Mùa hạ mà ta ngóng trông mỗi năm, không ngờ lại tới nhanh như vậy. Tháng 9 hôm nào vẫn còn là sự khởi đầu khắc nghiệt, nay lặng lẽ trôi qua, để lại dấu ấn vội vàng trên từng trang vở.
Quyển sách luyện đề này bạn đã làm xong chưa? Công thức Toán, Lý, Hoá chằng chịt trên vở rồi. Những ý thơ, áng văn vẫn chưa thôi nhảy nhót trong từng giấc ngủ. Nhìn ngọn cỏ ven đường, tôi cũng nghĩ nhẩm ra ngay đặc điểm địa lý nơi mảnh đất đang sống. Chúng ta được dặn rằng, cuộc chiến thi cử trước mắt cam go lắm, chớ lơi là dù chỉ phút giây. Ngày từng ngày vùi đầu vào sách vở, vào những hối hả cho kịp lớp luyện thi, chẳng còn ai màng tới thời gian nữa. Để rồi khi tiếng trống cuối cùng của đời học sinh vang lên, chúng ta mới sực tỉnh. Chỉ khi cảnh cửa thanh xuân ẩn hiện đằng sau chiếc cổng sắt dần khép lại, đám học trò mới giật mình, ngẩn người nhìn quanh.
“Những ngày cuối tháng 5 rực rỡ sắc vàng, bầu trời dường như xanh trong hơn, nắng rực rỡ hơn, phượng vĩ khoe sắc thắm đỏ cả nền trời, bằng lăng tím vươn mình đón hạ. Thời khắc đã điểm, các em sẽ phải đối mặt với kì thi quốc gia đầu tiên. Sau này, mỗi người có một con đường riêng …”.
Lời phát biểu của thầy hiệu trưởng vang lên. Đám trò bỗng đưa mắt nhìn quanh…
Vậy mà hôm đó, đứa nào cũng khóc. Từ những gương mặt đa sầu đa cảm, tới cái lũ nhe nhởn đầu sỏ của mọi trò nghịch, tiếp qua đám vốn lạnh lùng ít nói. Có đứa oà lên nức nở, gục đầu vào vai kẻ ngồi cạnh mà nấc rung lên chẳng ngừng. Dường như mọi xấu hổ về một gương mặt tèm lem nước không xá gì với nỗi buồn mà nó đang phải đối diện. Có đứa ngượng ngùng, giọt nước nóng hổi đã nặng trĩu lăn xuống gò má nhưng vẫn gắng ngoảnh mặt đi chỗ khác, vội vàng kéo lọn tóc che nghiêng như muốn giấu đi mọi điều. Có đứa cố gồng lên để chiến thắng cảm xúc, bởi đang bận vỗ về bờ vai run run kế bên.
Lễ bế giảng ấy, có đôi mắt nào không ướt đẫm, cay xè? Đó vốn chẳng phải điều xấu hổ. Chỉ khi biết bản thân sắp phải tạm biệt những điều quen thuộc, người ta mới dám bộc lộ cảm xúc chân thật nhất. Khi ấy, mấy ai quan tâm suốt 3 năm qua đã bày ra thái độ thế nào với nhau. Đứng trước những giọt nước mắt nghẹn ngào thi nhau lăn dài, cảm xúc chắc hẳn là chân thật. Thật lạ, mới vài tiếng trôi qua mà sự chia xa đã đổ ầm xuống. Tâm trạng ngổn ngang quá.
Này hành lang đó, sẽ chẳng thêm lần nào bước qua. Này góc sân trường kia, sẽ chẳng thêm lần nào tụ tập. Góc căng tin lộn xộn mỗi ngày, sẽ chẳng thêm lần nào góp mặt. Bãi gửi xe chật chội, sẽ chẳng thêm lần nào chờ đợi bóng ai. Từng thứ, từng thứ một dần hiện lên trong trí óc, để rồi cơ hội được lặp lại cái cảm giác quen thuộc từng ngày cứ vỡ tan và bay biến. Dẫu biết 3 năm học vốn chẳng ngắn, nhưng khi 1.000 ngày dài vụt qua như cú búng tay, lũ học trò chỉ biết thở dài.
Người thầy, người cô vẫn nghiêm khắc thường ngày, tay lăm lăm chiếc bút với quyển sổ đầu bài và danh sách kiểm tra đầu giờ quen thuộc, nay bỗng lạ quá. Chẳng còn giọng nói cứng nhắc. Chẳng còn nét mặt “đầy sát khí”. Chẳng còn những lời đe doạ “Không gắng học thì tương lai khó bền”.
Chỉ còn lại lời nói run run. Chỉ còn lại cái ôm, cái vỗ vai, bắt tay chúc lũ trò nhỏ những lời thi tốt, dặn dò đứa này phải mạnh mẽ hơn trong cuộc sống, khuyên bảo đứa kia phải cẩn thận hơn trong mọi quyết định, lắng lo cho sức khoẻ cái đứa vốn bệnh tật ốm yếu. Gạt bỏ hết những ấn tượng tốt, xấu trong suốt hơn 1.000 ngày lên lớp qua, hình ảnh người thầy nay chẳng chút xa lạ.
Sự ấm áp và gần gũi đến vào khoảnh khắc chia xa cũng khiến người thầy phải lén đưa tay lau vội giọt nước lăn khỏi khoé mắt. Thêm một lần đưa đò qua sông, chỉ có người thầy mới phải chứng kiến nhiều sự chia ly đến như vậy.
Chỉ là trong thời gian qua, bộn bề sách vở khiến lũ học trò chẳng có cơ hội hiểu hơn về người lái đò của mình. Mãi tới bế giảng ấy, chúng mới biết cô chủ nhiệm nghiêm nghị thật dễ mau nước mắt, thầy dạy Hoá với những cú lườm cháy bỏng hoá ra thật dịu dàng và ân cần, thầy hiệu phó - người thường xuyên hắng giọng với lũ trò ‘nhất quỷ nhì ma’ - bỗng thích thú hoà mình vào trò nghịch ngày bế giảng của chúng theo cách đầy bất ngờ.
Phải chăng là vì chia xa rồi, nên những điều trước đây vốn chẳng thể thấy, nay cứ lần lượt bày ra trước mắt như một sự trêu tức?
“Cảm ơn mày, vì đã đồng hành cùng tao đi qua bao nhiêu lắng lo, giận hờn của tuổi thanh xuân ấy. Cảm ơn mày, dẫu mang danh là bí thư gương mẫu nhất lớp, nhưng chưa bao giờ quay lưng với tao trong bao phi vụ cúp tiết, ngủ gật, ăn quà vặt, trốn làm bài tập… bất hảo. Cảm ơn mày, vì đã là chỗ dựa tinh thần cũng như là một điểm tựa giúp chính tao có thể tiến về phía trước”.
Từng dòng lưu bút nguệch ngoạc trên giấy trắng. Thật kỳ lạ. Chỉ khi vội vàng í ới nhau, gửi gắm lại những trang lưu bút viết vội, đám trò mới nhận ra mình đã bỏ quên biết bao nhiêu điều. Nhỏ bé thôi, nhưng bỗng hoá to đùng vào cái khoảnh khắc này. Giản đơn thôi, nhưng bỗng hoá nức nở vào giây phút này.
Đưa nét bút ghi lại ký ức đẹp được trên những dòng kẻ, ai cũng cho rằng đó là cơ hội quý báu để cùng nhau nói thật.
“Xin lỗi mày, vì những vô tâm và ganh đua đầy hà khắc bản thân tao đã dựng nên, chắn ngang tình bạn hai đứa trong suốt cả năm vừa qua”.
Chất chứa cả niềm vui, nỗi buồn và tiếc nuối trong dòng lưu bút cuối. Chia xa rồi, việc gặp lại nhau sau đó liệu có dễ dàng và vẹn nguyên cảm xúc như ngày còn sánh vai tới trường. Dẫu cùng, ai cũng phải thay đổi. Chỉ còn lưu bút ở lại, ôm vào trong lòng những cảm giác chân thật nhất của tuổi thanh xuân, trở thành minh chứng cho những tháng ngày mà bạn và tôi cùng nhau đi qua.
Nếu đứa bạn thường ngày chí choé tiến tới và ôm bạn chặt lắm mà chẳng nói gì, hãy cứ hiểu rằng đó là sự bộc lộ thật tâm nhất mà không lời nào diễn tả hết. Nếu có ai đó ngượng ngùng đứng trước bạn và nói rằng “Thực ra, tớ rất thích cậu”, đó chắc hẳn là sự dũng cảm cuối cùng sau những kìm nén đấu tranh dữ dội trong thâm tâm. Không thổ lộ thì sẽ day dứt lắm. Ai biết được nếu sau này có dịp hội ngộ, chúng ta có còn là chúng ta của ngày hôm nay?
Để tạm quên đi gánh nặng thi cử trước mắt. Tập đề luyện thi đang chất đống nơi góc phòng, lịch học thêm sang tuần sẽ dày đặc đấy, công thức này chính ra vẫn chưa nhớ kĩ lắm, luận điểm kia ta vẫn chưa hiểu sâu. Trăm ngàn những lắng lo, nhưng ngay lúc này, điều quan trọng nhất đang hiện diện trước mắt. Là khoảnh khắc cuối cùng khoác lên người tà áo dài trắng, hay sơ mi đóng thùng với chiếc phù hiệu ngực. Là bịn rịn giây phút dâng trào khi bè bạn còn bên nhau, phía trước là bóng người thầy mến thương, xa xa là những dáng hình cười đùa quen thuộc. Rồi ngẩng đầu lên, chẳng thấy lo toan, âu sầu đâu, chỉ thấy tán bàng già vẫn cần mẫn vươn mình đón nắng, phượng vẫn đó hun đỏ rực một vòm trời.
Và, để giữ lại nụ cười rạng rỡ của ngày bế giảng. Dù tâm thế chênh vênh thật, nhưng đó lại là sự bồi đắp cho tinh thần thêm mạnh mẽ đương đầu với những thử thách nơi môi trường xa lạ trước mắt. Mà khó quá. Mình cũng sắp khóc mất rồi, sợ lỡ đâu lại gục đầu nức nở trên vai cậu bạn mình thích, hay éo le hơn là đứa mình ghét nhất…
Cuộc hành trình nào có khởi đầu, rồi cũng sẽ có kết thúc. Dù không cùng nhau ghé chung một chuyến tàu dài, nhưng nơi thanh xuân tại toa số 17 năm ấy, chúng ta đã có cho nhau những ký ức thật đẹp, đã trở thành một điểm nhấn khiến suy nghĩ trong mỗi đứa thay đổi. Tháng 5 nào cũng trôi qua như vậy, vẫn khiến người ta bất ngờ khi nhìn lại, và ngậm ngùi nhớ về một thanh xuân nông nổi nhiều nuối tiếc dở dang.
“Thanh xuân ơi hãy ở lại nhé, đã tới lúc tôi phải bước tiếp rồi”.