"Thiếu Niên Nói 2021" được xem là nhịp cầu để các vấn đề của gia đình, nhà trường và xã hội được nói lên dưới góc nhìn và cảm xúc của các em học sinh, tạo điều kiện để các em được tôn trọng, lắng nghe hướng đến 1 cuộc sống tự tin và tích cực hơn.
Mỗi thiếu niên đứng trên "bục dũng khí", bộc bạch cảm xúc từng được giấu kín trước bạn bè, thầy cô, cha mẹ quả thật rất đáng để khen ngợi. Bởi lẽ, việc các em đứng trước rất nhiều người để nói lên suy nghĩ, thậm chí có cả những điều chưa từng được tiết lộ là "dũng khí" không hề nhỏ.
Qua những câu chuyện của các bạn, khán giả được nhìn thấy bức tranh đa màu về tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò, tư duy của thanh thiếu niên về các vấn đề xã hội... một cách chân thật, gần gũi.
Tập 3 "Thiếu Niên Nói 2021" khép lại đã mang đến cho quý khán giả những cảm xúc đặc biệt qua những câu chuyện của 5 bạn học sinh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM). Trong đó, những câu chuyện liên quan đến môi trường học đường dưới đây sẽ khiến nhiều người, nhất là lứa tuổi học trò được nhìn thấy chính bản thân mình.
Học sinh cuối cấp và câu chuyện "Thi Đại học"
Trước ngưỡng cửa thi Đại học, những học sinh cuối cấp đang đau đầu lựa chọn khối thi, ngành học và ngôi trường sẽ gắn bó suốt 4 năm. Tuy nhiên, ở thời điểm này, các cô cậu học trò ấy cũng phải đối diện với những câu hỏi đầy tò mò và không mang chút thiện chí nào như: "Thi khối nào? Chọn Đại học gì? Sao không chọn khối kia mà lại chọn khối này?".
Là người vướng mắc phải vấn đề này, cô bạn Ngô Tường Vy, lớp 12CV, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) đã đứng trên "bục dũng khí" bày tỏ hết những nỗi niềm thầm kín mà một học trò chọn thi khối C (Văn - Sử - Địa) phải chịu đựng so với các bạn học và ôn thi ở những khối khác.
Năm nay, Tường Vy cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa đang phải đứng trước những quyết định trọng đại trước ngưỡng cửa mới cuộc đời. Theo đó, Tường Vy dự định sẽ thi vào ĐH Luật TP.HCM, với ngành học này, cô bạn phải đầu tư học tập ở các môn thuộc khối C (Văn - Sử - Địa).
Tuy nhiên, điều khiến nữ sinh cảm thấy trăn trở chính là những câu hỏi: "Tại sao 10X không chọn lựa môn Toán, môn Anh? Tại sao lại chọn thi Văn - Sử - Địa?". Thậm chí một số người còn hỏi những câu khó nghe: “Có phải thi Văn - Sử - Địa là do dốt Toán - Lý - Anh chăng?”.
Bên cạnh đó, 10X cũng chia sẻ nỗi niềm mà nhiều bạn chọn lựa các môn xã hội đang phải đối mặt. Đó là những phán xét khá phiến diện như: Khối xã hội không tìm được công ăn việc làm ổn định, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay.
Điều này Tường Vy mất một khoảng thời gian dài để bận tâm. Thậm chí, cô bạn nhiều lần suy nghĩ liệu rằng có nên chuyển khối thi để tránh "lời ra lời vào" hay không?
Thế nhưng ở giữa thời điểm tâm hồn đang “giông bão” như thế, Tường Vy may mắn nhận được những lời khuyên đầy chân tình từ cô chủ nhiệm trên lớp.
“Con đừng có như vậy, Văn - Sử - Địa hay Toán - Lý - Hóa đều là quan trọng, chúng ta không thể nào bắt một con cá leo cây bởi vì điều đó khiến cả đời nó cũng sẽ không nghĩ rằng nó biết bơi”, lời khuyên thiết thực mà nữ sinh Tường Vy nhận được từ giáo viên của mình.
Chính câu nói này đã khiến Tường Vy suy nghĩ lại và quyết theo đuổi môn học mà mình yêu thích, môn học mà nữ sinh xem là thế mạnh.
Áp lực vì học song song 2 trường theo ý muốn của mẹ
Tại "bục dũng khí" của Thiếu Niên Nói 2021, nam sinh Nguyễn Lê Thiên Minh (lớp 11A2, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) đã có những chia sẻ thẳng thắn với mẹ về chuyện học song song cùng lúc nhiều chương trình. Đây cũng là trường hợp mà rất nhiều cô cậu học sinh khác đang gặp phải.
“Mẹ ơi, con chỉ muốn học một trường cấp 3 thôi, con không muốn học hai trường nữa đâu”, câu nói này của nam sinh khiến tất cả lặng im.
Được biết, do mẹ của Thiên Minh muốn con trai mở mang nhiều kiến thức nên bên cạnh mái trường Nguyễn Thượng Hiền thì mẹ của anh chàng còn đăng ký thêm một trường trực tuyến khác.
Việc này được bắt đầu từ năm lớp 10, ở thời điểm đó chương trình học còn khá nhẹ nhàng nên Thiên Minh có thể “gánh” được. Tuy nhiên khi lên đến lớp 11 thì lịch học cả hai trường ngày một dày đặc dẫn đến việc nam sinh rất khó để cân bằng việc học. Nam sinh dần dần không còn thời gian để tập trung vào ước mơ trở thành bác sĩ mà cậu mơ ước từ lâu.
Sau khi nghe xong phần phát biểu của con trai, mẹ Thiên Minh cho biết vẫn giữ ý kiến của mình… tức là không bắt buộc nam sinh phải học tập trung vào ngôi trường trực tuyến giống như ở trường THPT Nguyễn Thượng Hiền mà thay vào đó, anh chàng hãy xem ngôi trường thứ hai này như là một quyển sách mở, có thể tham khảo, tiếp thu những kiến thức mới vào những lúc cần thiết.
Mọt sách không có nghĩa chỉ biết học và học
Nam sinh Chu Đình Nam đến lớp 11A4, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) đã mang đến "làn gió mới" cho "Thiếu Niên Nói 202" câu chuyện về một "mọt sách".
Nam sinh với tính cách hài hước khẳng định, bản thân cậu là một "mọt sách", thế nhưng, trái với suy nghĩ của nhiều người "mọt sách" chỉ biết đến học và học thì Đình Nam lại biết nhiều hơn thế nữa.
“Em đứng đây để nói mọi người biết rằng một con người học giỏi không có nghĩa là người ta không biết làm việc gì hết mà đơn giản là người ta còn chứa rất nhiều điều tiềm ẩn bên trong và có thể bung ra”, Đình Nam nói.
Đình Nam kể, thú vui của nam sinh là nhảy vu vơ chứ không phải là nhảy chuyên nghiệp. Anh chàng cũng tự nhận mình là “mọt sách” và thường xuyên chịu nhiều ý kiến cũng như là những lời châm chọc từ nhiều người xung quanh. Thậm chí 10X còn bị cho là chẳng biết làm gì trong các hoạt động phong trào, suốt ngày chỉ cặm cụi với sách vở, bài tập.
Chính vì thế nên khi lên cấp 3, Đình Nam đã tham gia vào hoạt động công tác Đoàn của trường. Cũng chính trên bục dũng khí, Đình Nam tự tin khẳng định: “Mình, Chu Đình Nam, không đơn giản là một người học giỏi mà là một con người biết làm công tác Đoàn, biết tham gia phong trào, biết nhảy nhót, biết hát, và nhiều hơn nữa,…”.
Sau phần chia sẻ, nam MC Xuân Nghị hài hước bước ra và bất ngờ trước lực lượng fan hùng hậu mà Đình Nam mang đến Thiếu Niên Nói. Nhận xét về người bạn của mình, một nữ sinh cho biết trước khi là Đình Nam hòa đồng, hoạt bát thì anh chàng đã từng có khoảng thời gian “mọt sách”, ít nói, ít giao tiếp với mọi người xung quanh ở năm lớp 10.
Và chỉ đến khi nhận được những lời góp ý từ thầy cô, bạn bè, anh chị, đặc biệt là sau Mùa hoa phượng đỏ thì chàng trai này đã có những thay đổi nhất định, từ đó hòa nhập hơn với bạn bè trên lớp cũng như là tham gia vào các hoạt động tập thể ngoài giờ học chính thức.
* Cùng đón xem Thiếu Niên Nói 2021 và cập nhật những thông tin mới nhất về chương trình tại SAOStar. Chương trình sẽ được lên sóng lúc 20h30 thứ năm hằng tuần trên kênh VTV3.