Theo đó, các trường tổ chức dạy học chuyên môn dựa trên cấp độ dịch ở từng khu vực, bắt đầu thí điểm học trực tiếp từ 13/12 đến 25/12.
Cấp tiểu học
Cơ sở giáo dục thuộc khu vực dịch cấp độ 1: Học sinh lớp 1 đi học một buổi/ngày, các khối khác tiếp tục học trên Internet. Riêng trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ tổ chức học trực tiếp cho tất cả các khối lớp.
Cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 2: Học sinh lớp 1 đi học một buổi/ngày, mỗi buổi không quá 50% sĩ số học sinh toàn khối.
Cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 3: Học sinh lớp 1 đi học ba buổi/tuần, mỗi buổi không quá 50% sĩ số học sinh toàn khối.
Cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 4: Tất cả học sinh tham gia học tập trên Internet.
Các học sinh đang ở tỉnh chưa về TP.HCM hoặc đang trong khu vực cách ly, phong toả, phải cách ly vì nhiễm bệnh, học sinh bệnh lý nền (xác nhận của bác sĩ) tạm thời chưa tham gia học tập trực tiếp. Học sinh sẽ được nhà trường tổ chức hướng dẫn tự học qua Internet, qua truyền hình và các phương tiện khác.
Về chuyên môn, giáo viên sẽ chủ động phân loại học sinh theo năng lực, tổ chức hướng dẫn các hoạt động học tập theo nhóm, có giải pháp để củng cố, bồi dưỡng kiến thức với những học sinh chưa tham gia học tập trong giai đoạn học trực tuyến hoặc chưa đạt được yêu cầu về phẩm chất, năng lực.
Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu, ngày đầu tiên đi học trực tiếp, không tổ chức dạy học, các giáo viên làm quen với học sinh, hướng dẫn các thói quen phòng dịch Covid-19 tại trường cho học sinh; xây dựng nền nếp học tập cho học sinh; tổ chức khảo sát nhanh để nắm bắt, chia nhóm học sinh...
Những ngày tiếp theo, giáo viên sẽ kết hợp tổ chức ôn tập, củng cố các kiến thức cốt lõi đã triển khai trong giai đoạn học tập trên Internet song song với việc tổ chức dạy học kiến thức mới.
Cấp THCS, THPT
Trường ở địa bàn cấp độ 1: Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần; thời lượng dạy học còn lại (ngoài 30 tiết trực tiếp) của kế hoạch giáo dục nhà trường, các trường sẽ thực hiện trên Internet.
Trường ở địa bàn cấp độ 2: Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần; thời lượng học trực tiếp ưu tiên cho thực hiện chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên Internet.
Học sinh khối 6, 9 và khối 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.
Trường ở địa bàn cấp độ 3: Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần. Với học sinh khối 6, 9 và khối 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần. Các trường không tổ chức các chương trình nhà trường, không thực hiện kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày.
Trường ở địa bàn cấp độ 4: Thực hiện tất cả hoạt động dạy học theo chương trình chính khóa trên môi trường Internet.
Học sinh đang ở tỉnh chưa về được thành phố hoặc đang ở các khu cách ly, phong tỏa, phải cách ly vì nhiễm bệnh, các học sinh bệnh lý nền (có xác nhận của bác sĩ) tạm thời chưa tham gia học tập trực tiếp. Các em sẽ được nhà trường tổ chức hướng dẫn dạy học qua Internet, qua truyền hình và các phương tiện khác.
Từ ngày 27/12, các đơn vị tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm 2 tuần dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Thành phố sẽ căn cứ kết quả tổ chức dạy học sau 2 tuần và tình hình dịch Covid-19, Sở GD&ĐT phối hợp Sở Y tế tham mưu UBND TP.HCM xem xét việc và quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chúc dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.
Dự kiến, thời gian kiểm tra cuối học kỳ I từ ngày 10/1 đến 22/1/2022.