Giảng viên kêu gọi phụ huynh hãy tặng phong bì đừng tặng hoa dịp 20/11 và câu chuyện cảm động phía sau
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng là dịp mà cả nước muốn dành trọn sự tri ân tới các thầy cô - những người sớm hôm miệt mài với sự nghiệp trăm năm trồng người, dìu dắt bao thế hệ học sinh vươn tới ước mơ đẹp. Quà cáp dịp này có thể chỉ là yếu tố phụ nhưng luôn khiến mọi người đặc biệt quan tâm. Cả năm mới có một ngày lễ quan trọng, tặng món quà gì để vừa hữu ích lại vừa bày tỏ tình cảm quả là bài toán khó khiến phụ huynh trằn trọc suy nghĩ.
Để giải quyết nỗi khó xử này, rất nhiều bậc phụ huynh đã chọn giải pháp “đưa phong bì”. Nhiều cha mẹ học sinh thẳng thắn thừa nhận, 20/11 nếu không tặng phong bì, họ chẳng biết gửi tới thầy cô món quà gì cho thật phù hợp. Trong khi đó, nhiều thầy cô dù đã cố tình từ chối vẫn khó lòng thoát khỏi món quà liên tục được dúi vào tay hoặc đẩy qua đẩy lại trên mặt bàn kèm theo lời mời mọc rằng đó chẳng qua chỉ là chút quà mọn nhằm mục đích tri ân.
Giữa lúc nhiều người còn đang mải tranh cãi chuyện tặng thầy cô tấm phong bì dịp 20/11 là đúng hay sai thì ở Hà Nội, một giảng viên đã thẳng thắn tuyên bố: “Phụ huynh hãy tặng chúng tôi phong bì đừng tặng hoa”.
Câu khẳng định ấy của thầy Đào Tuấn Đạt (giảng viên ĐH Bách Khoa, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh) đang gây bão mạng xã hội và khiến không ít người tròn mắt ngạc nhiên. Rất may, mọi người ít khi hiểu lầm bởi ngay từ đầu, thầy Đạt đã giải thích rằng mình kêu gọi phụ huynh tặng tiền không phải để làm chiếc ví dày hơn.
20/11 năm nay, Hiệu trưởng trường Anhxtanh muốn có khoảng 656 cái chăn và 85 triệu đồng tiền mặt để tặng học sinh cùng các thầy cô giáo đang công tác ở vùng khó khăn - trường tiểu học xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa (điểm trường ở miền núi xa nhất của tỉnh, nơi tiếp giáp với biên giới Lào).
Món quà này không lớn, nhưng với thầy Đạt, nó như một chút ấm áp gửi tới các đồng nghiệp và các em học sinh ở Pù Nhi nhân ngày nhà giáo Việt Nam. Sau nhiều ngày đăng tải, phong trào này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tinh từ rất nhiều người: Giáo viên trường Anhxtanh quyên góp tiền cá nhân, học sinh bán quà vặt để gây quỹ, thậm chí, có bạn còn lên bờ hồ Hoàn Kiếm hát rong để kiếm tiền mua chăn ấm.
Thầy Đạt cho hay, tâm lý của nhiều người trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thường tặng thầy cô những món quà, bó hoa để tri ân. Tuy nhiên, số tiền mua hoa, mua quà đó có thể dành làm nhiều việc ý nghĩa hơn.
Khoan hãy nói đến câu chuyện làm từ thiện sâu xa phía sau, chúng ta hãy dành thời gian nói nhiều hơn về khẩu hiệu khuyên phụ huynh tặng phong bì của thầy Đạt.
Mâu thuẫn phong bì tồn tại đã lâu nhưng không mấy ai dám dứt khoát đứng lên để giải quyết nó. Rất may, thầy Đạt đã đưa ra một gợi ý đầy nhân văn. Đó là đưa phong bì đi làm từ thiện. Cách làm này khiến người tặng cảm thấy vui khi biết rằng, chiếc phong bì giờ đây không gắn với một trách nhiệm, lợi ích tự thân nào cả… Trong khi đó, giáo viên sẽ dùng chính chiếc phong bì của phụ huynh tặng để chia sẻ niềm vui với đồng nghiệp, học sinh khó khăn nhân dịp 20/11.
Đây không phải là lần đầu tiên thầy Đạt chọn cách ứng xử đẹp như vậy. Cách đó đã vài năm, trường THPT Anhxtanh từng rộ lên trào lưu phụ huynh vác gạo đến trường tặng giáo viên. Những bao gạo này sau đó được đưa đến Tà Lủng (Hà Giang) để làm từ thiện.
Quay trở lại câu chuyện phong bì, thầy Đạt thẳng thắn khẳng định: “Phong bì không có lỗi, lỗi là ở phía người cho hoặc nhận”.
Theo thầy Đạt, bản chất việc đưa và nhận phong bì luôn xuất phát từ 2 phía. Nếu phía người cho tặng phong bì một cách chân thành với ý nghĩa tri ân thì chiếc phong bì gửi đi không hề xấu như nhiều người vẫn nghĩ. “Bởi chẳng phải chúng ta vẫn hay tặng phong bì dịp ma chay hiếu hỉ như một cách góp sức cùng gia chủ hay sao”.
Tuy nhiên, nếu người tặng gắn phong bì với một mục đích tiêu cực nào đó thì món quà tri ân lại biến thành sự đút lót và đó mới là điều xấu cần bài trừ.
Phân biệt danh giới giữa tri ân và xin cho không khó. Tuy nhiên, để triệt tiêu ý định đút lót va muốn nhân đôi niềm vui ngày 20/11, san sẻ khó khăn với những người đồng nghiệp nơi biên cương xa xôi, thầy Đạt đã nhiều năm kêu gọi phụ huynh tặng gạo, tặng phong bì để thay mặt họ làm từ thiện.
Thầy Đạt cũng nói rằng, đây là một cách tốt để giáo dục học sinh về sự chia sẻ và lòng biết ơn. Trong hành trình biến chiếc phong bì, bó hoa tươi ngày 20/11 trở thành điều có ý nghĩa tốt đẹp hơn trong cuộc sống, chính học sinh trường Anhxtanh cũng đóng góp công sức cực kỳ quan trọng.
Tất cả có lẽ chính là hành động xứng đáng được tôn vinh nhiều nhất dịp 20/11.
“Giáo viên không cần một tấm phong bì, họ cần nhiều hơn sự tôn trọng từ xã hội và các bậc phụ huynh”
Sau 1 tuần gây quỹ, 3h sáng ngày 19/11, đoàn từ thiện của trường THPT Anhxtanh Hà Nội đã lên đường tới Mường Lát.
“Tôi cảm thấy xúc động khi học sinh của mình đếm từng đồng tiền lẻ rồi xếp một cách gọn gàng để chuyển lại cho chúng tôi. Tôi mong chuyến thiện nguyện ngày 19/11 sẽ thành công và để lại nhiều cảm xúc“, thầy Đạt chia sẻ.
Có lẽ khi nghe nói đến cuộc sống nơi biên cương, hải đảo, mọi người đều hiểu ở đó còn nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, chúng ta ít khi hình dung ra nó thực sự gian truân đến mức độ nào.
“Phải lên tận nơi, chứng kiến giáo viên đi trên những con đường đất đỏ nhão nhoét, sống tạm bợ trong những ngôi nhà tranh tiêu điều… bạn mới hiểu, hành trình gieo chữ của họ gian nan tới mức độ nào… Chắc chắn, phải yêu nghề lắm họ mới làm giáo viên. Và tôi nghĩ không chỉ có họ, tất cả những ai đang làm giáo viên, họ đều rất yêu nghề”.
Thầy Đạt chia sẻ, khi đã quyết định làm giáo viên, không mấy người mộng tưởng tới cuộc sống giàu sang cùng mức lương cao chót vót. Thay vào dó, người giáo viên thường hướng tới cuộc sống bình lặng, đều đều trôi đi với niềm vui tinh thần lớn nhất chính là sự tiến bộ, trưởng thành của các em học sinh.
“Tôi vẫn hay nói vui, giáo viên là nhóm người sống bằng niềm vui tinh thần là chủ yếu. 20/11, người giáo viên cần nhận nhiều hơn sự tôn trọng thay vì chỉ vài ba tấm phong bì”.
Lý do thầy Đạt đưa ra là bởi gần đây, liên tiếp xảy ra những câu chuyện đáng tiếc như giáo viên đánh, xúc phạm hoặc ép học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng… Những vụ việc tiêu cực này đã khiến nhiều người bất mãn, thậm chí mất niềm tin vào điều tốt đẹp ở học đường.
“Tuy nhiên, họ quên mất việc phải phân định rạch ròi giữa đa số và thiểu số. Nhiều người nhìn thấy vụ việc tiêu cực đã đánh đồng và quay sang chỉ trích giáo viên khiến những người tận tâm với nghề cảm thấy chạnh lòng.
Cá biệt hơn, một số giáo viên chỉ vì nghiêm khắc đã có cách xử phạt học sinh mạnh tay và bị quay clip, chụp ảnh tung lên mạng. Câu chuyện khởi điểm có thể chưa có gì căng thẳng nhưng sau đó đã bị đẩy đi quá xa. Nhiều bậc phụ huynh chưa kịp hỏi giáo viên vì sao lại làm thế đã quay ra trách móc, nặng lời, thậm chí còn bắt họ quỳ gối xin lỗi…
Tôi nghĩ giáo viên đa phần đều tốt và mong muốn những điều tốt đẹp cho học sinh, số lượng giáo viên không tốt chỉ chiếm 1 phần trăm rất nhỏ. Tôi hy vọng, phụ huynh hiểu được điều này sẽ không quy chụp, luôn tôn trọng các thầy cô.
Trong ngày 20/11, tôi nghĩ ngoài việc mong học sinh trưởng thành, món quà lớn nhất mà thầy cô hy vọng nhận được chính là sự tri ân trên tinh thần tôn trọng của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội”.