Chia sẻ bên lề buổi tọa đàm “Chặn đứng tiêu cực thi cử - giữ môi trường giáo dục trong sạch” do Báo Lao Động tổ chức ngày 9/8, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GDĐT) thông tin, hiện các đối tượng liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La đã khai nhận hành vi phạm tội.
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ để sớm trả lại điểm thi thật cho thí sinh.
Tại buổi tọa đàm, PV Zing.vn đã có câu hỏi gửi ông Mai Văn Trinh như sau: Sau khi các trường công bố điểm chuẩn, dư luận lại đặt câu hỏi với những thủ khoa đến từ Sơn La, Hòa Bình. Bộ GD&ĐT đang làm gì để trả lại điểm thật cho thí sinh ở 2 địa phương này, thưa ông?
Các đối tượng đã sửa bài thi trắc nghiệm trước khi mang vào máy quét, vì vậy quá trình xử lý sẽ khác.
Trước mắt, chúng tôi chấp nhận kết quả hiện nay để thực hiện việc tuyển sinh của các trường. Đây chỉ là kết quả tạm thời. Vụ việc đang được điều tra, về nguyên tắc, Bộ GD&ĐT không được phép chia sẻ nhiều thông tin.
Hiện tại, các đối tượng đã có lời khai, cũng như đã có danh sách những người có sai phạm. Cơ quan chức năng đang điều tra, dùng các biện pháp kỹ thuật, kể cả công nghệ cao để đưa ra kết luận cuối cùng trong thời gian sớm nhất, trả lại công bằng cho các thí sinh.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ rất quyết tâm, xác định bằng nỗ lực cao nhất về công nghệ và con người để xác minh làm rõ. Có kết quả sẽ đối chiếu trong quy chế để xử lý.
Nhiều thí sinh và phụ huynh cũng có băn khoăn: Sau quá trình điều tra, nếu điểm thi thật được trả lại, thì với những em đã trượt nguyện vọng 1 vì bị thí sinh điểm giả lấy mất cơ hội có được gọi nhập học ở ngôi trường mình từng mơ ước nữa không?, PV Lao động đặt câu hỏi gửi ông Mai Văn Trinh.
Tôi rất chia sẻ với thí sinh, về mặt lý thuyết nó có thể xảy ra. Bình quân mỗi năm có gần 450.000 thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học. Số học sinh đỗ đại học bằng sai phạm để tăng điểm so với con số ấy là không nhiều.
Còn vấn đề được đặt ra thuộc vào quyền của các trường đại học trên tinh thần tự chủ tuyển sinh. Nếu câu chuyện đó xảy ra thì các trường đại học sẽ có ý kiến. Trường nào mong muốn sẽ có trao đổi với Bộ GDĐT, các bộ liên quan như Bộ Công an để có giải pháp.
Qua những bất cập, gian lận của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, kỳ thi THPT quốc gia 2019 Bộ GD&ĐT đã có những kế hoạch gì để kỳ thi trong sạch hơn?, câu hỏi do PV Dân Trí đặt ra.
Thứ nhất, chúng ta đang trong lộ trình, con đường để hoàn thiện hình thức thi tốt nghiệp và tuyển sinh cao đẳng, đại học theo tinh thần của Nghị quyết 29.
Chúng ta cũng đang trong bước chuẩn bị thực hiện chương trình SGK mới với mục tiêu rõ ràng, đó là hình thành phân cấp và năng lực, kéo theo đó là các hoạt động kiểm tra, đánh giá. Kỳ thi THPT quốc gia cũng thuộc trong bước chuyển đó.
Thứ hai chúng ta cũng cần khẳng định, nếu so sánh với trước đây thì kỳ thi THPT quốc gia hiện nay phù hợp. Không có môt phương án thi nào hoàn hảo 100% nhất là trong các điều kiện cụ thể.
Thứ ba, những mặt hạn chế chúng ta đều đã nhìn thấy và phải nghiêm túc, quyết tâm sửa đổi. Có những quốc gia mất 70-80 năm để hoàn thiện hình thức thi.
Về đề thi, chúng ta cần tiếp tục làm giàu ngân hàng câu hỏi, tăng số lượng, chất lượng để phù hợp với tính chất của kỳ thi.