TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: “Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết Ứng đáp Câu hỏi (Item Response Theory - IRT). Điểm của từng câu hỏi sẽ có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi”.
Các câu hỏi có độ khó, độ phân biệt khác nhau sẽ có đóng góp khác nhau vào tổng điểm. Thang điểm thi với tổng điểm tối đa của bài thi là 1.200 điểm.
Theo kết quả chấm thi, bài thi cao điểm nhất là 1.093 điểm. Bài thi thấp điểm nhất 309 điểm. Phân bố điểm thi gần với phân bố chuẩn (xem đồ thị), độ phân hóa tốt, thuận lợi cho việc tuyển chọn thí sinh.
Hiện tại, thí sinh có thể tra cứu điểm thi từ trang web thinangluc.vnuhcm.edu.vn, dùng mã hồ sơ đăng ký dự thi hoặc số CMND, số căn cước công dân. Phiếu báo điểm chính thức sẽ được gửi tới thí sinh qua đường bưu điện, theo địa chỉ thí sinh cung cấp khi đăng ký dự thi.
Kết quả thi của thí sinh được chuyển trực tiếp đến các đơn vị thành viên của ĐHQG TPHCM để thực hiện việc xét tuyển.
Chỉ tiêu trên chỉ tiêu Ngành, nhóm ngành cụ thể của từng trường là Trường ĐH Khoa học tự nhiên dành tối đa 20%; Trường ĐH Công nghệ thông tin 15%; Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn 12%. Các trường ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế - Luật và ĐH Quốc Tế mỗi trường 10%. Riêng Khoa Y không xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực này
Trước đó, ngày 7/7 kỳ thi đánh giá năng lực lần đầu được tổ chức tại TPHCM, Cần Thơ và Quy Nhơn để các trường thành viên có thêm hình thức tuyển sinh, tăng cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học. Khác với cách tiếp cận của kỳ thi THPT quốc gia, bài thi này đánh giá học sinh qua khả năng sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.