Nhiều người tưởng rằng những thầy cô đứng trên bục giảng luôn nghiêm túc, tiếng nói ‘thét ra lửa' nhưng không hẳn vậy, nhiều thầy cô cũng ‘bá đạo' chẳng kém gì học trò.
Thầy cô bây giờ khác ngày xưa nhiều lắm, vui tính hơn, biết nhiều trò để ‘troll' học sinh mình nhiều hơn. Cứ nhìn những lời phê của thầy cô khi chấm bài cho học sinh mới biết, những lời phê khi thì chân thực, gần gũi lúc lại hài hước ‘đá xéo'. Có khi, thầy cô còn dùng lời phê có nhiều teen code nữa! Dù học trò có bị điểm hơi kém một chút, nhiều trò còn lĩnh ngay điểm 0 tròn trĩnh, nhưng chắc chẳng ai buồn bực được khi đọc những lời phê dí dỏm và hài hước như vậy.
Thầy Nguyễn Việt Phương - giảng viên khoa Giáo dục ĐH Vinh
Thầy giáo sinh năm 1989, giảng viên khoa Giáo dục và công tác tại trường được 6 năm. Thầy Phương từng học cử nhân ở trường ĐH Hà Nội và thạc sĩ ở Úc. Thầy có 5 năm làm Bí thư Đoàn của Khoa và các chức vụ kiêm nhiệm khác liên quan đến đào tạo.
“Có cái kính nào đeo vào học giỏi hơn không?”, “Nhan sắc tỉ lệ nghịch với chữ viết?”, “Em sống thế này đến bao giờ”; “Chữ xấu là dấu hiệu của thiên tài đó em, em đúng là một “thiên tài luôn”, “Em nên viết thư pháp vào mùa Xuân để tăng thêm thu nhập”… là những lời phê nói thẳng nói thật vào khuyết điểm kèm điểm kém nhưng khiến các cô cậu sinh viên không những không buồn mà còn vui vẻ và cố gắng sửa chữa.
Còn những bài đạt điểm cao thầy không quên hài hước “Sinh viên gương mẫu đây rồi”, “Triệu likes”, “Có những đứa dành hẳn 15 tuần cũng không lấy được con 9 này của em đâu, well done”,… giúp các bạn có thêm động lực.
Công tác ở trường được 6 năm, giảng viên 8X vẫn giữ phong cách viết lời phê này từ những ngày đầu đi dạy nguyên nhân chính bởi anh có tính cách vui vẻ, hài hước. Thêm nữa, vì làm Đoàn và công tác đào tạo liên quan trực tiếp đến xử lý các vấn đề cho sinh viên nên thầy giáo trẻ không muốn tạo khoảng cách cứng nhắc với học trò.
Mới đây mạng xã hội xôn xao vì một bài viết của fanpage Học viện Tài chính (Academy of Finance) với loạt ảnh chụp lại những lời phê vô cùng đáng yêu của các thầy N., giảng viên bộ môn Quản lý dự án của trường.
Điều khiến người ta không khỏi bật cười là những lời phê này có phần hơi “gắt” nhưng ngẫm kỹ thì thấy “chất như nước cất” với phong cách, giọng điệu cool ngầu không kém gì các bạn tuổi teen.
Chỉ cần đọc lời phê, dân mạng cũng đoán được thầy N. là một người rất vui tính, gần gũi với sinh viên. Xem xong những con điểm từ thấp đến cao được gắn với lời phê hài hước của giảng viên N., ai cũng cảm thấy ghen tỵ với sinh viên Học viện Tài chính khi có một giáo viên vui tính, dễ thương cực độ.
Cô Nguyễn Thị Như Huyền (giáo viên dạy Toán của Trường THCS Quang Trung, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)
Trong trào lưu “bóc mẽ” thầy cô giáo trên mạng xã hội bằng cách đăng tải các lời phê bá đạo, cô giáo phố núi Như Huyền bất ngờ nổi tiếng với những câu nhận xét thú vị khi chấm bài như “Tiếc quá! Hờn phép trừ”, “Đôi khi nhanh quá lại thiệt, cần đọc hướng dẫn trước khi hạ bút”, “Chép nhầm đề, hờn cả thế giới”, “Chấm bài cho cô, tôi muốn tăng xông vì bài 2a”,…
Với những bài kiểm tra mắc những lỗi nhỏ là lời nhận xét: “Bẩn không bao giờ hoàn hảo. Lần sau nhớ viết chữ đẹp hơn”, “Con đọc kỹ đề là được 10 điểm rồi”, “Tiếc quá, lần sau cẩn thận hơn”,… Những bài kiểm tra điểm kém, cô Huyền dành những lời phê để các học sinh không quá buồn và thấy có sự chia sẻ: “Đường chinh phục đỉnh cao luôn gặp chướng ngại vật, cố gắng vượt qua nha. Cô tin em làm được”, “Con cần cố gắng thật nhiều nhé”, “Cô rất buồn, con đi học cần chú ý hơn”,…
Những lời phê “đi vào lòng người” vẫn hiện hữu đâu đó…