Theo quy định của Bộ GD-ĐT ban hành, đến sau ngày 8/8 thì các trường đại học mới được phép công bố điểm chuẩn, tuy nhiên một số trường đã tiến hành công bố mức điểm chuẩn dự kiến nhằm tạo ra thước đo tương đối chính xác, từ đó giúp các thí sinh có thể dễ dàng lựa chọn hơn.
Nhiều trường đại học tốp trên như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội,… đã tiến hành công bố điểm chuẩn dự kiến, theo đó điểm chuẩn của những trường này tăng từ 1 đến 2 điểm so với mùa tuyển sinh năm 2018.
Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố điểm chuẩn dự kiến của 55 chương trình đào tạo hệ chính quy. Theo đó, ở nhóm 1, điểm chuẩn dự kiến sẽ dao động từ 27 đến 28 điểm, nhóm 2 từ 26 đến 27 điểm và các nhóm còn lại sẽ có mức điểm từ 19 đến 26 điểm. Nhóm ngành được dự báo có điểm chuẩn cao nhất lên tới 28 điểm là Khoa học máy tính.
Theo thông tin từ ông Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ với báo Người Lao Động thì điểm chuẩn của trường dự kiến sẽ tăng ở một số ngành “hot” như Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Marketing, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Thương mại điện tử,…
Đại diện Trường ĐH Y Hà Nội cũng cho biết, do phổ điểm năm nay cao hơn năm ngoái nên dự kiến điểm chuẩn của trường cũng sẽ cao hơn những năm trước từ 1 đến 3 điểm, tùy vào từng ngành cụ thể. Trong khi đó, theo dự kiến thì điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng tăng từ 1 đến 1,5 điểm so với năm 2018.
Trái ngược với mức tăng điểm chuẩn của những trường đại học tốp trên là một bầu không khí “u ám” bao trùm những trường đại học được đánh giá là nằm ở tốp dưới, ít nhận được sự quan tâm từ phía phụ huynh cũng như các thí sinh. Nhiều trường thậm chí còn hạ điểm sàn xuống mức thấp nhất có thể để “vét” những thí sinh có khả năng trúng tuyển.
Chính sự đối lập này đã đặt ra nhiều bất cập gây xôn xao cho dư luận trong thời gian vừa qua và khiến Bộ GD-ĐT phải tiến hành thanh tra công tác tuyển sinh tại 4 trường đại học trên cả nước, những trường được thanh tra bao gồm: ĐH Nội vụ Hà Nội, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Hùng Vương TP.HCM và ĐH Bạc Liêu.
Đây đều là những trường có mức điểm chuẩn rất thấp, chỉ dao động từ 12 - 14 điểm. Với việc chênh lệch điểm chuẩn của những nhóm trường đại học trên cả nước, Bộ GD-ĐT và cả những nhà chuyên môn có lẽ sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong những mùa thi tiếp theo nếu muốn đảm bảo tốt được chất lượng trong việc đào tạo hiện nay, đặc biệt là giáo dục ở bậc đại học.