Những con số gây “sốc”
Theo thông tin từ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, kỳ thi THPT quốc gia 2018 thành phố có khoảng 28.000 thí sinh dự thi môn Lịch sử nhưng không có thí sinh nào đạt điểm 10. Đáng chú ý có đến 80,9% thí sinh tại TPHCM đạt điểm dưới trung bình ở môn thi này và chỉ 19,1% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên.
Đà Nẵng là địa phương có điểm thi Lịch sử thấp nhất cả nước với 90% thí sinh điểm dưới 5. Tại Đồng Nai, môn Lịch Sử chỉ có 12,76% thí sinh trên 5, có 7,24% thí sinh bị điểm dưới 5 và 180 thí sinh nhận điểm dưới 1. Tỉnh Quảng Trị cũng có 83% thí sinh điểm dưới 5 môn Lịch sử (4328 TS). Tại Phú Thọ cũng chỉ có 20,36% thí sinh được điểm trên 5 môn này.
Ngay cả trong dàn thí sinh có thành tích nổi bật có dự thi môn Lịch sử tại kì thi THPT quốc gia vừa qua thì thành tích môn này cũng khá thấp. Đó là trường hợp của thi sinh Đinh Ngọc Phi Linh Phi Linh (học sinh lớp 12A10 trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An).
Phi Linh có số điểm thi THPT quốc gia vừa qua được đánh giá không tệ. Tổng điểm 6 môn của 10x là 43,5 điểm, trung bình mỗi môn đạt 7,14.Trong đó, Ngữ Văn đạt 9 điểm, Tiếng Anh 8 điểm và GDCD 8,8 điểm và môn có điểm thi thấp nhất của Linh là Lịch sử 4,75.
Vì đâu điểm thấp kỳ lục?
Còn nhớ, kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013 cả nước có hơn 1.000 thí sinh đạt điểm 0 môn Lịch sử. Năm 2011 từng xuất hiện nhiều tranh cãi liên quan đến việc môn Lịch sử khi có hàng nghìn điểm 0 trong kỳ thi ĐH, CĐ. Từ đó đến nay năm nào tỷ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình ở môn thi này cũng thấp và năm nay cũng không ngoại lệ.
Nhiều giáo viên dạy Lịch sử tỏ ra thất vọng vì học sinh không còn yêu thích môn học này nhưng với thầy cô đó cũng là việc đã trong dự đoán.
Thí sinh hiện nay chủ yếu thi Lịch sử chỉ để xét tốt nghiệp chứ rất ít em chọn môn này trong tổ hợp xét tuyển đại học. Việc học và thi theo kiểu đối phó như vậy khiến điểm thi thấp là điều tất nhiên.
Trả lời trên VOV, cô Nguyễn Thị Kim Quyên, Tổ trưởng bộ môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du ở quận 10, TPHCM cho hay: “Đặc biệt với những kỳ thi tổ chức kiểu “2 trong 1” như thế này thì học sinh nhiều em không thèm học môn Lịch sử. Nhất là những thí sinh chỉ chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp thì chủ yếu các em sẽ cố gắng làm sao cho khỏi có điểm liệt thôi. Mục tiêu của các em chủ yếu như vậy nên khó có thể có điểm cao vì đề thi có tính phân hóa sâu”.
Còn theo nhiều giáo viên tại Trung tâm Hocmai, đề thi môn Lịch sử không chấp nhận những thí sinh chỉ học thuộc lòng và nhớ máy móc sự kiện, ngày tháng. Những điều chỉnh của đề thi năm 2018 so với trước đây khiến những thí sinh có thói quen học vẹt, học thuộc lòng, không kết nối, vận dụng được kiến thức sẽ không làm được bài thi.