Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Gần 127.000 cử nhân thất nghiệp: Sinh viên hãy dừng than vãn nếu từng chê việc vì những lý do trên trời như thế này

Nếu từng chê bai cơ hội việc làm chỉ vì những lý do trên trời giống bài viết dưới đây thì có lẽ bạn đừng nên thắc mắc vì sao mình lại nằm trong số 127.000 cử nhân thất nghiệp hậu tốt nghiệp Đại học!

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý 2/2018 Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa công bố, cả nước hiện có 126.900 người trình độ đại học và trên Đại học thất nghiệp. Tuy đã giảm hơn so với quý 1 nhưng đây vẫn là một mức khá cao và khiến dư luận trăn trở.

Là sinh viên mới ra trường, chắc chắn ai cũng sẽ mong muốn tìm kiếm được một công việc tốt, phù hợp với sở thích và khả năng. Đương nhiên không phải ai cũng may mắn thực hiện được điều đó. Con đường lập nghiệp không hề đơn giản và mọi thứ cũng không trải thảm cho các bạn đi. Có nhiều nguyên nhân khiến bạn không may nằm trong số gần 127.000 cử nhân thất nghiệp, chẳng hạn như: năng lực chưa đủ, chưa có kinh nghiệm, công ty chưa đến đợt tuyển dụng,…

Thị trường lao động đang ngày một mở rộng. Sống trong xã hội hiện đại, bạn có rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Vì thế, trước khi trách cứ nhà trường đào tạo xa rời thực tế, cử nhân thất nghiệp có lẽ bạn phải tự xem xét lại chính mình. Đặc biệt là khi giờ đây nhiều sinh viên chăng những không chăm chỉ học hành, bắt nhịp cuộc sống… mà còn sẵn sàng từ bỏ cơ hội việc làm chỉ vì những lý do “trời ơi đất hỡi”.

Sau tốt nghiệp liệu có là…thất nghiệp?

Chê việc lương cao chỉ vì muốn nhà tuyển dụng… tuyển cả bạn mình

Đó là câu chuyện của bạn N.V.Cường (SN 1996), tốt nghiệp chuyên ngành Dựng phim của trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội. Vừa ra trường nhưng với những kinh nghiệm và kỹ năng đã miệt mài trau dồi trên ghế nhà trường, cậu bạn tìm kiếm một công việc khá tốt. Tuy nhiên, lần nào đi phỏng vấn cũng vậy, yêu cầu của Cường luôn luôn là chuyện đòi hỏi nhà tuyển dụng phải nhận thêm cả bạn thân của cậu.

Cụ thể, mỗi khi nộp CV ở đâu, Cường cũng thường báo cho người bạn trai chơi thân với mình để nộp cùng. Phỏng vấn kết thúc thành công, điều kiện làm việc, lương bổng mà nhà tuyển dụng đưa ra đều ổn thỏa nhưng Cường lại luôn có “yêu sách” muốn họ nhận cả bạn mình dù người này năng lực không tốt cũng như không phù hợp với mục tiêu tuyển dụng nhân sự của công ty mới.

Lý giải về điều này, Cường cho biết cậu và bạn thân làm việc rất hợp với nhau và chỉ khi làm cùng người này, Cường mới có tâm trạng thoải mái để hoàn thành tốt công việc. Cường nghĩ rằng đó là một nguyện vọng chính đáng và hiện nay, yêu cầu công ty phải tuyển cả team-work không có gì xa lạ. Tuy nhiên, có lẽ anh bạn đã không hiểu rằng điều này giống như một “yêu sách” vì bạn của Cường không có nhiều năng lực. Nếu tuyển như vậy, nhà tuyển dụng chẳng khác nào “nuôi” thêm một người chỉ để giữ chân 1 sinh viên mới ra trường là Cường.

Chấp nhận thất nghiệp vì phải có bạn mình làm việc cùng (Ảnh minh họa)

Đáng tiếc dù được bạn bè khuyên nhủ thế nào, Cường cũng không nghe. Cuối cùng, Cường và người bạn thân của mình cũng tìm được một công việc dựng phim ở công ty chuyên thiết kế game, với mức lương chỉ bằng một phần mấy những nơi ứng tuyển cũ Cường từng đến phỏng vấn thành công.

Chê việc vì… nhà xa

Đó là một câu chuyện khác của M.Hoa - Cử nhân báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn. Tốt nghiệp với tấm bằng loại Khá nhưng gần 1 năm sau khi ra trường, cô nàng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Chấp nhận làm trái ngành, Hoa nộp đơn xin ứng tuyển vào vị trí biên kịch TVC Quảng cáo cho một công ty truyền thông.

Trải qua nhiều vòng tuyển chọn gắt gao, may mắn Hoa trúng tuyển vào công ty dù đây không phải là chuyên môn cô theo học. Bạn bè và gia đình sau khi nghe tin này, ai nấy đều mừng cho cô vì cuối cùng sau 1 năm ra trường, cựu nữ sinh đã thoát khỏi cảnh thất nghiệp, “ăn bám” bố mẹ.

Tuy nhiên, tin vui chẳng kéo dài bao lâu khi chỉ vừa đi làm được vài ngày, Hoa đã bỏ việc vì chê công ty xa nhà, đi lại hàng ngày rất mệt mỏi. Cụ thể là công ty cô đóng tại Hòa Lạc trong khi gia đình trú tại quận Cầu giấy (Hà Nội). Mỗi ngày, Hoa phải dậy từ 6h, di chuyển đến điểm đưa đón nhân viên của công ty rồi đi ô tô chung đó đến chỗ làm việc.

Đáng chú ý, môi trường làm việc của công ty không có gì đáng chê và Hoa cũng đang bắt nhịp tốt với công việc nhưng cô lại chọn cách từ bỏ. Lý do được cô bạn đưa ra là vì nghĩ mình còn trẻ, có rất nhiều cơ hội khác. Cử nhân Báo chí thà chấp nhận ở nhà cả năm đợi việc hoàn hảo còn hơn là đi làm xa xôi, mỗi ngày phải dậy sớm từ 6h để di chuyển đến chỗ đợi xe.

Hoa nghĩ rằng bản thân còn nhiều cơ hội làm việc, sẽ không thiếu những công việc hoàn hảo hơn dành cho cô, không phải di chuyển vất vả như vậy. Thời gian này, Hoa vẫn đang trong giai đoạn chờ việc vì muốn chọn được “công việc hoàn hảo” cho mình.

Không có bất cứ công việc nào là hoàn hảo cả (Ảnh minh họa)

Chê việc vì… sợ xấu

Đó là câu chuyện của K.Lâm (sinh viên trường ĐH Thương Mại). Với học lực trung bình và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc nhưng Lâm lại rất kén chọn việc làm thêm. Nhận được công việc part-time là nhân viên phát tờ rơi, Lâm chê bai và từ bỏ nó chỉ sau vài ngày làm việc.

“Số tờ rơi phát được tỉ lệ thuận với số tiền sẽ kiếm được trong tháng. Việc phải đứng giữa trời nắng phát tờ rơi cho người đi đường làm mình rất mệt mỏi”, Lâm chia sẻ.

Sau một tuần làm việc, chàng “công tử bột” luôn miệng kêu ca thấy mình gầy hơn và đen hơn vì phơi nắng. Anh lập tức xin nghỉ việc vì lý do…sợ xấu. Công việc cần dùng tri thức, ngồi làm văn phòng thì Lâm không có đủ kỹ năng. Công việc cần dùng chân tay một chút thì anh kêu ca vì ảnh hưởng đến nhan sắc.

Sau khỉ nghỉ việc phát tờ rơi, Lâm hiện vẫn đang tìm việc. Người ta thường nói, công việc làm thêm thời sinh viên tuy không nói lên được nhiều điều nhưng ít nhất cũng rèn cho các bạn trẻ khả năng chịu đựng áp lực, kinh nghiệm giao tiếp, va vấp với thế giới của người đi làm… Trong khi bản thân chưa có đủ năng lực để tìm được việc tốt hơn nhưng lại sẵn sàng từ bỏ những công việc đang nhận được và luôn “ảo tưởng sức mạnh” như Lâm thì có lẽ, trong tương lai, những người như vậy rất có thể rơi vào top 127.000 cử nhân thất nghiệp chỉ vì tính “kén cá chọn canh”.

Đừng kén cá chọn canh và hãy nắm bắt cơ hội đến với mình

Thiết nghĩ, trong thời buổi việc làm ngày một khó khăn như hiện nay, nếu may mắn tìm được một công việc khá, phù hợp với khả năng của mình, các bạn hãy biết tận dụng cơ hội đó để học hỏi kinh nghiệm và thể hiện bản thân. Đừng vì những lý do “trời ơi đất hỡi” mà bỏ phí mất công việc tốt đến với mình, vì nhiều khi cơ hội sẽ chỉ đến một lần thôi. Không ai biết trước điều gì cả nên đừng phí phạm các bạn nhé!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hà Trang

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm