Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Gần 50% bài thi dưới trung bình, sao tốt nghiệp THPT trên 97%?

Theo Tuổi Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

Câu hỏi được Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đặt ra cho Bộ GD-ĐT.

Giáo viên chấm thi THPT quốc gia - Ảnh : NGUYỄN KHÁNH

Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (gọi tắt là ủy ban) đã chỉ ra nghịch lý khó hiểu này trong báo cáo kết quả khảo sát về Kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa được gửi đến các đại biểu quốc hội tại kỳ họp này.

Theo ủy ban, với quy chế của Bộ GD-ĐT, cách tính điểm xét tốt nghiệp (cộng điểm trung bình thi THPT quốc gia và điểm trung bình cả năm lớp 12 rồi chia 2) đang tạo ra nghịch lý: điểm thi THPT quốc gia thấp nhưng kết quả tốt nghiệp lại cao.

“Điều này đang được dư luận xã hội đặt câu hỏi: Điểm học bạ hay điểm thi THPT sẽ phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông? Nếu điểm học bạ đóng vai trò quyết định kết quả xét tốt nghiệp thì có cần tổ chức kỳ thi THPT? Nếu bỏ kỳ thi THPT sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nào tới hoạt động dạy và học?”, ủy ban đặt vấn đề.

Ủy ban trích từ thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, có đến 49% số bài thi của cả 9 môn dưới trung bình.

Trong đó “đội sổ” là môn lịch sử với hơn 83% số bài thi dưới trung bình. Điểm trung bình môn lịch sử cũng ở mức thấp nhất: 3,79 điểm.

Kế đến là môn tiếng Anh có điểm trung bình là 3,91 điểm với 78% số bài dưới trung bình.

Trái ngược với kết quả thi THPT quốc gia, tỉ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc rất cao, đạt 97,57%. Trong đó, tỉ lệ tốt nghiệp của giáo dục phổ thông cao vượt trội đạt 98,36% và giáo dục thường xuyên đạt 88,37%.

Điều này đã “tạo suy nghĩ băn khoăn về vị trí và giá trị của kỳ thi”.

Thống kê kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 trên toàn quốc

“Cách tính điểm để xét tốt nghiệp (lấy trung bình của điểm thi THPT quốc gia cộng với điểm học bạ lớp 12 rồi chia 2) đã tạo nhiều cơ hội để thí sinh được công nhận tốt nghiệp cho dù điểm thi THPT quốc gia thấp. Vì vậy, cần nhìn nhận sâu rõ hơn ý nghĩa của đánh giá quá trình học ở nhà trường và đánh giá qua kỳ thi THPT quốc gia”, ủy ban nêu.

Ủy ban cũng cho rằng điểm thi THPT quốc gia được đánh giá chưa phản ánh đúng thực chất năng lực học sinh nên khó đáp ứng mục tiêu sử dụng xét tuyển đại học, cao đẳng.

Các trường đại học, cao đẳng đa số hiện đang xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, có thể tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng chất lượng đầu vào của các trường đại học, cao đẳng chưa được cải thiện, phần nào ảnh hưởng tới sự công bằng trong tuyển sinh và chất lượng đào tạo.

Ủy ban kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, hoàn thiện phương thức tổ chức Kỳ thi THPT và công tác xét tuyển vào đại học, cao đẳng, công bố lộ trình về đổi mới hình phương thức thi THPT để xã hội được biết.

Đồng thời, bộ cũng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện dần quy chế thi với quy trình chặt chẽ, rõ trách nhiệm của các cá nhân trong tham gia tổ chức kỳ thi bảo đảm để các khâu đều rõ ràng, minh bạch.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Tuổi Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV