Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Lại phát hiện thêm hàng loạt bài thi bị lỗi ở Đắk Lắk

Nhật Minh (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Mới đây, Hội đồng chấm thi tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện một số bài thi trắc nghiệm có dấu hiệu ‘bất thường’. Bên cạnh đó, trong số hơn 60.000 bài thi trắc nghiệm, có đến hơn 1.450 bài thi bị phần mềm chấm thi phát hiện sửa lỗi.

Theo đó đến sáng ngày 7/7, toàn bộ công tác chấm thi trắc nghiệm trắc nghiệm tại tỉnh Đắk Lắk cơ bản đã hoàn tất. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - Đơn vị chủ trì công tác chấm thi tại tỉnh Đắk Lắk năm nay cho biết, toàn tỉnh có 20.588 thí sinh dự thi với khoảng hơn 60.000 bài thi trắc nghiệm.

Trong số hơn 60.000 bài thi trắc nghiệm, có đến hơn 1.450 bài thi bị phần mềm chấm thi phát hiện sửa lỗi. Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã có những chia sẻ với Vietnamnet: “Bài thi trắc nghiệm năm nào cũng có lỗi. Có thí sinh tô sai mã đề, thậm chí có thí sinh sai số báo danh”- ông Dũng phát biểu.

Cũng theo ông Dũng, những lỗi sai này đa phần bắt nguồn từ chính công tác hướng dẫn thí sinh trước kỳ thi của giáo viên: “Do cụm thi Đắk Lắk có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, các em tô sai mã đề, số báo danh là chuyện bình thường”, ông Dũng thẳng thắn nhìn nhận.

Đa phần những “dấu hiệu bất thường” đều xuất phát từ lỗi của thí sinh. Ảnh: Thanh Hùng/Vietnamnet

Cũng theo Tuổi Trẻ, trong quá trình quét bài thi trắc nghiệm tại hội đồng thi Đắk Lắk, tỉnh cũng đã phát hiện một số trường hợp bất thường. Ban thư ký hội đồng thi đã cung cấp danh sách thí sinh vắng thi, có mặt dự thi chưa chính xác như: Thí sinh có tên trong danh sách dự thi nhưng thực tế trong danh sách thu bài lại không dự thi, phần mềm báo thí sinh vắng thi nhưng trong danh sách thu bài lại có dự thi và có ký nộp bài,…

Ngoài ra còn có tình trạng phần mềm nhận dạng ảnh phiếu chưa chính xác, các phiếu lệch không báo đúng số câu lỗi, trong quá trình làm phần mềm không báo mà chỉ phát hiện bằng khung bao đỏ ở dấu nhận dạng mép dưới của phiếu trả lời trắc nghiệm… Tất cả những “dấu hiệu bất thường” trên đều được ghi nhận và xử lý kịp thời, không ảnh hưởng nhiều đến công tác chấm thi cũng như kế hoạch dự kiến của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk.

Thí sinh hoàn thành môn thi tiếng Anh tại điểm thi trường THPT Lê Duẩn, TP. Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Trung Tân/Tuổi Trẻ

Theo quy trình chấm thi trắc nghiệm mà Bộ GD-ĐT ban hành, việc chấm thi vẫn được thực hiện theo 4 bước, bao gồm quét ảnh, đọc ảnh, sửa lỗi và chấm thi. Chính vì thế, sửa lỗi bài thi trắc nghiệm là một khâu trong chấm thi thuộc trách nhiệm của các đơn vị được giao.

Để tránh tình trạng gian lận thi cử như năm 2018, trong năm 2019, phần sửa lỗi này sẽ được thực hiện chỉ sau khi sinh ra đĩa CD1. Kết quả sửa, biên bản tự động cùng với bản sao cơ sở dữ liệu tại thời điểm đó được mã hóa tạo thành đĩa CD2 gửi về Bộ GD-ĐT. Toàn bộ đĩa CD1 và đĩa CD2 chỉ có Bộ GD-ĐT mới có thể giải mã được trong trường hợp cần chỉnh sửa, kiểm tra và giải quyết khiếu nại.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Nhật Minh (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất