Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Trường đại học chấm thi có khắc phục được tiêu cực?

Theo Gia đình và Xã hội Theo dõi Saostar trên google news

Để tránh việc hàng loạt bài thi trắc nghiệm được nâng điểm như năm 2018, Bộ GD&ĐT đã giao cho 63 trường đại học đảm nhiệm chủ trì khâu chấm thi tại 63 cụm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Để hạn chế gian lận điểm thi, Bộ GD&ĐT đã giao 63 trường đại học chấm thi trắc nghiệm tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2019

Giao chấm thi cho trường đại học chủ trì

Bộ GD&ĐT vừa giao nhiệm vụ tổ chức thi THPT Quốc gia 2019. Trong đó, Bộ GD&ĐT giao cho các trường đại học, học viện, cao đẳng thực hiện tổ chức thi, chấm thi. Theo đó, Bộ giao các trường đại học, học viện, cao đẳng, các trường đào tạo giáo viên, phối hợp với các Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019 theo đúng quy định của Quy chế thi và xét tốt nghiệp THPT hiện hành. Kỳ thi năm nay có tổng cộng 63 cụm thi tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Đáng chú ý nhất là 3 cụm thi liên quan tới tiêu cực điểm thi năm 2018, Bộ GD&ĐT đã giao cho các trường phối hợp và chấm thi trắc nghiệm tại đây.

Cụ thể, tại cụm thi Hà Giang, Sở GD&ĐT Hà Giang phối hợp với Trường ĐH Thái Nguyên, ĐH Điện lực tổ chức thi, Học viện Kỹ thuật Quân sự chủ trì chấm thi trắc nghiệm cho các thí sinh tại cụm thi này. Tại cụm thi Sơn La, Sở GD&ĐT tỉnh này sẽ phối hợp với 6 trường ĐH, CĐ trong tổ chức thi, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm chủ trì chấm thi trắc nghiệm cho các thí sinh tại cụm thi này. Còn ở cụm thi Hòa Bình, Sở GD&ĐT tỉnh này sẽ phối hợp với Trường ĐH Hà Nội, Học viện Hậu cần, Học viện Chính sách và Phát triển và Học viện Phụ nữ Việt Nam để tổ chức thi. ĐH Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm chấm thi trắc nghiệm tại cụm thi này.

Hiện tại, các địa phương cũng đã rà soát cơ sở vật chất, tổ chức tập huấn, quán triệt công tác tổ chức thi nhằm nâng cao hiệu quả, phòng chống gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Theo Bộ GD&ĐT, tại kỳ thi sắp tới sẽ có nhiều bổ sung, điều chỉnh, trong đó quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi tại Điểm thi và Hội đồng thi. Đặc biệt, các bài thi của thí sinh sẽ được mã hóa, lắp đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Chất lượng (Bộ GD&ĐT): “Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để đảm bảo tổ chức theo quy trình chặt chẽ. Năm nay, phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ được tăng cường bảo mật theo hướng có muốn gian lận cũng khó mà gian lận được. Các khâu trong quá trình chấm trắc nghiệm cũng được mã hóa với công nghệ mới; tiến hành đánh phách điện tử, phân vai trách nhiệm các cá nhân tham gia kỳ thi cụ thể, rõ ràng. Công tác mã hóa dữ liệu chỉ cho phép những người được giao nhiệm vụ mới có thể xem được dữ liệu, đảm bảo có lọt ra ngoài cũng không thể can thiệp được để chỉnh sửa”.

Máy móc vẫn không thể thay thế con người

Thông tin Bộ GD&ĐT tiếp tục giao cho các trường đại học tham gia công tác tổ chức thi trong đó có coi thi, chấm thi… được dư luận hết sức quan tâm bởi tại kỳ thi năm 2018, tiêu cực cũng đã xảy ra ở một số địa phương như: Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang. Trong đó, công tác tổ chức thi và tham gia khâu giám sát chấm thi cũng được giao cho các trường đại học. Thậm chí, đã xảy ra sự việc 2 cán bộ của ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) vắng mặt trong buổi quét bài thi trắc nghiệm khi tham gia công tác thanh tra chấm thi tại Hà Giang.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 Bộ GD&ĐT cũng đã giao cho các trường đại học tham gia công tác coi thi, chấm thi ở các địa phương, tuy nhiên tiêu cực vẫn xảy ra. Năm nay, Bộ tiếp tục giao cho các trường đại học chủ trì, về mặt lý thuyết có thể hạn chế được tiêu cực nhưng thực tế máy móc vẫn có thể can thiệp bởi con người, như năm 2018 chẳng hạn, vẫn có người vào phòng chấm thi để nâng điểm thi.

“Về mặt lý thuyết, các trường đại học được cử tới cụm thi là địa phương nào đó để coi thi, chấm thi sẽ là không liên quan đến địa phương, đảm bảo khách quan không vì thành tích địa phương, con em quen biết để dẫn đến tiêu cực như đã từng xảy ra năm 2018. Tuy nhiên, thực tế cũng chưa thể khẳng định được là đại học làm tốt hơn phổ thông, mà là vấn đề con người quyết định tất cả. Với những con người tiêu cực họ vẫn tìm cach nào đó để can thiệp vào điểm số. Vì thế, để hạn chế tiêu cực điểm thi còn phải làm rất nhiều thứ minh bạch, chặt chẽ hơn”, GS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Dù khẳng định kỳ thi THPT Quốc gia 2019 quy trình, kỹ thuật trong tổ chức thi đã được khắc phục, song Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thẳng thắn cho rằng: “Kỹ thuật, công nghệ có tốt đến đâu nhưng con người tham gia vào công tác làm thi mà không tốt, cố ý vi phạm thì sai sót vẫn có thể xảy đến. Do đó, trong các cuộc họp chuẩn bị cho kỳ thi năm nay tôi luôn đặc biệt yêu cầu ngành Giáo dục và đề nghị các địa phương, bộ, ngành liên quan phải lựa chọn cán bộ có năng lực, trách nhiệm, phẩm chất chính trị tốt để tham gia làm thi. Phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công”.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ diễn ra từ ngày 24 - 27/6, tham dự kỳ thi, để được công nhận tốt nghiệp, các thí sinh sẽ phải làm 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (Vật Lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa Lý, Giáo dục Công dân). Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019. Trong đó, có hơn 653.000 thí sinh đăng ký lấy kết quả để xét tuyển đại học.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Gia đình và Xã hội

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?