Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Ký túc xá trường Đại học: Vừa ở vừa run

Ký túc xá của nhiều trường đại học cũ kĩ, xuống cấp. Cuộc sống sau giảng đường của sinh viên nơi đây chật hẹp, bí bách. Tường bong tróc, nứt vỡ có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Cuộc sống xoay quanh chiếc giường 2,6m2

Ký túc xá của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội nhiều phòng chỉ gần 20m2 nhưng vẫn phải ở 8-10 người. Sơn trên tường bong tróc, trần ẩm mốc...

Ký túc xá Trường ĐH Giao thông vận tải có 5 tòa nhà, 2 trong số đó được xây dựng từ những năm 1970. Bước chân vào tòa nhà là thấy dãy quần áo của sinh viên phơi dọc hành lang. Tầng 1 được quây kín bằng các khung sắt giống “chuồng cọp” tại các khu tập thể cũ của Hà Nội.

Mặt trước của các toà nhà từ tầng 2 chỉ có tường lan can cao đến ngang thắt lưng sinh viên, để thoáng nhưng mặt sau của mỗi phòng lại được bọc kín bằng các khung sắt. N.T. H, sinh viên năm thứ nhất đang ở tại đây, cho biết phòng mình có 4 giường tầng và có 7 chị em ở. Phòng rộng chừng hơn 30m2, 4 chiếc giường tầng kê sát tường, khoảng không ở giữa sinh hoạt chung.

Quần áo, chăn màn, sách vở, bàn học đều chứa hết trên chiếc giường cá nhân 2,6m2. N.T.H cho biết, mỗi tháng chỉ phải chi trả 120.000 đồng, còn tiền điện, nước theo mức sử dụng.

Với N.T.H, sinh hoạt trong kí túc xá như thế là ổn vì dẫu sao mỗi phòng đều có công trình phụ khép kín, không phải dùng chung.

Ký túc xá trường Đại học: Vừa ở vừa run Ảnh 1
Tường phòng ký túc xá ĐH Giao thông vận tải bong tróc, nứt vỡ có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Ảnh: Nghiêm Huê

Đầu năm nay, trong nhiều hội nhóm của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, sinh viên liên tục phản ánh về chất lượng ký túc xá ở một tòa nhà xuống cấp trầm trọng. Nhiều sinh viên than thở: điều hòa bị hỏng giữa tiết trời nóng nực, phải thay thế bằng quạt giấy, wifi chập chờn, thường xuyên bị mất điện... Đặc biệt, nguồn nước có hiện tượng đục ngầu, thậm chí xuất hiện giun.

Bên cạnh việc miễn giảm học phí để đảm bảo cơ hội tiếp cận tri thức, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa vẫn cần được quan tâm đến nơi ăn chốn ở khi về thành phố học tập.

Không đủ kinh phí

Ký túc xá Trường ĐH Giao thông vận tải có chỗ ở cho 1.700 sinh viên. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, hiện nay tòa nhà A4 và mặt trước tòa nhà A1 đang được trát lại tường, làm lại hệ thống điện nước, chưa có điều kiện để xây mới. Nguồn kinh phí sửa chữa hai tòa nhà trên do Bộ GD&ĐT cấp.

Theo PGS Nguyễn Thanh Chương, nhà trường không có kinh phí và không thể xã hội hóa do trường chưa tự chủ. Mức thu 120.000đồng/tháng/sinh viên hiện nay là đang thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, tạo điều kiện cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; chưa đủ để chi trả cho đội ngũ quản lí, vận hành ký túc xá.

Ký túc xá Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên (Thái Nguyên) được sử dụng từ năm 2011. Công trình có 6 dãy nhà 5 tầng, 40 phòng/dãy nhà, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.000 sinh viên. Theo phản ánh của nhiều sinh viên, đường ống nước bị rò rỉ, hệ thống quạt trần hoàn toàn không thể sử dụng, cửa gỗ mối mọt, nền nhà vệ sinh bị thấm nước, lan can cầu thang lung lay, tường rêu phong, bong tróc…

Nhưng do hỗ trợ sinh viên khó khăn nên hiện nay mức thu với mỗi sinh viên rất thấp chỉ 80.000 đồng/tháng tiền phòng, tiền điện 2.500 đồng/số và tiền nước 11.000 đồng/khối. Mức thu này chỉ đủ để chi trả lương cho cán bộ, thuê thu gom rác thải và sửa chữa hư hỏng tạm thời.

Năm 2022, Trường ĐH Nông lâm đã bố trí kinh phí khoảng 300 triệu đồng để ưu tiên sửa chữa những hạng mục xuống cấp nặng nhất. Nhưng để sửa đồng bộ khu ký túc xá này thì chỉ tính riêng mỗi dãy nhà, kinh phí cần đầu tư đã gấp 5-6 lần con số 300 triệu đồng ở trên.

TPHCM: Ký túc xá tiện nghi

TPHCM hiện có hơn 50 ký túc xá (KTX) của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, cung cấp hàng chục ngàn chỗ ở cho sinh viên, học viên. Nhiều sinh viên lựa chọn ở KTX vừa gần trường, chi phí rẻ, phòng ở đầy đủ tiện nghi, thay vì chật vật tìm phòng trọ vừa mất thời gian vừa tốn kém hơn.

Năm học 2022 - 2023, Trung tâm KTX ĐHQG TPHCM có hơn 38.000 sinh viên sinh hoạt nội trú. Mỗi phòng ở KTX đều được trang bị tủ quần áo, bàn, ghế, nhà vệ sinh sạch sẽ với nhà tắm và nhà vệ sinh riêng cho mỗi phòng. Hiện nay, KTX này có 6 loại phòng ở, gồm: phòng 8 sinh viên (160.000 đồng/người); phòng 6 sinh viên (215.000 đồng/người); phòng dịch vụ 4 sinh viên (500.000/người); phòng dịch vụ 2 sinh viên (925.00 đồng/người); phòng dịch vụ 4 sinh viên có máy lạnh, rèm (740.000 đồng/ người); phòng dịch vụ 2 sinh viên có máy lạnh, rèm (1.345.000 đồng/ người). Với chi phí này cộng thêm tiền điện, nước sinh hoạt khoảng 50.000 - 100.000 đồng/người, nhiều sinh viên cho rằng khá rẻ và hợp lý.

Tại KTX Trường Đại học Bách khoa TPHCM, tuy hoạt động hơn 12 năm nay nhưng phòng ốc, môi trường còn khá tốt. Ông Nguyễn Tấn Phúc, Giám đốc KTX ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết, hiện có khoảng 2.000 sinh viên đang ở tại KTX. “KTX được xây dựng kiên cố, có tầng hầm, nhà cộng đồng và được vận hành như một chung cư với 24 nhân sự, không tính đội ngũ vệ sinh thuê bên ngoài”, ông Phúc nói và cho biết, do vận hành theo mô hình chung cư nên việc quản lý sinh viên khá thuận tiện, vệ sinh sạch sẽ và an ninh.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tiền Phong

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm