Ngày 7/4, Ngày hội tuyển sinh tại trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội đã thu hút hàng trăm sinh viên, các bậc phụ huynh tới tham dự để tìm hiểu những thông tin liên quan đến việc lựa chọn ngành học cũng như việc xét tuyển vào trường.
Trước đó, trường Đại học Ngoại Thương đã công bố 3 phương thức xét tuyển vào trường:
Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 03 năm THPT
Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPTQG
Theo đó, nhiều bạn học sinh bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới hình thức xét tuyển kết hợp của trường trong năm 2019, ngành học Logistics mới mẻ, vấn đề học phí, và nhiều ngành học về kinh tế, tài chính. Sự thắc mắc, băn khoăn của các bạn học sinh đều được hỏi trực tiếp hoặc gửi đến trang thông tin của trường và được các thầy cô giải đáp trực tiếp trong ngày hội tuyển sinh.
Em xem các chương trình truyền hình thì thấy các chương trình như CEO - Chìa Khóa Thành Công hay Thương Vụ Bạc Tỉ thì em rất thích các hoạt động kinh doanh như vậy. Vậy em theo học ngành Quản trị Kinh doanh thì cơ hội làm giám đốc của em có cao hay không ?
- PGS.TS Lê Thái Phong - Trưởng khoa Quản trị Kinh Doanh trả lời:
Thầy rất chia sẻ và đồng tình với ước mơ tuyệt vời đó, quốc gia của ta bây giờ là quốc gia khởi nghiệp. Để khởi nghiệp được, để trở thành được những giám đốc thì ta phải học, chương trình học phù hợp nhất có lẽ là Quản trị Kinh doanh. Quản trị Kinh doanh sẽ học gì? Hiện tại trường có đào tạo 3 cấp độ chương trình: chương trình Tiêu chuẩn, chương trình Chất lượng cao và chương trình Tiên tiến. Trong đó, chương trình Tiêu chuẩn tiệm cận với chương trình Tiên tiến, tức là như các chương trình hiện đại nhất được giảng dạy tại các trường nổi tiếng trên thế giới, đương nhiên có Việt hóa.
Các bạn khi học chương trình Quản trị Kinh doanh sẽ được học kiến thức để làm kinh doanh, kĩ năng để làm kinh doanh và các thầy cô sẽ rèn các bạn để có thái độ trở thành nhà kinh doanh. Đặc biệt hi vọng trong năm nay các bạn sẽ được học 4 cái chuyên sâu, trong đó có chuyên sâu thú vị là khởi sự, đổi mới sáng tạo, đổi mới quản trị kinh doanh. Kiến thức liên quan đến khởi nghiệp, xây dựng doanh nghiệp từ đầu sẽ được trang bị đầy đủ.
Tuy nhiên, chia sẻ một cách chân thành, khó có thể trở thành giám đốc ngay lập tức mà quá trình đó dài lâu. Ngoài kiến thức, các bạn phải trải nghiệm, có đam mê và hy vọng các bạn có được bản lĩnh để có thể khởi nghiệp trở thành CEO giỏi trong tương lai.
Nghe nói trường có ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng vậy cho em hỏi Logistic là gì và ra trường sẽ làm công việc như thế nào và ngành này có áp dụng theo phương thức xét tuyển điểm thi THPT Quốc gia hay không?
- PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương - Đại diện Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế:
Chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là chuyên ngành mới của trường Đại học Ngoại Thương năm 2017, 2018 và năm nay là năm thứ 2 tuyển sinh. Có thể nói lĩnh vực Logistics là lĩnh vực “hot topic”: nóng bây giờ và hầu như các doanh nghiệp, cơ quan bộ ngành ở trung ương địa phương rất quan tâm. Logistics là gì, sau này khi theo học sẽ có rất nhiều định nghĩa các nhau, các ngành nghề khác nhau định nghĩa về Logistics khác nhau. Ví dụ hội thảo tư vấn tuyển sinh hôm nay đặt ra câu hỏi ai làm Logistics cho hoạt động này?
Dưới góc độ kinh doanh Logistics được hiểu là các hoạt động quản trị quản lý các dòng nguyên vật liệu, hàng hóa, tài chính từ đầu vào từ khi bắt đầu có nguyên vật liệu đầu vào để tham gia vào quá trình sản xuất, để đưa ra sản phẩm tới tay người tiêu dùng hay các doanh nghiệp theo các mô hình khác nhau. Đó là quá trình phức tạp bởi làm sao người quản trị Logistics phải tối ưu hóa quy trình, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp thì mười là người làm Logistics tốt.
Về cơ hội việc làm, lĩnh vực hot nên 4 năm tới khi ra trường lĩnh vực này cần rất nhiều việc làm, không những cho doanh nghiệp mà cho cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực liên quan ví dụ như bộ Công thương, giao thông vận tải, bộ kế hoạch đầu tư,… Doanh nghiệp có hệ thống Logistics tốt đảm bảo hiệu quả để giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao thế lực cạnh tranh cho sản phẩm và hàng hóa của Việt Nam trên thị trường nước ngoài.
Cơ hội trúng tuyển theo phương thức xét tuyển kết hợp là rất lớn
Trước băn khoăn của nhiều học sinh cũng như các bậc phụ huynh, Tiến sỹ Phạm Thu Hương đã giải thích cụ thể hơn về phương thức xét tuyển kết hợp của trường.
Năm 2018 là lần đầu tiên trường Đại học Ngoại Thương áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp, tất cả các em đăng kí theo phương thức này đều trúng tuyển.
Tuy nhiên đến năm 2019 là năm thứ 2 áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp, đối tượng cũng đã được mở rộng hơn và số các bạn thí sinh có chứng chỉ quốc tế theo dự kiến sẽ tăng hơn so với năm 2018. Nhà trường cũng đã thực hiện khảo sát về các đối tượng tại các trường chuyên và các trường THPT nói chung liên quan đến việc các em đạt được ngưỡng điểm tiếng Anh theo chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập của tất cả các em.
Theo đó, nhà trường dự kiến rằng nếu như các em có đạt được điều kiện đặt ra đối với phương thức xét tuyển kết hợp thì cơ hội trúng tuyển của các em là rất lớn.
Với các em học trường chuyên thì có khả năng trở thành sinh viên trường Đại học Ngoại Thương vào tháng 6. Các em có thỏa mãn điều kiện thứ 1 là học sinh của trường chuyên, lớp chuyên của tổ hợp xét tuyển khi có chứng chỉ quốc tế có thể đăng kí vào chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, bao gồm chương trình Tiên tiến, chương trình Chất lượng cao, chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh ngay khi có kết quả học tập 3 năm vào khoảng cuối tháng 5.
Với các em đăng ký theo phương thức kết hợp giữa điểm thi 2 môn THPT Quốc gia thuộc tổ hợp xét tuyển và chứng chỉ quốc tế thì các em có khả năng trở thành sinh viên của trường vào tháng 7.
Các em chưa cảm thấy hài lòng có thể đăng kí xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia vào tháng 8 theo đúng lịch của Bộ GD&ĐT.
Tiến sỹ Phạm Thu Hương cũng đã giải đáp câu hỏi của một bạn học sinh về vấn đề học phí chương trình đào tạo của trường bao gồm chương trình CLC và chương trình Tiên tiến.
Liên quan đến học phí các chương trình đào tạo, có 3 loại hình chương trình: chương trình tiêu chuẩn, chương trình CLC và chương trình tiên tiến. Tương tự như vậy học phí của các chương trình cũng có mức khác nhau. Hiện nay tất cả các chương trình tiêu chuẩn được xác định trên tín chỉ và học phí tương ứng với tín chỉ các em đăng kí.
Học phí bình quân của chương trình sau khi tính tổng tín chỉ chia đều cho 4 năm: học phí của chương trình tiêu chuẩn hiện nay khoảng trên dưới 18,5 triệu/năm. Đối với chương trình CLC khóa 58 hiện nay học phí dự kiến là 40 triệu đồng/năm. Đối với chương trình tiên tiến là 60 triệu/năm.