Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Điều gì tạo nên những đứa trẻ thông minh nhất thế giới?

Theo Tuổi Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

Những người trẻ mà loạt hồ sơ này vừa mang tới cho bạn đã giành các giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi khoa học danh giá dành cho lứa tuổi của mình.

“Yếu tố khiến họ trở thành khác biệt chính là sự toàn tâm toàn ý, siêng năng và nghị lực mạnh mẽ.”

Không ít người đã được vinh danh trong các danh sách “20 người dưới 20 tuổi” hay “30 người dưới 30 tuổi” xuất sắc nhất của các tạp chí hay tổ chức xếp hạng uy tín. Khi đọc những câu chuyện về họ, rất nhiều người muốn biết điều gì đã vun trồng nên tài năng đặc biệt của họ?

Những người giải quyết vấn đề

Điều khiến cho mỗi cá nhân trong số những bạn trẻ thông minh nhất thế giới này trở nên quá đỗi thông minh không chỉ là bảng thành tích học thuật ấn tượng, mặc dù điều đó là sự khẳng định không thể chối cãi về trí tuệ.

Tuy nhiên điều khiến các bạn trẻ này trở nên đặc biệt nổi bật trong thế giới những người thông minh là bởi họ không chỉ thông minh về lý thuyết, mà họ còn biết ứng dụng sự thông minh và kiến thức nắm được theo vô số cách thực tiễn, hữu ích và kỳ diệu khác.

Quan trọng hơn, sự ứng dụng ấy đều góp phần giải quyết cho một vấn đề trước mắt, hoặc đặt nền tảng cho phương pháp giải quyết những vấn đề lâu dài của cộng đồng xung quanh cũng như của nhân loại.

Hầu hết họ đều là các nhà phát minh truyền thống, bởi họ đã sáng tạo ra những loại sản phẩm hay quy trình xử lý nào đó giống các nhà phát minh. Như cô bạn Keiana Cave, nay đã 20 tuổi, nhưng từ năm 15 tuổi Cave đã nghiên cứu độc lập về sự cố tràn dầu của Hãng BP và tập trung theo hướng sử dụng công nghệ nano tại ĐH New Orleans.

Trước nghiên cứu của Cave, các phương pháp được sử dụng để dọn dẹp dầu loang đã không tính tới các chất gây ung thư, và chính Keiana đã phát minh phân tử chống chất gây ung thư trong quá trình xử lý, khắc phục sự cố tràn dầu và được cấp bản quyền sáng chế.

Em Marley Dias bên những cuốn sách mong muốn của mình - Ảnh: SMITHSONIAN MAGAZINE

Họ cũng là những người đã tìm ra các giải pháp hỗ trợ ứng phó tình huống nan giải về y học và kinh tế. Đó là trường hợp của Shubham Banerjee, 17 tuổi, người Mỹ, từng khiến cả thế giới “sốc” khi ở tuổi 12 đã phát minh loại máy in chữ nổi Braille vừa rẻ tiền, vừa có thể mang theo người là Braigo (ghép từ hai chữ “braille” và “Lego”) cho người mù được lắp ráp từ các khối đồ chơi Lego trong một dự án khoa học ở trường.

Mỗi người trong số họ đều nhìn thấy một vấn đề nào đó đủ khiến họ tò mò, bứt rứt hoặc thú vị tới mức sẵn sàng dành thời gian, tâm sức và cả tiền bạc để tìm hiểu, khám phá. Và trong nhiều trường hợp, họ còn tìm ra được giải pháp cho vấn đề đó. Thế nên, có lẽ chính xác và quan trọng hơn khi gọi họ là những người giải quyết vấn đề.

Mỗi người giải quyết theo cách của mình

Không thể tìm ra một cuốn sách muốn đọc ư? Vậy hãy tìm ra cách thay đổi thực tế này thay vì ngồi đó than thở với thầy cô, cha mẹ, như cách cô bé Marley, năm nay 14 tuổi đã làm. Là một cô bé da màu, Marley sớm nhận ra rằng rất khó để em tìm được một cuốn sách có những nhân vật chính da màu gần gũi với mình, khi toàn thấy sách về các nhân vật da trắng.

Thế là ở tuổi 11, Marley phát động chương trình sưu tập và quyên tặng 1.000 cuốn sách có các nhân vật chính là người da đen.

Và không chỉ tìm được 1.000 cuốn, Marley thậm chí đã nhận được gấp 10, với hơn 10.000 cuốn sách nói về những người phụ nữ da đen giống em.

Chiến dịch #1000BlackGirlBooks của Marley đã đưa cô bé tới Hội nghị thượng đỉnh của phụ nữ Mỹ do Nhà Trắng tổ chức và năm 2017 em được vinh danh trong danh sách “30 under 30” (30 người dưới 30 tuổi) xuất sắc của tạp chí Forbes. Và điều thú vị là cuốn sách của chính em với tựa đề Marley Dias đã làm được (và bạn cũng có thể!) đã ra mắt vào tháng 1-2018.

Cũng khó ai hình dung nổi một dự án nghiên cứu xã hội ở trường tiểu học tại Carnation, bang Washington (Mỹ) đã gợi ý khởi nghiệp cho em Henry Burner 15 tuổi.

Khởi đầu từ thiết bị làm cúc áo thủ công mượn của mẹ, ở tuổi 14 Henry Burner nhận được bằng sáng chế đầu tiên cho hệ thống ghép nối tùy biến Tinker Reel. Hệ thống này đã giúp em gây dựng thành công doanh nghiệp trị giá hơn 2 triệu USD chuyên bán phụ kiện trang trí cho quần áo, trang phục, đồ dùng của mọi người với chín nhân viên toàn là người lớn.

Bệ phóng gia đình

Những bạn trẻ thông minh nhất này đều là những người có một bộ óc luôn đầy ắp các ý tưởng thú vị, sâu sắc, và nhiều người trong chúng ta cũng có khả năng tương tự.

Cô bé Grace Bush nhận bằng tốt nghiệp ĐH và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trong cùng một tuần - Ảnh: LUNIONSUITE

Nhưng yếu tố khiến họ trở thành khác biệt chính là sự toàn tâm toàn ý, siêng năng và nghị lực mạnh mẽ. Nếu không có những yếu tố này, chắc chắn họ không thể trở thành những người trẻ thông minh và hiện thực hóa được ước mơ của mình như những gì đã được ghi nhận.

Và một điều quan trọng không kém là họ chưa bao giờ đơn độc. Bên cạnh họ luôn có một mạng lưới hỗ trợ lớn, bắt đầu từ nền tảng gia đình, luôn sẵn sàng ủng hộ họ cả về vật chất lẫn tinh thần trong mức tối đa có thể để họ theo đuổi mơ ước.

Một số gia đình các bạn đã phải chuyển nhà, thậm chí chuyển tới một đất nước khác sinh sống để họ có cơ hội tiếp cận các trường học và những chương trình tạo nền tảng tốt nhất cùng những cơ hội lớn nhất.

Một số bạn tìm thấy niềm cảm hứng học tập, nghiên cứu ngay từ trong chính gia đình mình và cộng đồng xung quanh. Rất nhiều bạn đã quan sát thấy những vấn đề tồn tại dai dẳng và mang tính toàn cầu.

Họ trang bị cho mình những kỹ năng tốt, và quan trọng hơn họ không chấp nhận việc khoanh tay ngồi đó, để mặc cho những vấn đề tiêu cực, chưa hợp lý cứ tồn tại mãi mà không thử nghĩ ra giải pháp khả thi cho chúng. Họ còn có khả năng truyền cảm hứng vô tận cho người khác. Những nỗ lực học tập và sáng tạo của họ đều nhằm tới mục tiêu vì người khác.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Tuổi Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất