa trên 2 loại hành vi, bao gồm 1 loại được khuyến khích và 1 loại bị cấm. Trong đó, các hành vi bị cấm là những đụng chạm cơ thể (kể cả nắm tay cho dù học sinh đó có cùng giới hay khác giới hay không) và việc ở cạnh nhau khi chỉ có 2 người.
Một nữ sinh đang theo học tại trường cho biết, học sinh nào bị trừ tổng cộng 25 điểm sẽ tự động bị đuổi khỏi trường học. Một học sinh khác chia sẻ: “Nếu hai học sinh có tiếp xúc thân thể hoặc đi riêng cùng nhau, bất kể là cùng giới tính hay không, họ đều bị coi là đang yêu nhau“.
Chia sẻ về quy định nghiêm khắc này, một giáo viên trong trường cho biết: “Lý do chính của quy định này là ngăn cấm học sinh yêu nhau. Ngoài ra, các căng tin trong trường đều có đồ ăn nên học sinh không cần thiết phải mang đồ ăn từ ngoài vào trường học để đảm bảo an toàn thực phẩm“.
Vụ việc sau khi được đăng tải đã gây xôn xao mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều. Hầu hết mọi người đều cho rằng nhà trường quá nghiêm khắc khi ra sức ngăn cấm những chuyện tình lãng mạn học đường, nhưng một số khác lại lên tiếng ủng hộ phương pháp của nhà trường.
Một số người bình luận: “Càng cấm càng có nhiều vấn đề nảy sinh, học sinh càng yêu sớm hơn“, “Nhà trường đang thúc đẩy các mối quan hệ đồng tính ư?“, “Tại sao lại ngăn cấm cảm xúc của những đứa trẻ đang trong độ tuổi trưởng thành. Thay vì ngăn cấm, người lớn nên đưa ra lời khuyên cho bọn trẻ chứ không phải làm tổn hại tới cảm xúc của chúng theo cách cực đoan như vậy“, “Điều này thực sự khá tốt. Tôi đã từng nghĩ tới việc này khi đang theo học trung học“,…