Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Nhiều giảng viên các trường ĐH Top đầu trong nước nằm trong danh sách sử dụng bằng giả do ĐH Đông Đô cấp

Yến Nguyễn (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Mới đây, danh tính nhóm người sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô đã được hé lộ, trong đó đáng chú ý là có nhiều học viên, giảng viên, nghiên cứu sinh của một số trường đại học, học viện top đầu trong nước.

Liên quan đến sự việc trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả gây xôn xao trong ngành giáo dục cũng như dư luận những tháng vừa qua thì mới đây, nhiều chuyên gia đã nêu lên ý kiến và cho rằng, cần công khai danh tính những người sử dụng bằng giả của trường ĐH Đông Đô. 

Nhiều giảng viên các trường ĐH Top đầu trong nước nằm trong danh sách sử dụng bằng giả do ĐH Đông Đô cấp Ảnh 1
Có cần công khai danh tính người sử dụng bằng giả ở ĐH Đông Đô hay không vẫn đang là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm

Mới đây, Tiền Phong bất ngờ hé lộ danh tính nhóm người sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô, trong đó đáng chú ý là có nhiều học viên, giảng viên, nghiên cứu sinh của một số trường đại học, học viện top đầu trong nước.

Cụ thể: "Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 8 trường hợp, ĐH Quốc gia 5 trường hợp, ĐH Huế và Học viện Báo chí - Tuyên truyền mỗi đơn vị có 4 trường hợp… Thống kê từ hơn 20 trường ĐH trên cho thấy, có khoảng vài chục trường hợp sử dụng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của ĐH Đông Đô. Riêng ĐH Huế, ngoài 4 trường hợp làm nghiên cứu sinh hoặc cao học, theo tài liệu mà Tiền Phong có được, còn có 2 giảng viên trường ĐH Luật (thuộc ĐH Huế) trúng tuyển năm 2018 vào lớp Ngôn ngữ Anh văn bằng 2 của trường ĐH Đông Đô. ĐH Quốc gia cũng có 1 giảng viên trúng tuyển vào lớp này".

Nhiều giảng viên các trường ĐH Top đầu trong nước nằm trong danh sách sử dụng bằng giả do ĐH Đông Đô cấp Ảnh 2
Trường ĐH Đông Đô

Tiền Phong dẫn lời GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nói rằng, trường chưa biết xử lý các trường hợp sử dụng bằng giả của trường ĐH Đông Đô như thế nào nên đang chờ quyết định của các cấp có thẩm quyền.

Trao đổi với báo Thanh Niên, GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ) cho biết, ở Mỹ, việc mua bán bằng cấp là tội hình sự. “Tôi ủng hộ việc công khai danh tính những người mua bằng của trường ĐH Đông Đô để chuyện này không thể xảy ra trong tương lai nữa”, GS Trương Nguyện Thành cho biết.

TS Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho rằng khi đã biết chính xác số lượng người được cấp bằng mà không qua đào tạo ở trường ĐH Đông Đô, tiếp theo hoàn toàn có thể xác định danh tính. Việc đối chiếu, kiểm tra có thể dựa trên nhiều dữ liệu như phiếu thu tiền đầu vào, quyết định cấp bằng, danh sách in bằng...

Theo TS Vinh, nên công khai danh tính với những trường hợp biết cái sai ở trường nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua bằng. Thậm chí có thể liệt kê cả cơ quan, trường học mà những người này mua bằng để “chạy” vào. Với những trường hợp không biết chất lượng giảng dạy kém - những người bị lừa - thì không nên công khai. TS Vinh cho rằng công khai ở đây là để răn đe, nhưng trước đó phải được phân loại và phân tích kỹ lưỡng.

Mới đây, Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân tối cao quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường ĐH Đông Đô. Đáng chú ý, VKS tối cao cho rằng theo danh sách thu được tại trường ĐH Đông Đô, có 626 trường hợp được cấp văn bằng 2 tiếng Anh, trong đó mới làm rõ 193 trường hợp không qua đào tạo. 

Kết luận điều tra mới chỉ nêu chung số liệu các trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo mà chưa rõ danh sách cụ thể. Bởi vậy, VKS tối cao thấy cần xác định cụ thể người nhận bằng và trách nhiệm từng bị can với các trường hợp này.

Đối với 60 trường hợp sử dụng bằng giả, cơ quan điều tra mới xác định 25 người (22 người rút hồ sơ dừng chương trình học, 3 trường hợp xin thôi học thạc sĩ, rút kết quả thi nâng ngạch thanh tra viên), do đó VKS tối cao yêu cầu xác định 35 trường hợp còn lại đã sử dụng bằng giả vào việc gì. 

VKS tối cao đề nghị xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức khi sử dụng bằng giả. Các đơn vị thực hiện và thông báo kết quả trước khi kết thúc điều tra bổ sung.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất
Gian nan nuôi dạy cầu thủ của bầu Đức
Tại sao iPhone 17 Air không nên đắt hơn iPhone 17 Pro?