Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, lễ khai giảng được tổ chức vào ngày 5/9 trên cả nước.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 8, toàn ngành có hơn 25,2 triệu học sinh, sinh viên. Cả nước có 53.979 cơ sở giáo dục; hơn 1,65 triệu giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động.
Như vậy, sáng nay (5/9), hơn 25 triệu học sinh, sinh viên cả nước chính thức bước vào khai giảng năm học mới 2024 - 2025.
Ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”.
Như thông lệ mọi năm, trong lễ khai giảng, thầy trò các trường thực hiện nghi thức chào cờ, hát Quốc ca và nghe đọc thư Tổng bí thư, Chủ tịch nước gửi thầy cô giáo và học sinh, sinh viên, học viên trên cả nước.
Năm học 2024-2025 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Đây là năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12.
Đây cũng là năm có khối học sinh lớp 12 đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới.
Theo đó, thí sinh dự kiến thi bắt buộc 2 môn Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, thí sinh thi 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại như ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học và công nghệ.
Trong năm học này, ngành giáo dục đứng trước thử thách đổi mới đồng bộ các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, từ khâu giảng dạy tới ra đề, tổ chức tuyển sinh và xét tuyển phù hợp. Ngoài ra là những bài toán cũ, đã tồn tại dai dẳng, như thiếu giáo viên, quản lý dạy thêm, học thêm...
Bên cạnh đó, dự án Luật nhà giáo, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào tháng 10, thông qua vào năm 2025, được kỳ vọng giúp nâng cao vị thế; tạo hành lang pháp lý cho các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, khen thưởng... giáo viên.